7 xu hướng tái định hình cục diện ngành quảng cáo 2024: Từ nàng thơ ảo trong “Em là” của Mono đến Tóc Tiên Clear Head, "cá nhân hóa người ảnh hưởng AI" sẽ thành hot trend

27/12/2023 16:29 PM | Kinh doanh

Ra mắt tháng 7/2023, MV "Em là" của Mono có một "nàng thơ" rất lạ - E.M. Đây là một "nàng AI" thuộc sở hữu của Top One Studio thuộc T&A Ogilvy, được chính thức giới thiệu với vai trò content creator trong mảng thời trang, làm đẹp và phong cách sống...

7 xu hướng tái định hình cục diện ngành quảng cáo 2024: Từ “Em là” của Mono đến Tóc Tiên Clear Head, cá nhân hóa người ảnh hưởng AI sẽ dẫn đầu xu hướng - Ảnh 1.

Người ảnh hưởng AI mang tên "E.M" được chính thức giới thiệu lần đầu vào năm 2020, sau 3 năm thử nghiệm. Thuộc sở hữu độc quyền bởi Top One Studio thuộc T&A Ogilvy, E.M đóng vai trò content creator trong mảng thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

"Cá nhân hóa người ảnh hưởng AI" sẽ dẫn đầu xu hướng Influencer Marketing tại Việt Nam, theo Sách đỏ (Red Paper) do Ogilvy công bố mới đây.

7 xu hướng tái định hình cục diện ngành quảng cáo 2024: Từ “Em là” của Mono đến Tóc Tiên Clear Head, cá nhân hóa người ảnh hưởng AI sẽ dẫn đầu xu hướng - Ảnh 2.

E.M trong MV "Em là".

Bên cạnh MV "Em là" của Mono, lĩnh vực Chăm sóc Sức khỏe cũng đã chứng kiến một màn ra mắt thành công Người ảnh hưởng ảo (Virtual Influencer) đầu tiên.

7 xu hướng tái định hình cục diện ngành quảng cáo 2024: Từ “Em là” của Mono đến Tóc Tiên Clear Head, cá nhân hóa người ảnh hưởng AI sẽ dẫn đầu xu hướng - Ảnh 3.

Minah – Nhân vật gây ảnh hưởng số tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.

Thực tế tại Việt Nam, từ năm 2020, một số "người ảnh hưởng số" đã được tạo ra nhằm phục vụ các chiến dịch truyền thông của thương hiệu. Ví như năm 2020, thương hiệu dầu gội Clear đã tạo ra một bản sao kỹ thuật số của nữ ca sĩ Tóc Tiên với khả năng tự học thảo luận của người dùng và tương tác với họ một cách thân mật và tự nhiên.

Năm 2021, Hà Wonder - người ảnh hưởng số của VPBank được xây dựng dựa trên nữ ca sĩ nổi tiếng Hồ Ngọc Hà. Nhằm thích ứng tính cách và lối sống phong phú, hiện đại của mình với không gian số, nữ ca sĩ đã xây dựng 5 phiên bản khác nhau để đại diện cho các dịch vụ thẻ tín dụng đa dạng của ngân hàng.

Bên cạnh xu hướng "Cá nhân hóa người ảnh hưởng AI", Sách đỏ cũng công bố 6 xu hướng Influencer Marketing chủ chốt khác. 7 xu hướng này được kỳ vọng sẽ thay đổi và tái định hình cục diện ngành quảng cáo năm 2024. Dưới đây là 6 xu hướng còn lại:

1- Năm của Thể thao lên ngôi

Với sự kiện thế vận hội Olympics lần đầu tiên được phát sóng trên TikTok cùng mối quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng dành cho các vận động viên, Thể thao được dự đoán sẽ vượt ngoài phạm vi sân cỏ để tạo ra những ảnh hưởng văn hóa xã hội trong năm 2024. Một dẫn chứng tiêu biểu, sau khi công khai hẹn hò với Taylor Swift, ngôi sao bóng bầu dục Travis Kelce đã thu về một lượng lớn người hâm mộ, cùng với lượt theo dõi trên trang Instagram tăng đột biến và chạm mốc 1,6 triệu.

Tại Việt Nam, trong năm qua, các nội dung về thể thao luôn nhận được sự quan tâm lớn của công chúng với hàng triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Trong đó, nội dung Esports dù chỉ mới gia nhập cuộc đua sáng tạo nhưng sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn.

2- Âm nhạc sẽ quay trở lại

Dễ cảm nhận và mang sức truyền tải lớn, âm nhạc luôn là "đòn bẩy" được các nhãn hàng lựa chọn để kết nối mạnh mẽ với đối tượng mục tiêu. Khảo sát thực hiện bởi YouGov cho thấy ⅓ người trưởng thành cảm thấy hứng thú hơn với những thương hiệu và chiến dịch có sử dụng âm nhạc. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Kantar, 73% người dùng chủ động dừng lại và xem quảng cáo có âm thanh trên nền tảng TikTok. Tỷ lệ này cao hơn hẳn so với nhiều nền tảng giải trí khác.

Cùng sự bùng nổ của cộng đồng sáng tạo nội dung, âm nhạc được kỳ vọng sẽ có màn trở lại ngoạn mục trong năm tới. Không chỉ các nghệ sĩ mà những nhà sáng tạo nội dung thuộc lĩnh vực này cũng hứa hẹn trở thành nhân tố quan trọng mở ra những bước tiến mới cho việc tận dụng âm nhạc trong Influencer Marketing của nhãn hàng.

Năm vừa qua, Coca-Cola đã chinh phục được giới trẻ với hoạt động sáng tạo "DJ Giờ nghỉ" phối hợp cùng T&A Ogilvy. Bằng việc kết hợp âm nhạc với platform (Tạm dịch: nền tảng) giờ nghỉ giải lao, nhãn hàng đã xây dựng 4 tập "DJ Giờ nghỉ" với sự dẫn dắt của 4 KOLs là những nghệ sĩ được yêu thích. Thông qua nội dung tương tác độc đáo, hài hước, series đã đem về cho Coca-Cola hơn 17.000 lượt thảo luận với tổng lượt xem cho 4 tập phát sóng lên đến hơn 6,4 triệu.

7 xu hướng tái định hình cục diện ngành quảng cáo 2024: Từ “Em là” của Mono đến Tóc Tiên Clear Head, cá nhân hóa người ảnh hưởng AI sẽ dẫn đầu xu hướng - Ảnh 4.

3- Tạo ảnh hưởng bền vững

Tầm quan trọng của việc lan tỏa thông điệp sống bền vững sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nội dung của cộng đồng Influencer. Người dùng đang quan tâm và chú trọng hơn cách thương hiệu xây dựng chiến lược ESG. Điều này đòi hỏi Influencer cần cẩn trọng hơn trong phát ngôn của mình. Cụ thể, hơn 84% nhà sáng tạo nội dung cho biết họ ngần ngại đăng bài về biến đổi khí hậu hay môi trường vì không muốn nhận phản ứng trái chiều.

4- Mỗi nhân viên đều có thể trở thành đại sứ thương hiệu

Đôi khi, chính đội ngũ nhân sự nội bộ lại là nhân tố tiềm ẩn giúp quảng bá hình ảnh thương hiệu một cách hiệu quả nhất. 89% nhà tiếp thị C-Suite đánh giá cao sự tác động từ những phản hồi tốt của nhân viên trên các nền tảng xã hội như Linkedin. Điều này sẽ được thể hiện rõ ràng hơn nữa ở nhiều nhãn hàng B2C trong năm 2024. Từ những hiểu biết sâu sắc và khả năng chinh phục niềm tin của nhân viên, thương hiệu có thể dễ dàng đạt được sự ủng hộ của khách hàng.

5- Livestream tiếp tục bùng nổ

Theo báo cáo, phát sóng trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội vẫn sẽ là một "điểm chạm" quan trọng trong các hoạt động quảng cáo. 66% nhãn hàng ghi nhận các nội dung được sản xuất bởi nhà sáng tạo mang lại tỷ lệ hoàn vốn (ROI) cao hơn so với quảng cáo truyền thống. Cũng từ đây, thế hệ GenZ bắt đầu có hành vi mua sắm vào dịp Giáng sinh trên TikTok. Đặc biệt, nhiều cơ hội doanh thu sẽ được mở ra cho cộng đồng Influencer thông qua hình thức này so với các mô hình đăng ký theo dõi truyền thống.

Năm 2023 đã chứng kiến sự lên ngôi của hành vi mua hàng qua nền tảng livestream, cụ thể nhất là TikTok Shop. Nghiên cứu của TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) chỉ ra rằng 81% người dùng cho biết quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi nội dung giải trí. Đặc biệt, theo nghiên cứu được TikTok uỷ thác cho Toluna thực hiện tại Đông Nam Á năm 2023, 1 trong 3 người dùng TikTok cân nhắc mua hàng trên TikTok Shop vì nội dung LIVE mới mẻ. Hơn 49% người dùng cho biết lựa chọn xem livestream để có cái nhìn trực quan về sản phẩm cần mua, trong khi 48% cho biết họ săn được nhiều ưu đãi hời khi mua sắm trên nền tảng này.

6- Thương hiệu bắt nhịp trở thành nhà sáng tạo nội dung

Các thương hiệu đang dần chuyển mình để trở thành những nhà sáng tạo nội dung thực thụ, qua đó bắt kịp với tốc độ phát triển của thị trường cũng như theo kịp xu hướng và cách thức tiếp cận từ cộng đồng nhà sáng tạo. Sự hoà mình này cho phép thương hiệu tạo ra các kết nối sâu sắc và đem đến nhiều giá trị tích cực cho người tiêu thụ nội dung và tiêu dùng sản phẩm dịch vụ.

Số liệu được công bố từ TikTok cho thấy, 54% người dùng yêu thích các quảng cáo của thương hiệu trên nền tảng này, trong đó 66% người tham gia khảo sát cũng đồng tình về khả năng kết nối dễ dàng với thương hiệu thông qua TikTok.

Hay trong chiến dịch tái tung sản phẩm Bia Saigon Special, "Beertender" được phát triển với sự tham gia của Đại sứ thương hiệu Da LAB, 20 KOLs, 10 cộng đồng và người ảnh hưởng ảo. Không chỉ là nhà sáng tạo nội dung, "Beertender" còn là nền tảng sáng tạo nội dung của thương hiệu (Brand Creator), mang hình ảnh trẻ trung, cao cấp, hoạt động 24/7 tương tác với người dùng, qua đó kết nối với đối tượng mục tiêu Gen Z thông qua nội dung liền mạch và mang tính tương tác cao. Đây cũng là chiến dịch tiên phong trong việc ứng dụng AI Influencer tại Việt Nam.

Được dự đoán sẽ vượt mốc 500 tỷ đô vào năm 2027, song hơn 96% tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo vẫn chưa được khai thác và tận dụng. Theo nghiên cứu Influencer Advertising - Asia được công bố bởi Statista Market Insights, tổng ngân sách cho hoạt động Influencer Marketing tại khu vực châu Á dự kiến chạm mốc 123,1 triệu đô vào năm 2027. 

Tại Việt Nam, số lượng macro-influencer sở hữu hơn 1 triệu người theo dõi đã đạt con số 1.132. Bên cạnh đó là cuộc bùng nổ "dân số" của cộng đồng micro-influencer, khi có hơn 32 nghìn influencer sở hữu dưới 100 nghìn người theo dõi.

Không còn đóng vai trò bổ trợ cho các chiến dịch truyền thông, Influencer (Tạm dịch: Người ảnh hưởng) đang trở thành mắt xích khó tách rời trong chiến lược xây dựng thương hiệu. Điều này đòi hỏi nhãn hàng có tư duy mở và táo bạo hơn trong củng cố mối quan hệ mật thiết với Influencer, vượt khỏi các mô hình quảng cáo truyền thống, theo Ogilvy.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM