7 tuyệt chiêu "đối phó" khi vừa vào thử việc đã bị đồng nghiệp mời cưới
Nếu vừa vào làm tại công ty chưa được bao lâu đã bị đồng nghiệp mời cưới, bạn đừng vội từ chối mà hãy thử cân nhắc áp dụng 7 tuyệt chiêu dưới đây.
Chúng ta thường rất hào hứng khi nhận được thiệp cưới của người thân, bạn bè. Thế nhưng, trong trường hợp với đồng nghiệp không thân hoặc bạn chỉ vừa vào công ty thử việc thì quả thực vô cùng khó xử.
Dưới đây là một số gợi ý đến từ các chuyên gia mà bạn có thể áp dụng nếu rơi vào tình huống này.
Chân thành nói cảm ơn
Bước đầu tiên, dù không muốn tham dự tiệc cưới nhưng khi nhận được thiệp bạn vẫn cần gửi một lời cảm ơn đến cô dâu, chú rể vì đã có lời mời, đó là phép lịch sự tối thiểu và bạn chắc chắn phải làm.
Suy nghĩ trước khi quyết định
Tiếp theo, bạn hãy suy nghĩ một chút xem tại sao họ lại gửi thiệp mời cho mình? Liệu bạn có nên bỏ lỡ đám cưới này hay không?
Sau cùng, nếu vẫn cảm thấy mối quan hệ với cô dâu, chú rể không đủ thân thiết để tham dự đám cưới, bạn hãy lịch sự gửi tin nhắn hoặc gọi điện để thông báo mình không thể góp mặt. Trong một vài trường hợp, nếu cần giữ thiện cảm tốt với người đồng nghiệp này, bạn có thể mời họ một bữa ăn để chia sẻ lý do của mình.
Không nhất thiết phải luôn thành thật
Khi không thể góp mặt trong đám cưới của bạn bè, họ hàng thân thiết, bạn có thể nói thật với họ lý do của mình. Đó có thể do bạn vướng lịch công tác hoặc chuyến du lịch đã đặt từ lâu.
Tuy nhiên, trong một số mối quan hệ xã giao, sẽ không sao cả nếu bạn đưa ra lời nói dối vô hại nhằm từ chối một cách lịch sự. Bạn vẫn có thể thành thực với những lý do như đang khủng hoảng tài chính hoặc không muốn gặp mặt người yêu cũ trong bữa tiệc của họ.
Song đừng nói rằng "Tôi với bạn chưa đủ thân thiết để mời cưới thế này", điều này chỉ khiến mối quan hệ trở nên xa cách hơn.
Kiên định với quyết định
Khi đã từ chối tham gia buổi tiệc bạn cần kiên định với lựa chọn của mình. Giả dụ lý do không thể tham dự đám cưới vì eo hẹp về tài chính và bạn được cô dâu, chú rể đề nghị chi trả mọi chi phí di chuyển. Trong trường hợp tỏ ra do dự hoặc thỏa hiệp, bạn dễ bị đối phương xem nhẹ. Vậy nên bạn cần giữ vững lập trường, biết chính xác những gì mình nói ra và không nên thay đổi.
Tặng quà
Nếu cảm thấy quá ngại ngùng khi từ chối dự đám cưới vì dù sao sau này bạn vẫn phải tiếp tục chạm mặt họ ở công ty, bạn hãy tặng cô dâu/chú rể một món quá nhỏ thay cho lời chúc phúc. Hoặc bạn cũng có thể mời họ một bữa ăn sau tiệc cưới.
Tránh dài dòng và chần chừ
Khi muốn từ chối, bạn cần cung cấp thông tin vừa đủ để cô dâu chú rể hiểu được lý do bạn vắng mặt. Càng giải thích dài dòng, nói nhiều chỉ càng lộ lý do bản thân đang nói dối.
Ngoài ra, bạn không nên đợi đến phút cuối để thông báo không đến tham dự, điều này khiến họ rất thất vọng và ghét bạn hơn. Nếu không đi, bạn cần thông báo sớm, thậm chí có thể gửi tin nhắn, email để xác nhận một lần nữa, tránh trường hợp cô dâu, chú rể quá bận mà quên mất.
Không nên khoe khoang với mọi người xung quanh
Nhiều người có thói quen bày tỏ quá đà với đồng nghiệp về một việc bất mãn nào đó. Chẳng hạn, bạn cố tình nói ra "Đứa A không thân mà cũng mời cưới..." hoặc pha trò, khoe khoang bản thân có quá nhiều việc quan trọng phải giải quyết và chuyện đi ăn cưới chỉ là việc phụ. Hành động này chỉ khiến đối phương cảm thấy không được tôn trọng và bạn cũng sẽ mất điểm trong mắt mọi người.
Nguồn: Onefabday