7 điểm khác nhau giữa phim và truyện của Mắt Biếc: Vắng nhiều nhân vật quan trọng nhưng may quá có thêm "bé Hồng"
Không thích giữ mình trong an toàn, đạo diễn Victor Vũ đã mạo hiểm thay đổi một số nội dung trong phim Mắt Biếc so với nguyên tác. Điều này không gây thất vọng cho khán giả chút nào!
Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc
Như vậy là sau bao ngày chờ đợi, siêu phẩm Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ cũng đã ra rạp. Cũng như các tác phẩm chuyển thể khác, khi lên phim, đạo diễn không thể giữ lại 100% nội dung sát với nguyên tác vì lý do khách quan lẫn chủ quan. Truyện dài Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lần này cũng không ngoại lệ. Bên cạnh việc tuân theo mở đầu và kết thúc trong cốt truyện, bộ phim tồn tại 7 điểm khác khi so với nguyên tác. Tuy vậy, đây là những điều chỉnh có chủ đích và giúp đẩy cao trào cảm xúc khán giả lên một cách trọn vẹn.
1. Thiếu vắng cô Thịnh, thầy Phu, cô Thung và loạt nhân vật làm nên tuổi thơ của cặp đôi Ngạn - Hà Lan
Thời thơ ấu dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn là một trong những đặc điểm làm nên tên tuổi của ông. Ở Mắt Biếc , ta đã được chứng kiến một quãng thời gian "con nít" đầy hồn nhiên, vui tươi, nhưng không kém phần tinh nghịch. Đó là quãng thời gian bên ngoài thì làm bạn với đồng trang lứa, về nhà làm bạn với các chị, cô, bà nội của Ngạn ( Trần Nghĩa ). Trong đó, phải kể đến cô Thịnh.
Do thời lượng có hạn, Hà Lan được xây dựng là tuổi thơ tuyệt vời nhất bên Ngạn.
Đây là người gắn bó với Ngạn khá nhiều từ những năm tiểu học, đến mãi cấp 2, cấp 3. Theo truyện, cô là người chăm sóc cho Ngạn mỗi khi bị đánh, bên Ngạn mỗi khi rong chơi khuya bên ngoài, làm nên mảnh ghép không thể thiếu cho tuổi thơ của Ngạn. Tuy vậy, do thời lượng có hạn, cộng với việc muốn tập trung phát triển nội dung khi trưởng thành, cô Thịnh đã bị cắt vai. Bên cạnh đó, những ông giáo (thầy Phu), bà giáo (cô Thung) và loạt nhân vật khác cũng bị bỏ đi, dọn chỗ cho chuyện tình "cây si" phát triển.
2. Có chàng trai viết lên cây !
Giếng cây Duối là nơi chứng kiến tình cảm của Ngạn dành cho Hà Lan.
Phân đoạn Ngạn viết chữ " Mắt Biếc " lên thân cây bên cạnh giếng cây Duối là một trong những cảnh được thêm vào có chủ đích từ phía đạo diễn. Theo nguyên tác, Ngạn chưa bao giờ làm việc này. Có thể hiểu rõ, điều này được thêm vào để có sự kết nối nhất định với bài hát chủ đề Có Chàng Trai Viết Lên Cây . Do đó, cảm xúc của khán giả phần nào cũng được đẩy xa hơn. Khi còn bé, ai đã không từng 1 lần viết tên người mình yêu thương lên giấy, lên cát, hay cả lên cây như thế?
"OST Mắt Biếc" Có Chàng Trai Viết Lên Cây - Phan Mạnh Quỳnh
3. Cô gái vàng trong làng "đánh rơi liêm sỉ": Hồng
Một trong những sáng tạo gây ra được hiệu ứng lớn đến với khán giả trong Mắt Biếc lần này chính là Hồng ( Nguyễn Lâm Thảo Tâm ). Trong truyện, Hồng không tồn tại. Dẫu vậy, cô được phía khán giả nhiều lần vỗ tay khen thưởng cho nét diễn tự nhiên, tạo ra nhiều tình huống hài hước cho câu chuyện.
Vai trò của hotgirl IELTS 8.5 khiến mọi người thích thú.
Có thể, Hồng được tạo ra với ý nghĩa trở thành "tấm gương" cho cuộc đời Ngạn. Đó là cô gái si tình, thầm thương Ngạn từ những năm tiểu học, giữ lấy tình riêng cho mình đến những năm cấp 3, sẵn sàng về quê làm "bà giáo nhỏ", bầu bạn cùng Ngạn. Đối với Ngạn, Hồng chính là tấm gương cho anh. Mỗi khi nhìn vào Hồng, Ngạn sẽ thấy được sự ngu ngốc, si tình, vô vọng trong cuộc tình của mình dành cho Hà Lan ( Trúc Anh )
4. Ngạn chăm sóc cho mẹ con Hà Lan lúc vừa mới sinh
Đối với độc giả của truyện Mắt Biếc , Ngạn lúc nào cũng là nhân vật đáng thương, ngu ngốc nhưng không kém phần hi sinh cho Hà Lan. Mới đây, sợ chưa đủ cao cả, đạo diễn thêm luôn cảnh Ngạn đội mưa gõ cửa từng nhà mượn gạo giúp con Hà Lan qua cơn đói. Đây là 1 trong những phân cảnh giúp sự hi sinh của Ngạn thăng hạng thấy rõ. Làm gì tìm được một người, vì yêu mà có thể bất chấp tất cả, mặc cho tai tiếng của người đời.
Ngạn chẳng ngại chăm sóc cho mẹ con Hà Lan lúc mới sinh, dù đó là con của Dũng.
Bên cạnh đó, việc Hà Lan được cô ruột đưa đi trốn ở một khu trọ nhỏ khi biết tin mang thai cũng là sự điều chỉnh không có trong truyện. Điều này vốn thích hợp với tâm lý Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng. Điều mà gia đình Hà Lan sợ, không phải Hà Lan có mang, mà là sợ tai tiếng hàng xóm, chỉ trích người đời.
5. Hà Lan tiếp nối số phận đáng thương từ Mẹ!
Trong truyện, Hà Lan được giới thiệu có được đôi mắt đẹp như Mắt Biếc là thừa hưởng từ cha. Đáng chú ý, lúc biết tin Hà Lan mang thai, cha và mẹ cô đồng loạt thể hiện biểu cảm buồn đến không cảm xúc. Tuy nhiên, khi lên phim, Hà Lan lại trở thành 1 người con không cha, được nuôi dưỡng duy nhất bởi mẹ mình. Đoạn hội thoại giữa 2 mẹ con trong phim đã nói lên điều đó: "Không phải mẹ nói với con là con gái chửa hoang thì không thể tìm được người đàn ông tử tế sao?"
6. Tính cách chủ động lẫn tăng động của Trà Long
Nếu đọc qua Mắt Biếc , bạn sẽ không thể quên được nhân vật Trà Long (Khánh Vân). Đó là cô gái bé nhỏ, hiện thân cho phiên bản rất khác của Hà Lan, là mơ ước của Ngạn. Trong truyện, Trà Long được miêu tả là cô gái từ tốn. Quá lắm, cô cũng chỉ dám trách móc Ngạn vài câu vì sao không đến đón mình. Có phân đoạn, Ngạn mới chính là người chủ động, đặt tay Trà Long lên môi mình. Cô đáng thương đến nỗi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết hẳn 1 tác phẩm mang tên Thương Nhớ Trà Long sau đó.
Trà Long là hình mẫu Hà Lan trong mơ của Ngạn.
Ngược lại, Trà Long của phiên bản điện ảnh là cô gái hồn nhiên, hay cười, thích chủ động. Cô chủ động muốn Ngạn dẫn đi chơi rừng sim, cô không ngần ngại hát cho Ngạn nghe và chẳng mấy chốc đưa môi về phía Ngạn, Trà Long cũng không phiền đụng chạm thân thể Ngạn trong lúc anh đang chơi đàn. Hơn hết, Trà Long được xây dựng là cô gái mạnh mẽ, nhân vật quan trọng giúp đánh thức tình cảm Hà Lan dành cho Ngạn cuối phim.
7. Đoạn kết cao trào, đưa cảm xúc khán giả lên đỉnh!
Khi một mối tình không có mở đầu...
thì làm gì có kết thúc!
Nếu như trên trang sách, câu chuyện khép lại với vài dòng tâm thư Ngạn gửi Trà Long để lên đường, thì trong thước phim, đó là kết thúc của riêng Ngạn và Hà Lan. Đó là kết thúc gắn liền với nguyên tắc tình yêu "có không giữ, mất đừng tìm" khi cô không kịp níu chân Ngạn về. Khi con tàu đã đi xa, Hà Lan ở lại, nhìn theo phía sau Ngạn. Mặc dù cô đã khóc rất nhiều lần, lần này đặc biệt nhất vì những giọt nước mắt đó dành cho Ngạn, cho hơn 30 năm si tình. Rốt cuộc, Hà Lan đã bỏ lỡ 2 thứ quan trọng nhất trong đời: một là chuyến xe cuối cùng về nhà, hai là người yêu thương ta nhất!
Trailer "Mắt Biếc"
Mắt Biếc chính thức được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ 20/12.
WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Điều phi thường nhỏ bé.
Đó là câu chuyện về những điều phi thường được tạo nên từ những con người bình thường, giản dị nhất. Chính những phép màu, những điều dẫu nhỏ bé nhưng phi thường này, càng khiến chúng ta thêm tin vào vẻ đẹp của cuộc sống, của lòng nhân ái, và của chính con người.
Hãy cùng chúng tôi tôn vinh những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng có mặt trong WeChoice Awards 2019 qua cổng đề cử chúng tôi dành riêng cho bạn. Truy cập wechoice.vn để gửi Đề cử của bạn về cho WeChoice Awards 2019.