7 câu hỏi kiểm ca kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy, nếu trả lời đúng, chúc mừng bạn sẽ an toàn!

24/05/2024 13:35 PM | Sống

Trả lời các câu hỏi sẽ là cách giúp bạn trang bị thêm những kỹ năng sinh tồn khi phải đối diện với hỏa hoạn.

1. Lửa và khói, yếu tố nào nguy hiểm nhất trong đám cháy?

Yếu tố đầu tiên đặc biệt nguy hiểm đối với sức khoẻ và tính mạng của con người đó là sự tác động của khói. Do đó, ngạt khí là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn do hít phải nhiều khí độc CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ...

Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng.

2. Có nên dùng khăn ướt để che mũi, miệng?

Việc che miệng và mũi bằng khăn ướt hữu ích trong tình huống có khói nhẹ trong nhà.

7 câu hỏi kiểm ca kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy, nếu trả lời đúng, chúc mừng bạn sẽ an toàn!- Ảnh 1.

Cúi thấp người khi di chuyển ra ngoài để tránh ngạt khói - Ảnh minh họa: Cục PCCC&CNCH

Trả lời trên báo Nhân Dân, theo bác sĩ Vũ Việt Hà, khoa Cấp cứu và hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc phủ khăn ướt che kín mặt, mũi có thể giúp tránh khói nhưng không ngăn được ngộ độc khí CO. Trong đám cháy, nếu ở trong phòng kín quá thì dù có khăn ướt vẫn có thể bị ngộ độc khí CO.

Người dân nên chạy ra ban công, nơi thoáng khí, nếu không xuống được ngay thì nên dựng một tấm mái để nấp dưới đó, khí độc trong nhà bay ra sẽ bay lên cao, vượt lên mái. Ví dụ dùng một tấm đệm gác chéo tạo hình tam giác để người chui xuống dưới.

Ngay khi được cứu thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân cần được cho thở oxy ngay để bảo đảm cung cấp oxy, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, kiểm tra các vết thương trên người, đặc biệt vết thương do ngã, va chạm, sau đó chuyển vào bệnh viện để đánh giá sâu hơn.

3. Làm gì khi ngọn lửa bùng phát mạnh, ngày càng lan rộng?

Khi phát hiện sự cố cháy, mọi người nên hô hoán, nhấn nút chuông báo cháy,… nhằm thông báo cho mọi người trong khu vực cùng biết. Trong trường hợp đám cháy nhỏ, cần nhanh chóng cắt nguồn điện, sử dụng các biện pháp chữa cháy ban đầu để xử lý.

Nếu xét thấy đám cháy có nguy cơ phát triển lớn, với các phương tiện hiện tại không thể dập tắt được đám cháy thì phải bằng mọi cách thoát ra bên ngoài và nhanh chóng gọi điện báo cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114.

4. Nên chạy đi đâu khi có cháy?

Về cơ bản, có 4 phương án thoát nạn phổ biến, bao gồm thoát lên trên, thoát xuống dưới, chờ cứu hộ tại chỗ và lánh nạn gần đó.

Đặc điểm chính của các vụ cháy nhà cao tầng là tốc độ lan rộng rất nhanh. Hầu hết các tòa nhà đều trang bị trục thang máy hay đường ống thoát khí. Chính vì vậy khi xảy ra cháy sẽ hình thành "hiệu ứng ống khói" và "hiệu ứng gió". Nếu đám cháy xuất phát từ tầng trên, bạn cần chạy càng nhanh càng tốt xuống dưới, tầng 1, nơi có cửa chính để thoát ra ngoài. Đây là ưu tiên hàng đầu khi xảy ra cháy tại các tòa nhà cao tầng.

Tuy nhiên nếu ngược lại, đám cháy xuất phát từ tầng dưới, đặc biệt là tầng 1, lửa bùng phát dữ dội mà bạn không thể vượt qua, tình huống sẽ trở nên phức tạp hơn. Ngọn lửa sẽ vô tình bịt lối thoát hiểm cầu thang bộ và cửa chính của tòa nhà. Lúc này khói trong quá trình đốt cháy cũng sẽ bốc ngược lên trên với tốc độ nhanh.

Nếu ở các tầng thấp, có độ cao không quá 3,5 m, có thể tìm lối thoát hiểm qua đường cửa sổ hoặc ban công. Nhưng cần ghi nhớ, tuyệt đối không nhảy bởi khả năng sống sót cũng không cao.

Ngoài ra, hãy cân nhắc di chuyển lên các tầng cao hơn hay tầng thượng, tìm một khu vực an toàn, đóng kín cửa lại để phần nào "cách ly" với đám cháy.

7 câu hỏi kiểm ca kỹ năng thoát hiểm trong đám cháy, nếu trả lời đúng, chúc mừng bạn sẽ an toàn!- Ảnh 2.

Tận dụng khăn, chăn ướt bịt vào khe cửa để ngăn khói nếu đám cháy quá lớn và khói dày đặc - Ảnh minh họa Cục PCCC&CNCH

5. Khi chạy cháy, bạn cần ghi nhớ điều gì?

Không cố thu nhặt những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà

Không tìm hiểu đám cháy, tò mò xem cháy ở đâu…

Bò trên sàn nhà nếu có khói: Lúc này khói sẽ di chuyển theo sát trần nhà, nên ở phía sàn nhà sẽ ít khói hơn. Hãy để mũi, mặt càng thấp mặt sàn càng tốt. Hãy nhớ, khói rất độc, bạn sẽ bị ngạt và ngất lịm đi trong khoảng thời gian rất nhanh.

Khi ra ngoài, chỉ mở cửa lối bạn cần đi và đóng tất cả các cửa đang mở để ngăn đám cháy lan rộng.

Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm thì không được phép mở vì mặt bên kia của cánh cửa đang có cháy. Lưy ý: Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay.

Nếu đang chạy thoát cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể, vì khi 1 người bị lạc trong làn khói sẽ rất khó để quay lại tìm nếu không có thiết bị bảo hộ như mặt nạ phòng độc, bình oxy…

Rất có thể lối thoát bị cháy hoặc có khói, vì thế, bạn cần phải biết những lối thoát khác ở chỗ nào. Ngoài ra, nếu bạn sống trong chung cư, bạn cũng cần phải biết cách nhanh nhất để đến cầu thang hay các lối thoát hiểm khác.

6. Làm gì khi quần áo bị bắt lửa?

Đừng chạy vòng quanh, bạn sẽ chỉ quạt cho ngọn lửa và làm chúng cháy nhanh hơn

Nằm xuống: việc này giúp lửa khó lan ra hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu bạn (lửa cháy từ dưới lên trên).

Dập lửa: Bao trùm ngọn lửa bằng vật liệu nặng như áo khoác hay chăn, việc này giúp phá vỡ nguồn cung cấp oxi cho lửa.

Lăn vòng quanh: Hành động lăn giúp dập lửa nhanh & dễ dàng nhất

7. Nếu đang chờ cứu hộ trong nhà, nên chọn nhà vệ sinh hay phòng ngủ?

Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa phòng ngủ rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM