7 cách dạy con lòng biết ơn để trẻ sống lạc quan, hạnh phúc

21/09/2022 10:02 AM | Sống

Ngoài việc giúp trẻ rèn luyện, nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, dạy con lòng biết ơn còn là "chìa khóa" để chúng sống lạc quan, hạnh phúc hơn.

Người xưa thường có câu "Tiên học lễ, hậu học văn", ý muốn nói đến tầm quan trọng của đạo đức con người. Một con người chưa cần biết họ giỏi giang ra sao, tài năng thế nào, chỉ cần họ sống nhân, nghĩa thì đã có phúc đức dồi dào.

Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quyết định nhân cách của một người trong tương lai. Chính vì vậy, hơn cả trí tuệ, dạy con lòng biết ơn là điều các bậc cha mẹ nên làm. Đặc biệt, có nhiều nghiên cứu cho thấy, khi trẻ có lòng biết ơn, con sẽ có xu hướng suy nghĩ những điều tích cực, từ đó giúp chúng thêm yêu đời, hạnh phúc.

7 cách dạy con lòng biết ơn để trẻ sống lạc quan, hạnh phúc - Ảnh 1.

7 cách dạy con lòng biết ơn cha mẹ nên áp dụng

1. Cha mẹ làm gương cho con

Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên và quan trọng nhất ảnh hưởng đến tương lai của con cái. Trẻ sẽ có xu hướng bắt chước lại những hành vi của cha mẹ và dần hình thành nhân cách của chúng. Vì vậy phụ huynh nên làm gương cho trẻ về lòng biết ơn để con noi theo. Trong gia đình, cha mẹ nên hiếu kính với ông bà, vợ chồng nên biết ơn đến nhau, thậm chí, khi con giúp mình, cha mẹ cũng nên nói lời cảm ơn đến trẻ... Có như vậy con mới học tập và làm theo. Mặt khác khi được bố mẹ nói lời cảm ơn những lúc con làm việc tốt, trẻ rất vui và chắc chắn sẽ phát huy.

2. Khuyến khích con làm việc nhà

Khi trẻ cùng cha mẹ làm việc nhà, chúng sẽ nhận ra rằng mình cũng cần nỗ lực và không nên coi mọi thứ là điều hiển nhiên. Con sẽ sớm tự lập và biết ơn việc bố mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng mình là 1 điều thiêng liêng. Và con cần đền đáp công ơn nuôi dưỡng, giáo dục đó của cha mẹ.

3. Dạy trẻ giúp đỡ người khác

Một cách khác để dạy trẻ về lòng biết ơn đó là cha mẹ hãy cùng trẻ giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Những hành động nhỏ như hỏi thăm, ủng hộ người nghèo,... sẽ tập cho trẻ thói quen hỗ trợ hoàn cảnh khốn khó, yếu thế trong cuộc sống. Ngoài ra, việc nhận được lời cảm ơn từ người mà mình giúp đỡ sẽ giúp trẻ dần hiểu rằng, làm việc tốt sẽ mang đến nhiều ý nghĩa, giá trị tốt đẹp cho xã hội.

Cha mẹ cũng đừng quên dành lời khen ngợi hoặc phần thưởng nhỏ nếu trẻ có những hành động giúp đỡ người khác để khuyến khích các con duy trì trong việc chủ động giúp đỡ mọi người.

7 cách dạy con lòng biết ơn để trẻ sống lạc quan, hạnh phúc - Ảnh 2.

4. Tâm sự với bé về những vất vả của cha mẹ

Nhiều phụ huynh thương con nên thường giấu sự vất vả của mình, chỉ để con cái thấy được những lúc mình an nhàn, không vất vả. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Con sẽ cảm thấy cha mẹ làm việc quá dễ dàng, kiếm tiền không mất nhiều công sức như chúng nghĩ... Từ đó con không coi trọng công sức của cha mẹ.

Phụ huynh hãy thường xuyên tâm sự với con về nỗi vất vả của mình. Tâm sự khác với lời than vãn. Nếu điều kiện cho phép, bạn cũng có thể đưa bé đến nơi làm việc để trẻ tận mắt chứng kiến công việc của mình. Một khi hiểu được cha mẹ kiếm tiền vất vả, bé sẽ biết yêu thương cha mẹ hơn và trân trọng những thứ được đổi lấy bằng mồ hôi, công sức của cha mẹ.

5. Đừng đáp ứng mọi đòi hỏi của con quá dễ dàng

Nhiều cha mẹ dễ dàng "đầu hàng" khi con mè nheo muốn đòi hỏi 1 thứ gì đó. Thái độ này của phụ huynh sẽ làm ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng lòng biết ơn ở con bạn. Cảm giác thỏa mãn dễ dàng sẽ khiến bé mất đi lòng biết ơn với những người đã làm ra thứ mình thích, những người đã đáp ứng mình.

Khi cảm thấy yêu cầu của bé không hợp lý, cha mẹ cũng nhớ phải giải thích lý do nhẹ nhàng rồi từ chối chứ đừng lập tức nói "không". Vì như vậy con sẽ cảm thấy oan ức, phi lý.

7 cách dạy con lòng biết ơn để trẻ sống lạc quan, hạnh phúc - Ảnh 3.

6. Cha mẹ hãy dạy con nói lời cảm ơn

Cảm ơn, xin lỗi, vui lòng là câu nói mà cha mẹ cần phải dạy trẻ khi còn nhỏ. Dạy trẻ luôn phải cảm ơn người khác khi họ mang lại cho ta một điều tốt đẹp. Dạy trẻ nói lời xin lỗi khi làm phiền hoặc có lỗi với người khác. Và giúp con biết cách nói câu "vui lòng" khi muốn nhờ vả người ta làm điều gì đó cho mình. Những hành động cụ thể như thế sẽ giúp trẻ tôn trọng người khác, thể hiện sự chân thành, và thêm quý trọng tình cảm của mọi người xung quanh.

7. Cha mẹ hãy kiên nhẫn

Trẻ không thể đột nhiên thấm nhuần những lời răn dạy của bố mẹ và chúng cần thời gian trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống. Vì vậy cha mẹ hãy bình tĩnh và giúp trẻ hình thành thói quen về sự cảm kích, lòng biết ơn với những thứ mình nhận được.

Theo Minh Nhật

Cùng chuyên mục
XEM