65 tuổi, đi họp lớp: Người thương cũ rủ nối lại tình xưa, tôi đồng thuận nhưng bị con cái phản đối kịch liệt vì 2 lý do
Gặp lại tình cũ sau nhiều năm tại buổi họp lớp, tôi như được sống lại những ngày nhiệt huyết cháy bỏng của tuổi niên thiếu.
Bài viết về câu chuyện của bà Trương Mỹ Cúc được đăng tải trên trên MXH Toutiao (Trung Quốc) thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
***
Tôi tên là Trương Mỹ Cúc, năm nay tôi 65 tuổi, là giáo viên dạy Toán đã nghỉ hưu. Tôi và chồng cũ bằng tuổi và có chung 1 người con trai. Tuy nhiên, cách đây 5 năm, chồng của tôi không may qua đời vì bệnh ung thư. Mấy năm trước, tôi thường dành thời gian hỗ trợ các con chăm sóc cháu trai. Hiện tại, cháu trai tôi đã lớn, những lúc rảnh rỗi, tôi thường cắm hoa, đọc sách.
Trong một buổi chiều cách đây không lâu, tôi đột nhiên nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Do sợ gặp phải lừa đảo, tôi không do dự cúp máy ngay lập tức. Tuy nhiên, số điện thoại kỳ lạ đó vẫn tiếp tục gọi tới, đến cuộc gọi thứ ba, tôi nhấc máy trả lời. Khi nhấc máy, tôi đã ngạc nhiên và vui mừng tột độ. Người gọi là lớp trưởng ở trường trung học của tôi.
Sau khi tốt nghiệp, tôi và vài người bạn thân thiết thi thoảng gặp nhau. Tuy nhiên, sau vài năm, vì nhiều lý do cá nhân mà tôi và các bạn dần mất liên lạc. Qua cuộc điện thoại, lớp trưởng thông báo đã liên hệ được hơn 10 người, muốn mở buổi họp lớp tại một nhà hàng. Tôi lưỡng lự một lúc rồi đồng ý.
Đối với tôi, những bữa tiệc chỉ là nơi tụ họp dành riêng cho giới trẻ, chưa kể có một số người bạn tôi đã nhiều năm không gặp. Do đó, khi nghe nói sẽ tổ chức họp lớp, trong lòng tôi có một cảm giác khó tả.
Cuộc hội ngộ bất ngờ sau nhiều năm xa cách
Bữa tiệc được tổ chức tại một nhà hàng lâu năm nằm trên đoạn đường ngày xưa chúng tôi thường đạp xe đi học. Khi tôi đến nơi, đã có hơn 10 người đến trước. Tôi tìm một chỗ ngồi, bắt đầu trò chuyện với các bạn. Những gương mặt ngây thơ, non nớt thời niên thiếu giờ đã in đậm dấu vết của thời gian.
Vừa nói được vài câu, một bóng người quen thuộc đã xuất hiện ở cửa. Lý Chí Cường - mối tình cũ của tôi mặc một bộ vest màu xanh đậm tươm tất, trên khuôn mặt nở nụ cười dịu dàng. Tuy khuôn mặt cậu ấy đã hiện rõ nếp nhăn nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời như trước.
Sau khi chào hỏi mọi người, Lý Chí Cường nhìn xung quanh, bước tới gần tôi và ngồi ngay bên cạnh. Lý Chí Cường lớn hơn tôi 3 tuổi, do gặp một vài sự cố trong chuyện thi cử nên cậu ấy đã học cùng chúng tôi.
Do nhiều năm không gặp mặt, lúc đầu, mọi người đều dè dặt kể về cuộc sống, hoàn cảnh hiện tại của bản thân và gia đình. Ngoài ra, chủ đề của cuộc nói chuyện cũng xoay quanh những ước mơ và tiếc nuối thời trẻ của mỗi người. Dần dần, mọi người thoải mái hơn trong việc chia sẻ những câu chuyện riêng tư.
Trong khi mọi người đang vui vẻ trò chuyện, bỗng có một người bạn đột nhiên hỏi Lý Chí Cường: "Điều khiến cậu hối hận nhất suốt những năm qua là gì?". Lý Chí Cường im lặng một lúc, sau đó nhìn sang tôi, chậm rãi nói: "Điều tôi tiếc nuối nhất là đã không đủ dũng khí để chống lại áp lực của cha mẹ, đánh mất người mình yêu".
Từ khi còn học trung học, Lý Chí Cường đã sớm thổ lộ tình cảm và muốn theo đuổi tôi. Nhưng mãi đến khi chúng tôi được nhận vào cùng một trường đại học, tới khi là sinh viên năm thứ 2, tôi mới dần chấp nhận cậu ấy. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi trở thành giáo viên, Lý Chí Cường làm việc trong doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, khi chúng tôi về gặp mặt phụ huynh 2 bên thì gặp phải sự phản đối. Cuối cùng, không ai trong chúng tôi chịu được áp lực và phải chia tay.
Sau buổi họp lớp, Lý Chí Cường đưa tôi về nhà. Trên đường đi, cậu ấy bày tỏ mong muốn được gặp gỡ tôi thường xuyên. Qua cuộc trò chuyện, tôi biết được, vợ cũ của cậu ấy bị xuất huyết não và qua đời cách đây 3 năm.
Vợ chồng Lý Chí Cường có chung 1 cô con gái đi làm xa, hiếm khi về nhà. Cậu ấy thường sống một mình, khi không có việc gì làm sẽ chơi cờ với hàng xóm ở tầng dưới. Nghe hoàn cảnh hiện tại, tôi cũng thấy động lòng.
Ba ngày sau buổi họp lớp, Lý Chí Cường rủ tôi cùng đón sinh nhật với cậu ấy, Tôi có chút lưỡng lự nhưng vẫn đồng ý. Tôi nhận ra, đối với nhiều người già, chỉ có mong ước giản dị là sự đồng hành, quan tâm và được chăm sóc. Sau buổi sinh nhật, chúng tôi thường cùng nhau để đi dạo, cùng uống trà chiều hoặc xem một bộ phim cũ. Chúng tôi cùng tận hưởng từng khoảnh khắc bên nhau giống như thời trẻ.
Tình cảm bị cha mẹ ngăn cấm thời trẻ, con cái phản đối lúc về già
Sau khi tôi và Lý Chí Cường kể cho con cái nghe về mối quan hệ hiện tại, các con đều phản đối kịch liệt và cho rằng chúng tôi đang có suy nghĩ bốc đồng. Quá xấu hổ và buồn tủi, chúng tôi quyết định ngừng liên lạc với nhau trong 1 tháng để có thêm thời gian suy nghĩ.
Các con đều cho rằng chúng tôi đang ngộ nhận, hoài niệm quãng thời gian trước đây chứ chưa hẳn đã phù hợp khi dọn về sống cùng nhau. Các con cũng lo lắng về vấn đề tranh chấp tài sản sau này.
Dưới sự thuyết phục chân thành của Lý Chí Cường, tôi đồng ý cùng cậu ấy tìm kiếm sự bảo đảm pháp lý, như vậy tình cảm mới trở nên vững vàng hơn. Thông qua sự tư vấn của luật sự, chúng tôi cùng lập một thỏa thuận pháp lý về việc phân định tài sản tiền hôn nhân. Việc lập thỏa thuận này không chỉ thể hiện sự tôn trọng giữa chúng tôi mà còn là cách chúng tôi thể hiện trách nhiệm đối với con cái.
Cuối cùng các con đã hiểu mong muốn của chúng tôi. Các con đã vui vẻ chấp thuận mối quan hệ, vun vén cho đôi vợ chồng già. Giờ chúng tôi đã là vợ chồng hợp pháp. Là những người từng trải, chúng tôi hiểu tình yêu không chỉ đến từ sự lãng mạn mà còn nằm ở cuộc sống bên nhau bình đạm bên nhau mỗi ngày.
Cuộc sống của chúng tôi trở nên phong phú và đầy màu sắc nhờ sự quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đôi khi vợ chồng tôi sẽ xảy ra những xích mích. Tuy nhiên, chúng tôi thường giải quyết từng vấn đề bằng bao dung, yêu thương.
Theo Toutiao