6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan

03/03/2022 15:00 PM | Kinh doanh

Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 6 tỷ phú giàu nhất nước Nga, mặc dù một số người bày tỏ mong muốn kết thúc chiến sự tại Ukraine. Điều này cho thấy vị thế bấp bênh của giới siêu giàu Nga trong bối cảnh giao tranh diễn ra.

Các lệnh trừng phạt áp dụng từ ngày 28/2 là một trong những quy định ảnh hưởng sâu rộng đến giới siêu giàu ở Nga. Các hạn chế bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại và hạn chế giao dịch.

Nguồn thạo tin cho biết, EU đang tiến hành các biện pháp tiếp theo để trừng phạt nhiều nhà tài phiệt Nga hơn. Đây cũng là mục đích của EU nhằm cô lập những người thân tín của Tổng thống Vladimir Putin ra khỏi hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu.

Một số tỷ phú Nga đang tìm cách giải quyết ổn thỏa tình hình. Một trong số những tỷ phủ bị EU trừng phạt có Mikhail Fridman, sinh ra ở Ukraine. Ngày 25/2, trong bức thư gửi các nhân viên của LetterOne, ông đã gọi chiến sự là một "thảm kịch". Mikhail Fridman kêu gọi chấm dứt "đổ máu".

Trong khi đó, Alexey Mordashov, chủ sở hữu chính của một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất nước Nga cho biết "những gì đang xảy ra là một thảm kịch cho hai quốc gia huynh đệ". Theo hãng thông tấn Nga TASS, ông kêu gọi tìm cách giải quyết xung đột và tránh mâu thuẫn.

Ngoài việc sở hữu cổ phẩn trong các công ty của Nga và nắm giữ bất động sản trên khắp thế giới, nhiều nhà tài phiệt còn sở hữu siêu du thuyền cỡ sân bóng đá và máy bay phản lực tư nhân.

Tuần trước, Vương quốc Anh đã cấm tất cả máy bay tư nhân của Nga trong không phận của quốc gia và chỉ thị cho các cảng chặn mọi con tàu được cho là thuộc sở hữu, được thuê hoặc điều hành bởi bất kỳ ai có liên quan đến Nga hoặc các cá nhân bị trừng phạt.

Thụy Sĩ là quốc gia có truyền thống trung lập cũng cho biết họ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào để tịch thu những tài sản đó đều có thể gặp khó khăn do luật pháp hoặc do các tỷ phú Nga sở hữu tài sản thông qua các công ty nước ngoài.

Trong khi đó, Mỹ đã ngăn chặn các công ty trong nước làm ăn với NHTW Nga. Mỹ và các đồng minh châu Âu ngăn các tổ chức tài chính lớn của Nga sử dụng hệ thống SWIFT cho phép giao dịch hàng nghìn tỷ USD trên khắp thế giới.

Ngày 1/3, Bloomberg đưa tin rằng các đại sứ EU đã đồng ý loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi SWIFT, đồng thời loại bỏ công ty cho vay lớn nhất của quốc gia Sberbank PJSC và một ngân hàng thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom PJSC.

EU cũng trừng phạt giới siêu giàu nước Nga, những người có tổng khối tài sản hơn 60 tỷ USD. Dưới đây là 6 nhà tài phiệt của Nga bị EU trừng phạt.

1. Alexey Mordashov

Mordashov, 56 tuổi, là cổ đông lớn nhất của Severstal, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Nga. Ông đồng thời cũng kiểm soát phần lớn cổ phần của nhà sản xuất vàng Nordgold và công ty du lịch Đức TUI.

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Mordashov trở thành giám đốc điều hành của Severstal vào năm 1996 ở tuổi 31 sau khi tích lũy phần lớn cổ phần trong công ty. Mordashov sử dụng hai quỹ đầu tư mà ông tạo ra để mua cổ phiếu của công nhân.

Từng là nhà kinh tế học lấy bằng MBA năm 2006 tại Đại học Northumbria ở Anh, Mordashov có khối tài sản ròng khoảng 21,9 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Ngày 28/2, Mordashov nói: "Tôi hoàn toàn không liên quan gì đến căng thẳng địa chính trị leo thang gần đây. Tôi không hiểu tại sao EU lại áp đặt lệnh trừng phạt đối với tôi".

2. Alisher Usmanov

Tỷ phú Usmanov sở hữu phần lớn cổ phần của USM, một tập đoàn đầu tư của Nga có cổ phần trong nhà sản xuất quặng khổng lồ của thế giới Metalloinvest và công ty viễn thông MegaFon.

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 2.

Ảnh: Bloomberg

Ông là cựu cổ đông của Câu lạc bộ bóng đá Arsenal của Anh. Vị tỷ phú này cũng là người đã mua lại cổ phần của JD.com và Uber Technologies.

Tỷ phú Usmaov, 68 tuổi, cũng là người kiểm soát tờ báo Nga Kommersant. Theo Bloomberg’s wealth index, khối tài sản ròng ông nắm giữ là khoảng 19,7 tỷ USD.

Trong một bài đăng trên trang web của Liên đoàn Đấu kiếm Quốc tế ngày 1/3, tỷ phú Usmanov gọi quyết định của EU là "bất công" và "gây tổn hại danh dự". Ông đồng thời thông báo đình chỉ chức vụ chủ tịch hiệp hội.

3. Mikhail Fridman

Fridman là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Alfa, một công ty đầu tư sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Alfa của Nga và nhà bán lẻ thực phẩm X5. Ngân hàng Alfa cũng là mục tiêu trừng phạt của EU.

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 3.

Ảnh: jewishnews

Ông cũng nắm cổ phần của nhà sản xuất dầu khí Đức Wintershall Dea và nhà điều hành điện thoại di động quốc tế Veon thông qua LetterOne. Quyết định từ chức khỏi hội đồng quản trị Veon của Fridman có hiệu lực từ ngày 28/2.

Trong lá thư gửi nhân viên ngày 25/2, ông viết rằng: "Tôi không đưa ra các tuyên bố chính trị. Tôi là một doanh nhân có trách nhiệm với hàng nghìn nhân viên của mình ở Nga và Ukraine".

Fridman, 57 tuổi, có khối tài sản ròng khoảng 10,6 tỷ USD.

4. Petr Aven

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 4.

Ảnh: Bloomberg

Aven là chủ tịch của ABH Holdings, một công ty mà ông nắm giữ khoảng 12% cổ phần cùng với Fridman trong Ngân hàng Alfa. Ông cũng sở hữu một phần của LetterOne và trước đó đã nhận được hơn 1 tỷ USD từ việc bán cổ phần của mình vào năm 2013 trong một liên doanh giữa các tài phiệt Nga và BP Plc.

Theo Bloomberg’s wealth index, Aven, 66 tuổi, có khối tài sản ròng khoảng 5,6 tỷ USD.

Sau khi Liên minh Châu Âu chấp thuận các biện pháp trừng phạt, một tuyên bố được đưa ra thay mặt cho Fridman và Aven cho biết hai tỷ phú này có kế hoạch phản đối lại "sai lầm có chủ ý" này.

5. Gennady Timchenko

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 5.

Ảnh: Bloomberg

Timchenko, 69 tuổi, điều hành Volga Group, một công ty đầu tư có trụ sở tại Nga trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và xây dựng. Cổ phần lớn nhất của ông là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên được giao dịch công khai Novatek và nhà sản xuất hóa chất Sibur.

Ông đã bán cổ phần của công ty kinh doanh dầu Gunvor Group trước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Timchenko cũng đã bị chính phủ Anh trừng phạt vào tháng trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang. Ông có khối tài sản ròng khoảng 11,1 tỷ USD.

6. Alexander Ponomarenko

 6 tỷ phú trong giới siêu giàu Nga phải chịu lệnh trừng phạt: Người ấm ức, kẻ kêu oan  - Ảnh 6.

Ảnh: Bloomberg

Ponomarenko, 57 tuổi, là chủ tịch của Sân bay Quốc tế Sheremetyevo, một trong những sân bay lớn nhất của Nga. Ông đã gây dựng khối tài sản của mình nhờ sở hữu cổ phần tại Cảng biển thương mại Novorossiysk vào đầu những năm 2000.

Sau đó, tỷ phú này đầu tư vào bất động sản thông qua tiền thu được từ công ty logistics. Theo Bloomberg’s wealth index, ông có khối tài sản khoảng 2 tỷ USD.

Theo Bloomberg

Theo Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM