6 thứ trong nhà là ổ vi khuẩn, bẩn "trường tồn": Thật lòng khuyên bạn dọn sớm đón Tết
Đây là 6 thứ cần đặc biệt lưu ý khi dọn nhà cuối năm.
Thời điểm này, nhiều gia đình đã rục rịch gia nhập đường đua "đại hội dọn nhà" đón Tết. Việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết đã trở thành một "phong tục" không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên Đán, không chỉ để làm mới không gian sống mà còn mang ý nghĩa xua đi những điều cũ kỹ, đón nhận một năm mới tươi sáng.
Vì vậy, khi đã bắt tay vào công cuộc dọn dẹp, cần đảm bảo rằng mọi ngóc ngách trong nhà đều phải sạch sẽ. Đặc biệt, bạn hãy chú ý đến 6 vị trí dưới đây, vì chúng rất dễ tích tụ bụi bẩn nhưng lại khó nhìn thấy, do đó thường bị bỏ qua trong quá trình dọn dẹp.
1. Cống thoát nước nhà tắm
Nếu hệ thống cống thoát nước lâu ngày không được vệ sinh, tóc và cặn bẩn sẽ tích tụ, gây tắc nghẽn và làm chậm dòng chảy của nước. Điều này không chỉ dẫn đến mùi hôi khó chịu mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình.
Để làm sạch khu vực này một cách hiệu quả, bạn nên tháo rời nắp cống, lưới lọc và lõi cống, sau đó sử dụng bàn chải để vệ sinh kỹ càng.
Muốn tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể mua loại chất tẩy rửa ống thoát nước dạng đặc để đổ vào ống thoát.
- Nếu ống bị tắc, chất tẩy rửa sẽ sử dụng tác động hóa học để phân hủy cặn bẩn, giúp cống thông thoáng nhanh chóng.
- Nếu ống thoát nước chưa bị tắc hoặc chỉ có dấu hiệu nước thoát chậm, chất tẩy rửa sẽ bám vào thành ống, giúp bảo vệ và khử mùi hiệu quả.
2. Vòi hoa sen
Vòi hoa sen dễ bị tích tụ cặn vôi và bụi bẩn ở các lỗ xịt sau một thời gian sử dụng. Tình trạng này nếu nhẹ có thể khiến vòi hoa sen xả nước không đều, còn nếu nặng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước tiếp xúc với da.
Vì vậy, khi "tổng vệ sinh" nhà cửa dịp cuối năm, đừng quên làm sạch vòi hoa sen - món đồ bạn sử dụng hàng ngày.
Để loại bỏ hiệu quả các cặn bẩn ở lỗ xịt, bạn chỉ cần chuẩn bị một chiếc chậu, pha một ít chất tẩy cặn axit citric vào nước, rồi ngâm vòi hoa sen trong dung dịch này khoảng một giờ. Sau khi lấy ra, chỉ cần chà nhẹ một chút, vết bẩn sẽ được loại bỏ hoàn toàn, trả lại cho vòi hoa sen vẻ sáng bóng như mới.
3. Mặt bàn bếp
Viền đen xuất hiện quanh khu vực bồn rửa bát có thể là do nấm mốc phát triển. Điều này không chỉ làm giảm tính thẩm mỹ của không gian bếp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn vệ sinh, vì đây là nơi bạn cắt, thái và rửa thực phẩm hàng ngày.
Muốn vết bẩn, vết nấm mốc biến mất nhanh chóng, bạn có thể sử dụng gel tẩy nấm mốc chuyên dụng. Thoa gel lên các khu vực bị ảnh hưởng, sau đó để yên trong khoảng 3-4 giờ. Sau thời gian này, bạn sẽ thấy nấm mốc bị tan biến. Cuối cùng, chỉ cần dùng khăn sạch lau đi gel tẩy còn sót lại.
Gợi ý nơi mua gel tẩy mốc đa năng: Mifan - Giá: 29k
4. Bàn chải điện, máy rửa mặt...
Bàn chải điện, máy rửa mặt... là các thiết bị vệ sinh cá nhân thường được đặt trong phòng tắm để thuận tiện cho việc sử dụng. Tuy nhiên, môi trường ẩm ướt trong phòng tắm có thể khiến các đồ dùng này dần dần hình thành vết đen hay nấm mốc. Điều này không chỉ làm giảm thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với da, tay và miệng.
Giống như cách bạn xử lý vệt đen trên mặt bàn, bạn có thể sử dụng gel tẩy mốc đa năng để làm sạch những cặn bẩn bám trên bàn chải điện và máy rửa mặt, giúp chúng trở lại sạch sẽ và an toàn khi sử dụng.
5. Lõi gối
Hầu hết các loại gối sau một thời gian sử dụng đều có thể gặp phải vấn đề bụi bẩn tích tụ trong lõi gối. Nếu không được vệ sinh kịp thời, điều này có thể âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việc vệ sinh lõi gối không hề khó khăn. Đối với gối có lõi bông, sợi 3D, bạn hoàn toàn có thể giặt sạch trong máy giặt. Còn đối với gối làm từ lông vũ hoặc cao su, nên giặt tay để đảm bảo chất lượng và độ bền. Đặc biệt, với các loại gối foam, gối hạt hay gối làm từ vật liệu tự nhiên, bạn không nên giặt tay hay giặt máy mà nên phơi nắng để làm sạch và khử mùi hiệu quả.
6. Thành trong của lò vi sóng, lò nướng
Khi sử dụng lò vi sóng, lò nướng và các thiết bị nhà bếp khác, nhiều người thường chú trọng đến việc vệ sinh bề mặt ngoài mà vô tình bỏ quên khu vực thành trong của các thiết bị này. Mặc dù khó nhìn thấy, nhưng đây lại là nơi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, dễ bị bám dính dầu mỡ và cặn bẩn, lâu dần sẽ tích tụ vi khuẩn.
Để làm sạch hiệu quả, bạn có thể dùng baking soda trộn với nước để tạo thành hỗn hợp bột nhão (tỉ lệ gợi ý: 1 phần baking soda và 2 phần nước). Sau đó, bật lò vi sóng hoặc lò nướng lên và làm nóng trong khoảng 5 phút, để nhiệt độ cao giúp baking soda phân giải dầu mỡ, làm sạch các vết bẩn.
Sau khi làm nóng và chờ lò nguội, bạn hãy dùng khăn sạch để lau chùi các vết bẩn. Với phương pháp này, những vết bẩn cứng đầu bám dính ở thành trong thiết bị được làm sạch nhanh chóng, trả lại cho lò vi sóng và lò nướng vẻ sáng bóng như mới.
Nguồn: Toutiao