6 ngày "điên rồ" làm náo loạn thị trường tài chính Mỹ như thế nào?
Trong một trào lưu cay đắng, các nhà đầu tư ồ ạt muốn bán đi những tài sản dễ bán, mặc chúng có phải tài sản an toàn hay không.
Các nhà đầu tư thực sự quay cuồng với diễn biến của Chứng khoán Mỹ trong những ngày qua. Sau gần một tuần tăng giảm như "tàu lượn siêu tốc", phiên giao dịch cuối cùng đã đưa chứng khoán Mỹ phục hồi tới 2.000 điểm. Tuy nhiên, 2.000 tỷ USD đã bị thổi bay khỏi chứng khoán Mỹ trong khi chứng khoán toàn cầu mất tới 6.300 tỷ USD chỉ trong mấy ngày.
Chứng khoán không phải nạn nhân duy nhất. Lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ cũng liên tục xác lập những kỷ lục buồn. Sau nhiều năm ngủ quên, biến động tiền tệ cũng đã tỉnh giấc. Thiên đường trú ẩn an toàn, vàng, cũng đã sụp đổ. Đó là những gì đã diễn ra trong 6 ngày điên rồ vừa qua.
Chủ nhật ngày 8/3 đã đi vào lịch sử với cú sốc giá dầu do Ả rập Xê út khởi xướng. Khi OPEC+ không thể đạt thỏa thuận trong việc cắt giảm sản lượng, Ả rập Xê út tuyên bố hạ giá dầu và tăng sản lượng để buộc Nga phải nhượng bộ. Điều này khiến giá dầu trên thị trường thế giới giảm sốc, kéo theo những cú sập trên các thị trường chứng khoán.
Tiền tệ của các quốc gia nổi danh trong việc xuất khẩu năng lượng là nạn nhân tiếp theo. Giá dầu thấp đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu chủ chốt của họ gặp vấn đề, điều gây áp lực lên nền kinh tế và sức khỏe tài chính của nhà nước. Đồng krone của Na Uy rơi xuống mức thấp nhất từ năm 1985 so với đồng USD trong khi đồng peso của Mexico cũng chạm mức thấp nhất của 3 năm. Đồng yên của Nhật Bản, vốn được coi là hầm trú ẩn an toàn nhờ độ ổn định của nền kinh tế, đột ngột tăng vọt.
Dầu thô Brent giảm giá 20% khi phiên giao dịch bắt đầu và cuối cùng mất tới 31% giá trị, mức giảm tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Tuy nhiên, cú giảm chưa dừng lại ở đó. Là thị trường hàng hóa có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, cú sốc với giá dầu ngay lập tức tạo ra chấn động trên thị trường hàng hóa. Trong khi đối với các nước xuất khẩu, dầu là công cụ tạo ra sự giàu có.
Giá dầu có một phiên sụt giảm tồi tệ, chỉ thấp hơn cú sập của Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Tuy nhiên, đó là một ngành công nghiệp đắt đỏ nên các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng nợ nhiều. Khi biến động xảy ra, nhất là với giá, nó sẽ gây một tác động ngược trở lại với các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, khiến lạm phát tăng cao.
Trong khi đó, COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Các nhà máy ở Trung Quốc, nơi được coi là công xưởng thế giới, không thể hoạt động tối đa công suất trong bối cảnh virus lây lan. Điều này khiến nhu cầu với dầu thô sụt giảm, làm tăng thêm tác động từ cú sốc giá dầu.
Thứ 2 ngày 9/3, thảm họa được dự đoán trước cả khi các nhà đầu tư bắt đầu ngày làm việc. Cú bán tháo đang càn quét thị trường chứng khoán châu Á, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn đã ở mức thấp kỷ lục, tiếp tục sụt giảm trong khi cú sập của chứng châu Âu là chưa từng có kể từ năm 2016.Khi chứng khoán tương lai của Mỹ báo hiệu những điềm gở, các nhà đầu tư không còn nghi ngờ gì về cú sập ngày đầu tuần. Tuy nhiên, điều khiến họ sợ hãi là cú bán tháo sẽ tệ hại tới mức nào.
Khi tiếng chuông quen thuộc vang lên trên phố Wall, chẳng có gì giống những phiên giao dịch trước đó. Chứng khoán Mỹ bị thổi bay 7% trong 4 phút, kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường trong 15 phút. Đây là lần đầu tiên công cụ này được kích hoạt kể từ khi luật chứng khoán hiện hành của Mỹ có hiệu lực.
Cuối cùng, Dow Jones bị tắm máu. S&P 500 và NASDAQ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chứng khoán và dầu đều rớt thảm hại, các nhà đầu tư hoảng loạn tìm đến những tài sản an toàn nhất. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã thủng 1% khi người ta đổ xô săn lùng chúng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có mức lợi suất này.
Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm và 30 năm của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống dưới 1%.
Sự bùng phát của virus corona kết hợp với cú sập của giá dầu khiến các nhà đầu tư lo lắng về một cuộc suy thoái. Chi phí dành cho rủi ro vỡ nợ ở Bắc Mỹ tăng mạnh nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ. Các khoản cho vay có đòn bảy giảm xuống mức tồi tệ nhất kể từ năm 2008.Cú sập với giá dầu gây ra sự chú ý đặc biệt đối với các công ty trong ngành năng lượng có gánh nặng nợ nần. Cổ phiếu nhiều công ty năng lượng lao dốc với 2 chữ số.
Cảm nhận rõ nguy cơ gia tăng của khủng hoảng tín dụng, trong đó các nhà đầu tư không còn muốn tiếp tục cho vay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố nâng số tiền mà họ sẵn sàng cung cấp ra thị trường.
Thứ 3 ngày 10/3, sự lạc quan trở lại. Chứng khoán Mỹ vừa trải qua cú náo loạn lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mang đến món quà cho các nhà đầu tư muốn bắt đáy. Tổng thống Trump đưa ra những thông báo lạc quan vào cuối ngày. Mặc dù rơi vào thị trường gấu chỉ sau 1 đêm, S&P 500 đang tăng mạnh trở lại.
Cổ phiếu ở châu Âu cũng phục hồi. Tâm lý lạc quan với hy vọng ông Trump sẽ công bố các biện pháp quan trọng nhằm chống lại sự lây lan của virus corona cũng như những tác động của nó với nền kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trong khi đồng yên và Franc của Thụy Sỹ giảm giá. Dầu thô, dù đứng trước thách thức của một cuộc chiến giá toàn diện, cũng quay đầu tăng giá với 8,3%.
Những điều này tác động tới nhiều loại tài sản khác. Tuy nhiên, chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư không có dấu hiệu giảm.
Sự lo ngại về tương lai thị trường vọt lên ngưỡng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cổ phiếu ở các nước phát triển biến động mạnh hơn so với ở các nước đang phát triển, dấu hiệu vốn thường được xem là chỉ báo cho sự kém ổn định và rủi ro cao hơn. Người ta vẫn tin rằng giá dầu sẽ biến động. Ngoài ra, biến động tiền tệ đã trở lại.
Những diễn biến trên thị trường ngoại hối là yếu tố rất có ảnh hưởng trong thị trường vốn và kinh tế toàn cầu. Chúng ảnh hưởng đến các điều khoản thương mại giữa các quốc gia, công ty và các nhà đầu tư ở khắp mọi nơi. Trong nhiều năm, biến động tiền tệ bị đẩy lùi trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự điều phối nhịp nhàng của các ngân hàng trung ương, chưa kể đến một kỷ nguyên lãi suất thấp và nới lỏng định lượng kéo dài.
Bây giờ, biến động trên thị trường ngoại hối tăng vọt khi các nhà hoạch định chính sách giải thích tác động của virus corona với nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Các nhà đầu tư thì để tiền trên khắp thế giới trong bối cảnh thị trường rối loạn.Đồng USD tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, một sự kiện cuối ngày khiến mọi thứ đổ sông đổ bể. Ông Trump không xuất hiện trong cuộc họp ở Nhà Trắng về tình hình bùng phát dịch bệnh, nhất là khi nó đang ngày càng trở nên rõ ràng. Khi châu Á bắt đầu giao dịch, chứng khoán tương lai của Mỹ lại giảm điểm.
Ngày 11/3, virus corona lây lan mạnh mẽ ngoài Trung Quốc. Italy tuyên bố đóng cửa tất cả các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ nói với các nhà lập pháp rằng tỷ lệ tử vong của COVID-19 cao gấp 10 lần so với bệnh cúm theo mùa.
Tin xấu bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cuối cùng cũng phải công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Theo một nghĩa nào đó, WHO đang yêu cầu các chính phủ phải áp dụng các biện pháp cực đoan để chống lại sự lây lan của virus corona khi gọi nó là đại dịch. Nó kích hoạt một cuộc khủng hoảng với các nhà đầu tư.
Chứng khoán và giá dầu lại lao dốc trở lại. Căng thẳng trên thị trường tín dụng Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ. Các thị trường liên tiếp cắm đầu lao dốc. Dow Jones rơi vào thị trường gấu, chấm dứt chuỗi tăng kỷ lục chưa từng có trong lịch sử của chứng khoán Mỹ. Trong một trào lưu cay đắng, các nhà đầu tư ồ ạt muốn bán đi những tài sản dễ bán. Trái phiếu kho bạc là một trong những tài sản dễ bán nhất.
Trước những diễn biến tồi tệ, cuối ngày, các nhà hoạch định chính sách công bố kế hoạch tăng cường bơm thanh khoản lên tới 50 tỷ USD trong những tuần tới để giữ cho thị trường tài chính ngắn hạn hoạt động trơn tru trong những ngày cuối quý.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố cắt giảm lãi suất khẩn cấp, động thái được theo sau bởi Ngân hàng Trung ương Anh. Tuy nhiên, quyết định của FED không ngăn được cú sập với thị trường. Bài phát biểu của Tổng thống Trump chính thức chấm dứt chuỗi tăng lịch sử của Dow Jones. S&P 500 và Nasdaq cũng giảm thê thảm.
Ngày 12/3, những tin tức tệ hại về virus corona nhanh chóng lan truyền khắp thế giới. Ở Italy, tỷ lệ tử vong tăng lên 1/3. Pháp đóng cửa các trường học, EU cảnh báo dịch bệnh có thể phá vỡ hệ thống chăm sóc sức khỏe trong khi New York ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bài phát biểu của ông Trump không thể trấn an thị trường khi nó chẳng đưa ra giải pháp gì đáng kể nhằm ngăn chặn virus lây lan. Việc bán tháo tăng mạnh. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố giữ nguyên lãi suất trở thành cú đánh knock-out với thị trường.
Lo ngại với triển vọng kinh tế tiếp tục gây ra cuộc thảm sát với giá dầu. Mặt hàng này giảm 20%. Vàng và hàng loạt tài sản khác cũng mất giá. Khi rủi ro, người ta vẫn con vàng là tài sản an toàn. Tuy nhiên, lần này, những gì dễ bán đều được bán mạnh. Bitcoin cũng lao dốc, kéo theo cú sập với cả thị trường tiền số.
Ở Mỹ, công cụ ngắt mạch thị trường lại được kích hoạt. Đây là lần thứ 2 trong tuần. Cuối phiên, S&P 500 giảm 9,5%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ ngày Thứ 2 đen tối năm 1987. VIX, cái được coi là chỉ số đo nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng lên mức cao thứ 4 trong lịch sử.
Ngày ảm đạm nhất ở hầu hết các thị trường trong 3 thập kỷ qua dường như đã thức tỉnh cả các nhà hoạch định chính sách và lập pháp. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đi theo động thái của FED. Đức cam kết làm bất cứ điều gì để bảo vệ nền kinh tế trong khi Ủy ban châu Âu cho biết họ sẵn sàng bật đèn xanh cho các động thái kích thích tài chính. ECB thì thông báo họ sẵn sàng mua thêm nợ và các nhà quản lý tuyên bố cấm tạm thời việc bán khống cổ phiếu.
Tất cả các biện pháp này giúp đánh lạc hướng sự quan tâm vào tình hình dịch bệnh trong thứ 6 ngày 13/3. Stoxx Europe 600 tăng vọt. Lợi suất trái phiếu và giá dầu cũng tăng. Cuối cùng, S&P 500 tăng mạnh tới 9,3%, cú tăng lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, trái phiếu kho bạc và giá dầu cũng tăng, báo hiệu một phản ứng mạnh mẽ hơn với khủng hoảng.
Trong 30 phút giao dịch cuối cùng, chứng khoán đã tăng thêm 6%, giúp giảm đáng kể cú sập tồi tệ của tuần qua. Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm tiệm cận mức 1% trong khi giá dầu tăng 4,1%.
Đó là cái kết cho 1 tuần điên đảo.