6 dấu hiệu trẻ có EQ cao dễ nhận biết nhất: Cái đầu tiên cần chú ý!

22/02/2024 20:10 PM | Sống

Trẻ có EQ cao sẽ có nhiều lợi thế trong quá trình phát triển của mình, góp phần vào sự thành công sau này.

Bên cạnh IQ, EQ (trí tuệ cảm xúc) là một yếu tố rất quan trọng góp phần vào thành công của một người. Một đứa trẻ nếu có EQ cao, chúng thường được mọi người rất yêu mến. Nếu một đứa trẻ có EQ cao, chúng sẽ có 6 biểu hiện dưới đây:

1. Giỏi nhận diện những tín hiệu phi ngôn ngữ

Có thể nói những đứa trẻ này giống như "thám tử" về mặt tình cảm. Trẻ rất giỏi nắm bắt cảm xúc của người khác thông qua việc quan sát nét mặt và tín hiệu ngôn ngữ cơ thể.

Ví dụ:

Trẻ có thể nói: "Mẹ ơi, hôm nay bạn A ít nói hơn mọi ngày. Con hỏi bạn ấy có muốn chơi không, bạn ấy trả lời không. Con nghĩ bạn ấy đang buồn vì chuyện gì đó".

- Cách xây dựng kỹ năng này: Cha mẹ trò chuyện với trẻ mỗi ngày, thảo luận về những cảm xúc mà trẻ thấy khi nói chuyện với người khác. Những cuộc nói chuyện này sẽ củng cố cảm xúc của trẻ, nâng cao sự tự tin trong việc hiểu người khác. Cha mẹ có thể hỏi: "Hôm nay con nghĩ bạn A của con có tâm trạng như thế nào?".

6 dấu hiệu trẻ có EQ cao dễ nhận biết nhất: Cái đầu tiên cần chú ý!- Ảnh 1.

Trẻ có EQ cao giỏi nhận diện những tín hiệu phi ngôn ngữ.

2. Biết thể hiện sự đồng cảm và lòng trắc ẩn

Trẻ không chỉ nhận biết được cảm xúc của người khác mà còn bày tỏ sự quan tâm chân thành và đề nghị giúp đỡ.

Ví dụ:

Trong một trò chơi, trẻ nhận thấy bạn mình buồn bã vì đã thua cuộc. Trẻ bước tới và nói với bạn mình: "Mình thấy bạn đã cố gắng rất nhiều. Bạn có muốn chơi trò gì khác không?".

- Cách xây dựng kỹ năng này: Cách hiệu quả nhất để dạy con về sự đồng cảm là cha mẹ làm gương cho con mình. Ví dụ, nếu thấy người hàm xóm trông không khỏe, họ có thể nói: "Mẹ rất lo lắng cho bà hàng xóm, mẹ sẽ hỏi xem bà ấy có cần giúp gì không".

3. Thoải mái chia sẻ cảm xúc của mình

Những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc rất giỏi chia sẻ cảm xúc của mình.

Ví dụ:

Trẻ nói "con cảm thấy thất vọng vì không giải được bài toán này" hoặc "con rất vui vì đã giúp bạn mình". Đây là cách trẻ trẻ thoải mái chia sẻ cảm xúc của mình.

- Cách xây dựng kỹ năng này: Cha mẹ nên thường xuyên bộc lộ cảm xúc của bản thân như "mẹ rất chán khi tìm hoài mà không thấy chìa khóa" hay "mẹ cảm thấy mệt khi nghĩ tới núi việc phải làm trong hôm nay". Điều này giúp bình thường hóa việc thảo luận về cảm xúc, giúp con bạn làm điều tương tự một cách tự nhiên hơn.

6 dấu hiệu trẻ có EQ cao dễ nhận biết nhất: Cái đầu tiên cần chú ý!- Ảnh 2.

4. Luôn bình tĩnh

Một đứa trẻ có EQ cao sẽ biết xử lý những điều gây thất vọng bằng sự bình tĩnh. Chúng thể hiện sự trưởng thành về mặt cảm xúc.

Ví dụ:

Chuyến dã ngoại ngoài trời đột ngột bị hủy do trời mưa, thay vì cảm thấy khó chịu hoặc nổi cơn thịnh nộ, trẻ bình tĩnh chấp nhận sự thay đổi: "Ồ, trời đang mưa, chúng ta có thể tổ chức một buổi dã ngoại trong nhà cũng được mà".

- Cách xây dựng kỹ năng này: Việc linh hoạt xử lý và bình tĩnh trong mọi tình huống là cách mà cha mẹ làm gương cho con cái noi theo. Cha mẹ gợi ý cho con cách giải quyết vấn đề bằng câu hỏi: "Thay vào đó chúng ta có thể làm gì?".

5. Biết lắng nghe

Những đứa trẻ thông minh về mặt cảm xúc có thể nhận ra những dấu hiệu tinh tế mà người khác có thể bỏ qua. Khi cha mẹ kể cho con cái nghe về một ngày của mình, trẻ sẽ chăm chú lắng nghe và bày tỏ cảm xúc thấu hiểu.

- Cách xây dựng kỹ năng này: Khi con bạn muốn kể một câu chuyện, hãy dành toàn bộ sự chú ý cho chúng. Giao tiếp bằng mắt, dừng mọi việc khác mà bạn đang làm và chăm chú lắng nghe. Hãy suy ngẫm và lặp lại những gì trẻ đang nói để cho trẻ thấy rằng cha mẹ đang thực sự lắng nghe mình nói.

6. Tự điều chỉnh cảm xúc

Hãy tưởng tượng con bạn đang chơi một trò chơi với bạn nhưng bị thua. Thay vì phản ứng vì thất vọng, một đứa trẻ giỏi tự điều chỉnh cảm xúc có thể hít thở sâu để bình tĩnh và quay trở lại với suy nghĩ tích cực. Trẻ giữ được sự bình tĩnh ngay cả sau khi thất vọng.

- Cách xây dựng kỹ năng này: Cha mẹ dạy trẻ cách chống lại những cơn giận giữ nhỏ như la hét hoặc phản ứng thái quá. Cha mẹ cũng có thể giới thiệu mẹo "tạm dừng và thở", dạy trẻ hít 1 hơi thật sâu hoặc đếm đến 10 trong những thời điểm khó khăn.

Theo Phan Hằng

Cùng chuyên mục
XEM