500 triệu liều vắc xin Covid-19 của Pfizer mà Mỹ quyên góp sẽ được ưu tiên phân phối đến đâu?

10/06/2021 14:52 PM | Xã hội

Tất cả những liều vắc xin này sẽ được quyên góp qua Covax, sáng kiến vắc xin toàn cầu nhằm hỗ trợ tiêm chủng cho người dân nhiều nước đang phát triển.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch quyên góp 500 triệu liều vắc xin Covid-19 được sản xuất bởi Pfizer cho phần còn lại của thế giới, theo những cập nhật mới nhất được Wall Street Journal đăng tải.

Cụ thể, khoảng 200 triệu liều vắc xin Pfizer sẽ được gửi đến các nước khác trong năm nay và 300 triệu liều khác sẽ được cung cấp trong nửa đầu năm sau. Trong vòng 4 tuần gần đây, điều phối viên chương trình phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng – ông Jeff Zients và nhóm làm việc của mình đã có những cuộc đối thoại với hãng dược phẩm Pfizer.

Tất cả những liều vắc xin này sẽ được quyên góp qua Covax, sáng kiến vắc xin toàn cầu nhằm hỗ trợ tiêm chủng cho người dân nhiều nước đang phát triển. Vắc xin sẽ được phân phối đến 92 nước thu nhập thấp và các nước ở châu Phi.

Tư vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jack Sullivan, đã từ chối công bố thêm chi tiết về kế hoạch này. Trên chiến Không lực một, ông nói với phóng viên rằng ông Joe Biden sẽ thông báo chính thức tại hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Anh vào ngày thứ Năm.

Ngoại giao vắc xin dự kiến sẽ là đề tài được quan tâm nhiều nhất trong các cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo cao cấp hàng đầu thế giới bởi các đợt bùng dịch mới đây tại Ấn Độ và Brazil và nhiều nước đang phát triển khác đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi lãnh đạo các nước G7 cam kết tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người dân trên thế giới trước thời điểm cuối năm 2022.

Chính quyền Joe Biden đang cố gắng tăng cường vai trò của chính phủ Mỹ trong các chương trình vắc xin toàn cầu sau những chỉ trích ban đầu từ nhóm các tổ chức quốc tế và nhiều chính trị gia rằng chính phủ Mỹ đang hành động quá chậm chạp trong việc chia sẻ nguồn cung vắc xin Covid-19 với nhiều nước khác trên thế giới.

Nữ phát ngôn viên của hãng dược phẩm Pfizer đã từ chối bình luận. Phát ngôn viên của Gavi, một trong những tổ chức y tế quốc tế hiện đang lèo lái Covax cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không phản hồi đề nghị bình luận.

Như vậy, Mỹ sẽ chính thức mua 800 triệu liều vắc xin Covid-19 từ Pfizer. Giá thỏa thuận mua vắc xin được tính toán ở mức phi lợi nhuận và nó tách biệt với các thỏa thuận trước đó định giá vắc xin Covid-19 ở mức 19,50USD/liều.

CEO của Pfizer, ông Albert Bourla, dự kiến sẽ có cuộc gặp với ông Joe Biden khi mà Tổng thống Mỹ thông báo về thỏa thuận mới. Trước đây, phía Mỹ đã cam kết sẽ chia sẻ 80 triệu liều vắc xin Covid-19 trước thời điểm cuối tháng 6/2021, chính quyền ông Biden coi đây như bước đầu tiên nhằm hướng đến việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn cầu.

Theo Nhà Trắng, 75% vắc xin Covid-19 được chia sẻ theo kế hoạch mới sẽ được dành cho Covax bởi nguồn cung từ Covax hiện khá yếu. 25% còn lại sẽ được gửi đến những nước có số lượng ca nhiễm tăng nhanh chóng mặt, các nước láng giềng của Mỹ hoặc những nước đối tác có kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.

Trong đợt chia sẻ vắc xin Covid-19 đầu tiên, các nước Trung và Nam Mỹ trong đó bao gồm Brazil, Argentina, Peru, Ecuador, và Guatemala; một số nước tại châu Á bao gồm Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, và Sri Lanka; và nhiều nước châu Phi khác trong Liên đoàn Châu Phi sẽ được nhận vắc xin Covid-19 của Pfizer.  6 triệu liều sau đó sẽ được gửi đến các nước đối tác và nước mà Mỹ ưu tiên trong khu vực như Mexico, Canada, Hàn Quốc, the West Bank and Gaza và nhân viên y tế tuyến đầu của Liên hợp quốc (UN).

Pfizer có năng lực sản xuất khoảng 3 tỷ liều vắc xin Covid-19 trong năm nay và ít nhất 4 tỷ liều vắc xin Covid-19 trong năm sau, Pfizer cho biết đang cố gắng để cung cấp thêm vắc xin Covid-19 cho các nươc đang phát triển. Pfizer cho biết sẽ cung 2 tỷ liều cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong 18 tháng tới, khoảng một nửa trong số này sẽ được cung cấp trước cuối năm nay.

Nhật Đăng

Từ khóa:  vaccine
Cùng chuyên mục
XEM