5 sai lầm nhà đầu tư thường gặp khi làm theo lời khuyên "Hãy tham lam khi người khác sợ hãi" của Warren Buffett

18/05/2020 11:30 AM | Kinh doanh

Nếu để bình chọn, châm ngôn nổi tiếng nhất của Warren Buffett có lẽ là: "Hãy biết sợ khi người khác đang tham lam và tham lam khi mọi người đang sợ hãi". Thế nhưng nếu bạn không có một phương pháp đầu tư đúng đắn, bạn có thể thua lỗ trong khủng hoảng nặng hơn so với thời kỳ tăng trưởng.

Warren Buffett từng chia sẻ: "Bạn sẽ có những khoản mua về tốt nhất khi mọi người đang đầy hoang mang". Và châm ngôn kiếm tiền của vị tỷ phú này đã được minh chứng. Khi khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt đầu, ông đầu tư mua rất nhiều cổ phiếu của những công ty ông yêu thích như Wells Fargo & Co., American Express Co,…Trong vòng 5 năm, giá trị của các khoản đầu tư này đã lên tới 10 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Giống như Warren Buffett, rất nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng giai đoạn khủng hoảng, giá xuống thấp để bỏ tiền vào thị trường. Tuy nhiên, liệu kịch bản này có lặp lại với bạn? Đầu tư thời khủng hoảng cũng giống như một con dao hai lưỡi: nhiều cơ hội và cũng ẩn chứa đầy rủi ro. Nếu bạn không có một phương pháp đầu tư đúng đắn, bạn có thể thua lỗ nặng hơn so với thời kỳ tăng trưởng. 

Vậy 5 sai lầm nhà đầu tư thường gặp trong giai đoạn khủng khoảng.

1. Cho rằng khủng hoảng dễ kiếm tiền

Đa số những sai lầm gây mất tiền khi giao dịch thường đến từ sự "ngộ nhận" của nhà đầu tư. Nhiều người cho rằng, khủng hoảng chính là thời cơ tốt để mua vào cổ phiếu với giá hời. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Khi đầu tư trong khủng hoảng là bạn đang chấp nhận đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Giống như câu nói "bắt dao rơi", nếu không có một phương pháp và nguyên tắc đầu tư đúng, bạn rất dễ thua lỗ.

Ngay cả khi bạn mua được ở giá tốt, bạn cũng chỉ có lãi khi thị trường hồi phục trở lại và tăng trưởng phải không nào? Vì vậy, lợi nhuận được sinh ra thực chất là nhờ tăng trưởng chứ không phải khủng hoảng. Hơn thế nữa, điều gì đảm bảo rằng cổ phiếu mà bạn mua vào sẽ tăng trưởng trở lại sau khủng hoảng? Điều này đòi hỏi bạn phải nghiên cứu thật kỹ về tiềm năng của các cổ phiếu rớt giá, tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro và tâm lý đầu tư để không bị lung lay bởi những thông tin gây nhiễu loạn thị trường.

2. Chỉ cần làm ngược số đông là khôn ngoan

"Sợ hãi khi người ta tham lam, nhưng hãy trở nên tham lam khi kẻ khác sợ hãi", đây là một tư duy sai lầm khá phổ biến. Điều này có lẽ bắt nguồn từ thực tế rằng chỉ có số ít nhà đầu tư có lời trên thị trường tài chính, nên mọi người cứ nghĩ rằng đi ngược số đông là sẽ thành công.

Bạn nghĩ sao khi có cả một đoàn xe đang xuống dốc, còn bạn thì một mình đi ngược chiều trên cùng con đường đấy với họ? Đây là một hành động rất nguy hiểm và dễ gặp tai nạn nghiêm trọng. Trên thực tế, những người chiến thắng không hề làm ngược với đám đông, họ vẫn đi theo đám đông. Một nhà đầu tư thành công và một nhà đầu tư thua lỗ, chỉ khác ở chỗ thời điểm họ lựa chọn chính xác hơn và chiến lược của họ đầy đủ, hoàn thiện hơn, quản trị vốn và tâm lý tốt hơn.

5 sai lầm nhà đầu tư thường gặp khi làm theo lời khuyên Hãy tham lam khi người khác sợ hãi của Warren Buffett - Ảnh 1.

3. Giá xuống sâu là lúc tốt nhất để mua vào

Đây cũng là một suy nghĩ phổ biến trong "chiến lược giao dịch" của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm! Bởi trên thực tế, giá còn có thể xuống sâu hơn, sâu nữa, sâu mãi, đôi khi ngoài sức tưởng tượng của bạn. Trong ngành tài chính có câu nói: "Thị trường luôn đi được xa hơn sức chịu đựng của bạn". Và nó đúng. Hãy nhớ, lúc tốt nhất để mua vào không phải là khi giá xuống, mà là lúc giá bắt đầu hồi phục.

4. Nếu chọn được thời điểm tốt sẽ thành công

Như đã nói, khủng hoảng chính là con dao hai lưỡi: đầy cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro. Nó hoàn toàn là cơ hội cho những ai biết nắm bắt thời điểm tốt cùng với một phương pháp đầu tư đúng đắn.

Tại sao bắt được thời điểm tốt thôi vẫn là chưa đủ? Thời điểm tốt, quả thực có giúp ích đôi chút, nhưng cũng chỉ như bạn đi săn vào một ngày đẹp trời. Nó không thể đảm bảo 100% cho thành công của bạn. Để săn được thú và trở về nguyên vẹn, bạn cần trang bị cho mình kỹ năng tấn công, phòng vệ, có chiến lược săn bắt, nếu không thì khi trời đổ mưa, bạn sẽ hoang mang, cuống cuồng thay đổi kế hoạch và đưa ra nhiều quyết định sai lầm. Lúc cần cắt, bạn không cắt mà để lỗ nặng hơn. Lúc được giá, bạn không bán mà đến khi giá quay đầu và chuyển sang lỗ, bạn mới vội vàng bán đi.

5. Mua và nắm giữ thì cần gì chặn lỗ

Hơn 90% những người đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng không đặt chặn lỗ. Một số lý do được đưa ra đó là:

- Tôi đầu tư dài hạn nên giá muốn xuống đến đâu cũng được.

- Tôi bỏ tiền vào đây và sẽ quên đi trong vài năm, kiểu gì chẳng lãi.

- Tôi mua ở đáy rồi nên nó không thể xuống thêm nữa.

- Đây là tiền nhàn rỗi mà, tôi chẳng có nhu cầu dùng đến nên chẳng cần phải chặn lỗ.

-...

Có thể bạn chưa biết, trong đợt khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 có rất nhiều người bắt đáy đã mất sạch tiền, và những cổ phiếu họ mua giờ đã thành giấy lộn theo đúng nghĩa đen, vì nó mãi mãi không bao giờ trở về mức giá cũ cả.

Thị trường sẽ phục hồi, nhưng có thể nó sẽ mất rất nhiều thời gian. Và kể cả khi phục hồi, nó sẽ là những cái tên mới, chứ không có nghĩa là những cổ phiếu bạn mua sẽ phục hồi. Một vài minh chứng cụ thể như thị trường Chứng khoán Việt Nam đến nay vẫn chưa thể phục hồi lại mức giá của đợt khủng hoảng 12 năm trước. Năm 2007, iPhone mới bắt đầu ra đời, Facebook đang khởi nghiệp, Tesla chưa hề bán được xe và Netflix đang cho thuê đĩa DVD. Nhưng sau 10 năm, nhiều công ty lớn đã chết để nhường chỗ cho những cái tên mới. Vì vậy, hãy thận trọng với số tiền của bạn.

Kết luận

Trên đây là 5 sai lầm mà nhà đầu tư thường phạm phải khi giao dịch trong thời kì nền kinh tế tụt dốc, dẫn đến nhiều tài khoản mất trắng chỉ sau một đêm. Có thể thấy, điều này thường xuất phát từ những tư duy sai lầm hay ngộ nhận của nhà đầu tư về thị trường. Để không bị mất tiền, thậm chí tận dụng được cơ hội trong khủng hoảng, bạn cần trang bị cho mình một chiến lược đầu tư đúng đắn, đồng thời tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc quản trị rủi ro và tâm lý đầu tư.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM