5 năm tới sẽ vay nợ hơn 3 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển

28/07/2021 19:15 PM | Xã hội

Trong 5 năm tới, tổng thu ngân sách khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, vay nợ trong 5 năm khoảng 3,068 triệu tỷ đồng.

Với toàn bộ số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Nghị quyết được thông qua ngày 28/7, tổng thu ngân sách 5 năm khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách 5 năm khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, chi thường xuyên bình quân 62- 63% tổng chi.

Tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn ngoài nước là 300.000 tỷ đồng, cổ phần hoá và thoái vốn 248.000 tỷ đồng.

Bội chi ngân sách 5 năm tới bình quân 3,7% GDP. Quốc hội quyết nghị, để cân đối thu chi ngân sách, có nguồn cho đầu tư, mức vay nợ trong 5 năm tới khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Trong đó, mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng.

Tổng mức vay ngân sách địa phương 148.000 tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, nghĩa vụ trả nợ chính quyền địa phương 35.300 tỷ đồng.

Cùng với đó, Quốc hội cũng quyết nghị mức trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP (ngưỡng cảnh báo 55% GDP); nợ Chính phủ không quá 50% GDP (cảnh báo là 45% GDP).

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) tối đa 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách thu để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, tăng thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; khai thác dư địa thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, mở rộng cơ sở thuế.

Đồng thời, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ...

Chính phủ cũng cần tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ 1/7/2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương, giảm bội chi, trả nợ gốc và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách.

Luân Dũng

Cùng chuyên mục
XEM