5 điều cha mẹ càng cấm đoán, con càng muốn làm
Không phải lúc nào cấm đoán gay gắt cũng là một phương án tốt khi giáo dục con cái.
Cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng và việc áp đặt quan điểm của người lớn đối với trẻ, yêu cầu trẻ tuân thủ nguyên tắc của mình đôi khi sẽ phản tác dụng, gây những căng thẳng trong cuộc sống. Người lớn đôi khi dùng quyền hạn của mình để bắt ép con cái làm theo nhưng chưa hẳn đã tốt cho trẻ. Yêu cầu trẻ tuân thủ nguyên tắc của mình đôi khi sẽ phản tác dụng, gây những căng thẳng trong cuộc sống.
Dưới đây là một số điều cha mẹ càng cấm đoán, con càng muốn làm. Để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành, cha mẹ luôn phải nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa việc để trẻ tự do phát triển với những quy tắc của cuộc sống.
1. Cấm trẻ làm rách, bẩn quần áo
Nhiều đứa trẻ đã quen thuộc với những câu như "Làm cho nó cẩn thận, bẩn áo mẹ đánh đấy", "Nếu làm bẩn thì tự mà giặt đi, không ai giặt hộ cho đâu"... Điều này khiến con tỏ ra sợ hãi, không dám nghịch bẩn, chơi bẩn hoặc nếu có chơi cũng sẽ rất lo lắng, không biết có bị bố mẹ đánh, mắng hay không.
Điều này vô tình làm mất đi cơ hội để con được khám phá, học hỏi những điều mới mẻ. Đôi khi, cha mẹ hãy để con tự do được đùa nghịch, thỏa sức tìm tòi. Nếu có lỡ may làm bẩn áo quần thì hãy nhẹ nhàng khuyên bảo, thay cho trẻ một chiếc áo mới. Tốt nhất, cha mẹ có thể phân chia các loại quần áo, đi chơi, đi học hoặc đi dự tiệc để trẻ thoải mái chơi đùa.
2. Cấm trẻ được tiêu tiền vào món đồ bị người lớn cho là vô bổ
Trẻ cần phải được dạy về cách tiêu và tiết kiệm tiền thông qua các hoạt động trong cuộc sống. Có những món đồ mà người lớn cho rằng vô bổ, không có ích nhưng lại khiến trẻ cực kỳ thích thú. Một món ăn vặt cùng bạn bè, một bộ đồ chơi hay chiếc áo con thích, bé hoàn toàn có thể tiết kiệm để mua chúng.
Dĩ nhiên, cha mẹ sẽ đưa ra lời khuyên khi thấy món đồ đó được mua là chưa hợp lý. Tuy nhiên đừng ngăn cấm mà hãy để con tự nhìn nhận ra thay vì ngăn cản. Cha mẹ khi cho con tiền tiêu vặt thì nó sẽ trở thành tài sản chung, con hoàn toàn có quyền quyết định sẽ mua gì, sử dụng như thế nào dưới những tư vấn của ba mẹ.
Việc chi tiêu này có thể hữu ích cho một đứa trẻ khi chúng tiêu tiền vào những điều vô nghĩa và sau đó cảm thấy hối tiếc. Bằng cách này chúng sẽ học được cách kiểm soát chi tiêu của mình và phân biệt được giữa sở thích tức thời với những nhu cầu và mong muốn thực sự quan trọng.
3. Cấm trẻ nghỉ ngơi khi không muốn học
Không phải trẻ con mà người lớn đôi khi cũng có những ngày cảm thấy tâm trạng chán chường, không muốn làm bất cứ điều gì cả. Nếu con đang trong một tâm trạng như vậy mà vẫn bị cha mẹ ép buộc phải đi học thêm môn này, môn kia sẽ khiến trẻ bị ức chế.
Thành tích học tập tốt không phải là điều quan trọng, quan trọng chính là sức khỏe tinh thần và tâm lý của học sinh trong khi có quá nhiều bài tập ở trường.
Nếu bạn nhận thấy trẻ cần nghỉ ngơi, hãy cho con cơ hội để sống chậm lại và lắng nghe chính mình: Con muốn gì? Con thích làm gì? Con đang mơ về điều gì? Bởi vì đôi khi ngay cả cha mẹ cũng thật khó có được thời gian và tỉnh táo để tìm câu trả lời cho những câu hỏi đơn giản như vậy trong vòng xoáy của cuộc sống.
4. Cấm trẻ tranh luận với người lớn
Nhiều cha mẹ cho rằng người lớn từng trải, họ hoàn toàn biết điều gì tốt, điều gì không nên những đứa trẻ bắt buộc phải làm theo, không được phép cãi lại. Thế nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Việc không cho trẻ tranh luận đồng nghĩa với việc tước đi quyền tự do ngôn luận cá nhân. Trẻ không được đưa ra chính kiến sẽ cảm thấy bị ức chế, cho rằng bố mẹ không hiểu mình.
Hãy lắng nghe con nói, cho con được trải lòng và ghi nhận những điều con đã chia sẻ. Từ đó, cha mẹ và con cái cần ngồi lại với nhau, đưa ra một hướng đi đúng hơn thay vì cãi cọ, xích mích. Qua mỗi cuộc tranh luận, cả bố mẹ và con cái sẽ thấu hiểu và học được nhiều điều hơn.
5. Cấm trẻ làm những điều người lớn cho rằng quá ngây ngô
Các nhà tâm lý học nói rằng trẻ em đang có xu hướng trưởng thành quá nhanh. Điều này thực ra không có gì đáng ngạc nhiên, khi trẻ đang ở một thế giới mà chúng luôn nghe thấy những điều như "con không còn là một đứa trẻ nữa", "những gì con đang làm chẳng phải là quá trẻ con sao?" hay "khi nào con sẽ lớn?" từ cha mẹ của mình.
Những đứa trẻ sẽ không có được phát triển tự nhiên về mặt tinh thần bởi những sự chỉ định của ai đó thật dễ dàng như những cú nhấp chuột – khi ấy chúng có thể giả vờ trưởng thành, nhưng lại chưa có được sự chuẩn bị cho những khó khăn mà tuổi trưởng thành sẽ gặp phải.
Nếu con bạn vẫn còn tính cách trẻ con cùng với sở thích thời thơ ấu của chúng, không có lý do gì để bạn bắt buộc chúng từ bỏ những điều này. Hãy để con bạn phát triển theo tốc độ của riêng.