5 dấu hiệu sớm nhất cho thấy trái tim của bạn rối loạn hoạt động, suy yếu theo chuyên gia
Khi hoạt động của trái tim gặp vấn đề, rất nhiều bộ phận khác trên cơ thể sẽ phát ra cảnh báo. Tiếc rằng chúng rất dễ bị bỏ qua.
Giáo sư Anthony Mathur (bác sĩ tim mạch ở Anh, đại diện của Tổ chức Tế bào Tim) cảnh báo: “Một khi trái tim trở nên quá yếu hoặc cứng và không thể hoạt động bình thường, đó là khi tình trạng suy tim xảy ra”.
Ông giải thích, suy tim có nghĩa là tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách bình thường. Tình trạng này không có nghĩa là tim ngừng hoạt động mà có nghĩa là tim cần được hỗ trợ để hoạt động tốt hơn. Nếu không khắc phục kịp thời, suy tim không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống mà còn khiến bạn phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, thậm chí đe dọa tính mạng.
5 dấu hiệu sớm nhất cho thấy trái tim đang suy yếu
Theo Giáo sư Anthony Mathur, trái tim bị suy yếu, cứng lại hay đến giai đoạn suy tim thì toàn bộ hoạt động của cả cơ thể sẽ xảy ra các bất thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tinh tế hoặc kiến thức để nhận ra nó. Chúng ta rất dễ xem nhẹ, nhầm lẫn các triệu chứng ban đầu của suy tim với sự mệt mỏi thể chất đơn thuần hoặc nhiều bệnh vặt khác.
Trong đó, có 5 dấu hiệu ban đầu của bệnh suy tim ông nhắc nhở chúng ta chú ý:
- Khó thở: Dấu hiệu nổi bật nhất, sớm nhất của các bệnh về tim là cảm thấy khó thở. Nó xuất hiện ngay cả khi bạn nghỉ ngơi và tăng lên rất nhanh, nghiêm trọng mỗi khi hoạt động thể chất hay nằm xuống, vào ban đêm khi máu trở nên nhớt hơn.
- Mệt mỏi bất thường: Một dấu hiệu quan trọng khác của bệnh suy tim là mức độ mệt mỏi và suy nhược bất thường. Bởi khi bị suy tim, tim có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho cơ thể, dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ cho các cơ quan và cơ quan trọng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác mệt mỏi tột độ, kéo dài dai dẳng.
- Sưng tấy không rõ lý do: Sưng tấy ở nhiều nơi trên cơ thể một cách bất thường cũng là dấu hiệu sớm của bệnh tim, nhất là suy tim. Do cơ thể có thể giữ nước, khiến chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng sưng lên.
- Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim không đều hoặc nhanh lên bất thường là một dấu hiệu cảnh báo sớm khác cần chú ý. Suy tim khiến các xung điện điều khiển nhịp tim hoạt động bất thường, từ đó làm cho tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Dấu hiệu này có thể sẽ không rõ ràng ở giai đoạn đầu.
- Ho, thở khò khè: Ho do suy tim là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân suy tim nhưng thường dễ bị bỏ qua do nhầm lẫn với một bệnh lý khác, nhất là bệnh phổi. Trên thực tế, suy tim làm rối loạn bơm máu dẫn tới tắc nghẽn phổi. Lúc này chất dịch và thậm chí có cả một ít máu có thể rò rỉ vào phế nang của phổi, gây ra các cơn ho, thở khò khè, thậm chí ho ra đờm dính máu.
“Mặc dù những triệu chứng này có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nhưng nếu chúng lặp lại quá 1 tuần, bạn nên sớm đi thăm khám. Đặc biệt, nếu các dấu hiệu về khó thở, rối loạn nhịp tim trở nên trầm trọng thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức để tránh nguy hiểm tính mạng” - Giáo sư Anthony Mathur nói.
Liệu pháp tế bào gốc - giải pháp mới để điều trị suy tim, cải thiện tim mạch
Giáo sư Anthony Mathur cũng chia sẻ về liệu pháp tế bào gốc trong cải thiện, điều trị suy tim, nâng cao sức khỏe tim mạch tổng thể của người bệnh. Cụ thể, liệu pháp tế bào gốc cho bệnh suy tim liên quan đến việc sử dụng tế bào gốc của chính một người để cải thiện chức năng tim của họ.
Trong phương pháp này, bác sĩ tim mạch sẽ lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc mô mỡ của bệnh nhân. Sau khi xử lý các tế bào này, chúng được đưa trở lại tim để giúp sửa chữa các mô bị tổn thương và giúp tim hoạt động bình thường. Đối với bệnh suy tim, khi tim phải nỗ lực bơm máu đúng cách, việc sử dụng tế bào gốc của chính người bệnh sẽ có những lợi ích khác.
"Những tế bào gốc này có thể biến thành nhiều loại khác nhau, bao gồm cả tế bào cơ tim. Bằng cách này, chúng khuyến khích tim tự sửa chữa và phát triển các mạch máu mới. Tế bào gốc cũng có đặc tính chống viêm, có thể làm dịu tình trạng viêm thường liên quan đến suy tim.
Không giống như cấy ghép tim, trong đó trái tim mới từ người hiến tặng được cấy vào cơ thể bệnh nhân, liệu pháp tế bào gốc có ít nguy cơ bị thải trừ hơn. Cách tiếp cận cá nhân hóa này làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, giúp việc điều trị có thể an toàn hơn và dễ quản lý hơn"- ông chia sẻ.
Bên cạnh các liệu pháp y học, việc có chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi… lành mạnh cũng rất quan trọng trong cải thiện, duy trì sức khỏe tim mạch.
Nguồn và ảnh: Express UK, webMD, MSN