5 bài học kinh tế vỡ lòng từ huyền thoại John Maynard Keynes

16/02/2017 15:48 PM | Kinh tế vĩ mô

Các học thuyết kinh tế của ông được coi là ánh sáng soi đường cho chính sách điều hành kinh tế cũng như tạo việc làm của các quốc gia, trong đó phải kể đến chính sách kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009.

John Maynard Keynes (sinh năm 1883) là một nhà kinh tế học người Anh. Ông nổi tiếng với học thuyết kinh tế Keynes – một học thuyết kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn tới kinh tế học và chính trị hiện đại.

Các học thuyết kinh tế của ông được coi là ánh sáng soi đường cho chính sách điều hành kinh tế cũng như tạo việc làm của các quốc gia, trong đó phải kể đến chính sách kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009. Bên cạnh đó, Keynes cũng là "cha đẻ" của những hiệp định thương mại thời hậu chiến Bretton Woods.

Tuy vậy, những học thuyết kinh tế của John Keynes rất khó để có thể tóm tắt trong vài từ. Trong các học thuyết của mình, ông quan tâm đến sự can thiệp của chính phủ đối với kinh tế, bởi nhờ đó chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để làm giảm đi những ảnh hưởng bất lợi do suy thoái kinh tế hay bùng nổ kinh tế gây ra.

Dưới đây là 5 bài học từ những học thuyết kinh tế của Keynes có thể hữu ích đối với các nhà đầu tư.

Chi tiêu Chính phủ có thể tác động đến tổng thể sản xuất trong ngắn hạn

Keynes thường đề cập đến các biện pháp kích thích của chính phủ bao gồm tăng mạnh chi tiêu ngân sách chính phủ (chấp nhận thâm hụt ngân sách) để chống lại thất nghiệp không tự nguyện. Ông cũng là nhà kinh tế học đầu tiên xuất bản rộng rãi tài liệu tiếng Anh về yếu tố tổng cung, tổng cầu trong nền kinh tế.

Quan điểm này của ông đã được chứng minh là đúng, ít nhất trong ngắn hạn. Chi tiêu và các dự án của Chính phủ có thể tạm thời thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tương đương với việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, về dài hạn, chưa thể chứng minh được mối quan hệ giữa chi tiêu chính phủ với tăng trưởng năng suất hoặc thu nhập bình quân đầu người.

Giá cả không thể điều chỉnh một cách công bằng

Trên thị trường lao động, tiền lương chính là giá cả. Mô hình “tiền lương cứng nhắc” (sticky wage) là một phần không thể thiếu trong kho từ vựng về kinh tế của Keynes. Ông cho rằng việc giảm tiền lương không giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp bởi không có lý do gì để người lao động chấp nhận bị cắt giảm tiền lương hoặc ông chủ đề nghị giảm lương.

Nói cách khác, thị trường không phải lúc nào cũng tuân thủ rõ ràng quy tắc cân bằng tổng thể. Ông cũng lập luận rằng thị trường lao động không giống với các thị trường khác. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các nhà kinh tế học đồng ý rằng mọi loại giá cả có thể từ từ điều chỉnh chậm lại dưới các hoàn cảnh bất lợi.

Kinh tế và chính trị luôn có mối liên hệ chặt chẽ

John Keynes là một người phụng sự suốt đời cho cộng đồng và các học thuyết kinh tế của ông luôn có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị, gây ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành kinh tế của các chính phủ. Ông hiểu rằng một khi quan điểm được chấp nhận bởi các viện hàn lâm, các chính trị gia sẽ dễ dàng góp phần thúc đẩy chính sách kinh tế hơn.

Keynes dùng kinh tế học như một vũ khí cho các cuộc tranh luận công khai. Ông ủng hộ mạnh mẽ các chương trình việc làm của Đảng Lao Động Anh và phản đối quan điểm lấy vàng làm tiêu chuẩn của nước Anh thời kỳ hậu thế chiến thứ nhất. Ông cho rằng các nhà cầm quyền có thể thực thi quan điểm từ học thuyết kinh tế của mình vào điều chỉnh chính sách.

Nền kinh tế vẫn có thể vận hành dù không có đủ việc làm trong một khoảng thời gian

Một trong những quan điểm mang tính đột phá của Keynes là cho rằng nền kinh tế có thể có nhiều mức độ thất nghiệp khác nhau. Đây là nhận định trái ngược với quan điểm của những nhà kinh tế học cổ điển như David Ricardo và Jean-Baptiste Say, những người nói rằng nếu thị trường lao động dư thừa việc làm thì sẽ tự điều chỉnh. Nhưng Keynes không nghĩ như vậy.

Cuộc đại khủng hoảng 1929 -1933 đã ảnh hưởng sâu sắc tới suy nghĩ của Keynes về kinh tế học. Trước đó, các nhà kinh tế cho rằng, mỗi khi có khủng hoảng kinh tế, giá cả và tiền công sẽ giảm đi; các nhà sản xuất sẽ có động lực đẩy mạnh thuê mướn lao động và mở rộng sản xuất, nhờ đó nền kinh tế sẽ phục hồi.

Nhưng Keynes lại quan sát cuộc đại khủng hoảng và nhận ra rằng tiền công không hề giảm, việc làm cũng không tăng, và sản xuất mãi không hồi phục nổi. Từ đó, Keynes cho rằng thị trường không vận hành hoàn hảo như những gì các nhà kinh tế cổ điển vẫn nghĩ. Và do đó, dù không có đủ việc làm thì nền kinh tế vẫn có thể vận hành trong một khoảng thời gian.

Ngày nay vẫn có một số nhà kinh tế học tranh cãi về quan điểm của ông, nhưng là về cơ chế vận hành của thị trường lao động. Một số cho rằng thất nghiệp là do dư thừa tiền tiết kiệm và thiếu thanh khoản, trong khi một số khác quan niệm các chính sách sai lầm khiến thị trường lao động mất cân bằng. Nhưng họ đều cho rằng trạng thái toàn dụng lao động không phải là một sự đảm bảo.

Lạm phát là quỷ dữ nhưng nó có thể thúc đẩy hoạt động công nghiệp

Trong bản thảo năm 1923 mang tên “A Tract on Monetary Reform”, Keynes đã gọi lạm phát là một loại quỷ dữ cần phải xa lánh. Đây cũng là quan điểm khác biệt lớn nhất giữa Keynes và các thế hệ nhà kinh tế học đi sau ông. Hầu hết các nhà kinh tế học hiện đại cho rằng lạm phát là vấn đề nhỏ và có một chút lạm phát sẽ giúp thúc đẩy hoạt động công nghiệp; Keynes nói không với lạm phát và còn cho rằng lạm phát giúp các nhà đầu tư làm giàu trên chi phí của người nghèo.

Giống như nhiều vấn đề khác, Keynes có những quan điểm mâu thuẫn nhau về lạm phát và chính sách tiền tệ. Nhưng ông cho rằng giá cả nên duy trì ổn định bởi lạm phát có thể dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Sau này nhiều nhà kinh tế học theo trường phái Áo cũng nhận định những tác động vào nguồn cung tiền chính là nguyên nhân gây nên sự phập phù trong chu kỳ phát triển của nền kinh tế với những giai đoạn xì hơi và khủng hoảng theo sau giai đoạn bùng nổ.

Theo Hà My

Cùng chuyên mục
XEM