43 tuổi khởi nghiệp, trở thành tỷ phú, nhưng đi công tác vẫn bay hạng ghế phổ thông, mang nồi cơm điện để nấu cháo
Từ một doanh nghiệp chỉ có mười mấy nhân viên cho đến doanh thu hàng năm đứng đầu ngành với 15 tỷ USD, ZTE đã trở thành công ty thiết bị truyền thông niêm yết lớn nhất tại Trung Quốc. Hầu Vi Quý, CEO của ZTE rốt cục đã làm điều đó như thế nào?
Thành lập ZTE
Năm 1985, khi làn gió cải cách kinh tế thổi đến đất nước Trung Quốc, Hầu Vi Quý 43 tuổi quyết định xuống phía nam khởi nghiệp và thành lập ZTE tại Thâm Quyến.
Trước lúc đó, ông từng là giám đốc phân xưởng và trưởng bộ phận kỹ thuật của nhà máy hàng không vũ trụ Tây An 691. Trong quá trình nghiên cứu công nghệ, thiết bị của Mỹ, ông đã được "mở mang tầm mắt", học hỏi được nhiều kiến thức nâng cao và quyết định khởi nghiệp.
Khi ZTE mới thành lập, Hầu Vi Quý chủ yếu sản xuất quạt điện, điện thoại và các sản phẩm khác. Sau đó, ông nhận thấy rằng ngành truyền thông có tiềm năng rất lớn, vì vậy ông bắt đầu phát triển các thiết bị chuyển mạch.
Năm 1990, ZTE tung ra bộ chuyển đổi dữ liệu người dùng đầu tiên ZX500, sản phẩm này đã trở thành một cú hit ngay lập tức. Chỉ trong vòng hai đến ba năm, doanh số bán hàng theo hợp đồng đã vượt quá 13 triệu USD.
Năm 1993, Hầu Vi Quý quyết định tiến hành cải cách khi vấn đề phân chia quyền lợi giữa các cổ đông của ZTE ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ông liên tiếp thành lập hai công ty "Zhongxing Weixian" và "Zhongxingxin", đồng thời tạo ra mô hình kinh doanh mới là "doanh nghiệp có vốn nhà nước, ủy quyền (tư nhân) kinh doanh", đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Điều thực sự khiến ZTE thành công là do Hầu Vi Quý đã nắm bắt chính xác 3 cơ hội: CDMA (đa truy cập phân chia theo mã), PHS (hệ thống điện thoại cầm tay cá nhân) và điện thoại di động.
3 cơ hội
Năm 1995, China Unicom tung ra CDMA95, khi đó Hầu Vi Quý đã bắt đầu theo dõi sát sao. Tuy nhiên, do các vấn đề về sở hữu trí tuệ, CDMA95 của China Unicom đã bị dừng giữa chừng, nhiều nhà sản xuất đã chọn từ bỏ dự án này.
Tuy nhiên, Hầu Vi Quý vẫn kiên định với nhận định của riêng mình, ông tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Năm 2001, China Unicom bắt đầu đấu thầu giai đoạn đầu tiên của CDMA, và ZTE đã thành công giành được 7,5% tổng thị phần trên 10 tỉnh. Không dừng lại ở đó, vào năm tiếp theo con số tổng thị phần đã tăng lên thành 15%.
Năm 2000, thị trường nhìn chung không mấy lạc quan về PHS, nhưng Hầu Vi Quý lại nhất quyết muốn làm PHS. Ông tin rằng sau khi ngành viễn thông trong nước bị chia tách, nhu cầu thị trường về PHS sẽ tăng lên, hơn nữa PHS còn rất có lợi thế về công nghệ phát triển và tính phí một chiều.
Thực tế đã chứng minh rằng quyết định của Hầu Vi Quý là đúng. Vào cuối năm 2002, việc kinh doanh PHS bị cấm hoàn toàn ở các khu vực khác trừ Bắc Kinh và Thượng Hải, ZTE đã tạo ra một tiếng vang lớn. Năm 2003, doanh thu của ZTE đạt hơn 2 tỷ USD.
Cùng lúc đó, Hầu Vi Quý cũng nhắm vào tiềm năng to lớn của thị trường điện thoại di động, ông bước vào lĩnh vực điện thoại di động và đạt được bước phát triển nhanh chóng. Năm 2004, ZTE được niêm yết trên cổ phiếu của sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Ngoài tầm nhìn chiến lược lợi hại trong việc nắm bắt cơ hội, Hầu Vi Quý còn có cách tiếp cận quản lý kinh doanh độc đáo.
Quản lý kinh doanh
Trong ngành có câu nói rất nổi tiếng, rằng: "Huawei là sói, ZTE là bò." Hầu Vi Quý là người hiền lành, khiêm tốn và kiệm lời, dưới sự lãnh đạo của ông, ZTE đã hình thành nên một văn hóa doanh nghiệp ổn định và hài hòa.
Hầu Vi Quý cho rằng nhân viên là động lực cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, ông chủ trương phương pháp quản lý nhân văn, doanh nghiệp phải tôn trọng nhân viên và để họ phát huy giá trị lớn nhất. Đồng thời ông cũng muốn thiết lập tính kỷ luật tốt, trên dưới đồng lòng mới có thể gia tăng sức mạnh cho tập thể.
Trong công ty, Hầu Vi Quý thường xuyên trao đổi với nhân viên. Ông ấy là người dễ gần và hòa nhã, đối xử với nhân viên không hề trịch thượng hay ra lệnh, mà ông chào hỏi rất bình đẳng, chẳng hạn như: "Bạn cảm thấy dự án này như thế nào?" Hầu Vi Quý rất khoan dung, ông sẽ không vì nhân viên phạm sai lầm mà đuổi việc họ ngay lập tức.
Ngoài ra, đời sống cá nhân của ông cũng rất giản dị, khi đi công tác chỉ đi hạng phổ thông, còn mang theo nồi cơm điện để nấu cháo. Hầu Vi Quý không cần thư ký, và ông cũng không cho phép ban lãnh đạo cấp cao của công ty thuê thư ký, vì ông không muốn lãng phí tiền của công ty.
Sau khi về hưu, có những lúc ZTE gặp biến cố, Hầu Vi Quý vẫn không ngại khó "tái xuất giang hồ", đứng ở tuyến đầu để giải quyết vấn đề.