40 doanh nghiệp Thái ồ ạt vào thị trường Việt tìm đối tác nhượng quyền

26/11/2016 07:00 AM | Kinh doanh

40 doanh nghiệp Thái đang tìm cách tiến vào thị trường Việt Nam bằng cách tìm đối tác nhượng quyền, trong đó có các doanh nghiệp bán lẻ, thức ăn, cafe, giáo dục, làm đẹp, chăm sóc người già...

Đánh giá thị trường, 40 doanh nghiệp Thái đã tham gia một sự kiện giao thương Thái Lan – Việt Nam tại TP HCM ngày 25/11 để tìm đối tác. Hơn 100 doanh nghiệp Việt đã tới buổi giao thương lần này. Các lĩnh vực nhiều doanh nghiệp muốn tìm đối tác là giáo dục và ẩm thực.

Có tới 5 doanh nghiệp Thái Lan chuyên về dạy tiếng Anh muốn tìm đối tác nhượng quyền tại Thái Lan. Đại diện của Kid Able, trung tâm dạy tiếng Anh, tại Thái Lan, chia sẻ với chúng tôi rằng họ muốn tìm đối tác để mở rộng mô hình tiếng Anh tại Việt nam.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu học ngoại ngữ ở Việt Nam đang tăng rất mạnh và nhiều gia đình ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư để con có thể học giỏi ngoại ngữ. Đó là lý do chúng tôi muốn mở rộng ở đất nước các bạn”, đại diện Kid Able nói.

Gà rán KoKeKokKo cũng muốn tìm doanh nghiệp để nhượng quyền tại Việt Nam. Ông chủ của thương hiệu nói rằng hiện mỗi ngày 5 cửa hàng của anh bán khoảng 100 kg cánh gà, đùi gà sốt. Anh nhận xét rằng người Việt rất thích thử vị thức ăn mới và nhiều người Việt đến Thái Lan rất thích ăn món gà sốt của bên anh. Do đó, anh muốn tìm đối tác ở Việt Nam để nhượng quyền.

Chuỗi bán lẻ MP Mart đã có 3 cửa hàng tiện lợi tại Thái Lan và đang muốn tấn công vào thị trường Việt. Đại diện của MP Mart cho biết ở Thái, cửa hàng này có diện tích trung bình khoảng 150 m2. Cửa hàng bán 30% là thức ăn, 70% là các mặt hàng khác. MP Mart muốn có khoảng 5 cửa hàng tại Việt Nam trong 5 năm. Hàng hóa trong các cửa hàng này 100% là từ Thái.

Khi được hỏi, nếu vào thị trường Việt Nam thì đối thủ của MP Mart là ai thì lãnh đạo công ty cho biết, họ chưa xác định được đối thủ nhưng biết là thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng cũng sẽ cạnh tranh gay gắt.

Các thương hiệu cafe của Thái cũng đang mong muốn tham gia vào thị trường cafe của Việt Nam. Doilor Coffee là một ví dụ. Chuỗi này có 20 cửa hàng tại Thái Lan và 1 tại Campuchia.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các rào cản thuế quan được dỡ bỏ trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, nhiều nhà đầu tư Thái Lan đang có kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh sang Việt Nam.

Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam từng chia sẻ rằng, gần 2.000 doanh nghiệp Thái Lan hiện bày tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất của của Bộ Công Thương, tính đến tháng 7 năm 2016, Việt Nam đã có 148 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công tại Việt Nam. Sự có mặt các thương hiệu của nước ngoài vừa mở ra cơ hội cho người tiêu dùng trong nước tiếp cận hàng hóa, dịch vụ, vừa tạo sức ép cạnh tranh buộc doanh nghiệp trong nước phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời đây cũng là kênh đầu tư và hình thức hợp tác hiệu quả và đầy triển vọng với thị trường hơn 90 triệu dân của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM