4 tuổi theo mẹ sang Úc, cô gái Việt liên tục “nhảy lớp” ở xứ người, rồi trở thành biểu tượng khởi nghiệp ở thung lũng Silicon Valley
"Thần thái" và những nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái gốc Việt Lê Thị Thái Tần giúp cô nổi tiếng trong giới startup, không chỉ ở Việt Nam, Australia và cả ở thung lũng Silicon.
Theo mẹ sang xứ sở Kanguroo và "nhảy cóc" liên tục nhờ thành tích xuất sắc
Năm 4 tuổi, Lê Thị Thái Tần hay còn gọi là Tần Lê và em gái theo mẹ sang Úc. Cuộc sống khó khăn nơi xứ người đã thôi thúc tinh thần học tập của cô bé. Tần đạt kết quả xuất sắc và “nhảy lớp” liên tục. 16 tuổi, cô có học bổng toàn phần tại ĐH Monash. Mới 20 tuổi, cô gái gốc Việt sở hữu 2 bằng cử nhân Luật và Thương mại.
Ở tuổi 20, cô gái sinh năm 1977 đã trở thành Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Footscray và Trung tâm Dịch vụ nhân lực Việt - Úc, chuyên hỗ trợ dân nhập cư tìm việc và ổn định cuộc sống. Cô tích cực tìm kinh phí để tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ cho người nhập cư bởi cô nghĩ, tiếng Anh chính là chìa khóa giúp mở cánh cửa cho người nhập cư, trong đó có người gốc Việt.
Với những nỗ lực cống hiến kết nối cộng đồng, năm 1998, cô gái gốc Việt được chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu của nước Úc năm 1998 - giải thưởng thường niên dành cho cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất trong xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên một nữ sinh gốc Việt giành được danh hiệu này.
Và thành startup nổi tiếng ở thung lũng Silicon
Tốt nghiệp đại học, Tần trở thành luật sư ở hãng luật lớn nhất nước Úc nhưng cô không thấy hài lòng với công việc mình đang làm. Với suy nghĩ, công nghệ là cách thay đổi thế giới đã thôi thúc Tần Lê nghiên cứu về công nghệ, dù đây không phải là chuyên ngành cô học tại đại học.
25 tuổi, cô muốn tạo ra một sản phẩm liên quan đến đo sóng não. Cuối năm 2003, cô cùng 3 người bạn đến Thung lũng Silicon (Mỹ) thành lập công ty Emotiv System, với khát vọng cho ra đời những sản phẩm điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người.
Sau 7 năm nghiên cứu, sản phẩm đầu tiên Emotiv EPOC ra đời với hình dáng 1 chiếc mũ EGG nhỏ, kèm theo 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt. Sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong y học, nghiên cứu khoa học, trò chơi điện tử… Mũ EGG đã ghi dấu ấn trong lĩnh vực công nghệ của thế giới nhưng với Tần, sản phẩm vẫn chưa đạt được điều cô mong muốn nên cô đã quyết định dừng lại.
Tháng 8/2011, Tần bắt đầu lại và đến tháng 10/2015, sản phẩm thứ 2 Emotiv Insight được tung ra thị trường. Thiết bị này có thể thu thập, phân tích hoạt động trong não để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương. “Thiết bị cũng rất tốt với phụ nữ khi hướng dẫn luyện tập cho não, giúp não khỏe hơn, hỗ trợ giấc ngủ…”, Tần cho biết. Sản phẩm của Emotiv được bán tại trên 120 nước trên thế giới.
TRÒ CHUYỆN VỚI TẦN LÊ
Tại sự kiện do Forbes tổ chức mới đây, Tần Lê, cùng với nhiều startup công nghệ Việt nổi tiếng, đã có cuộc trò chuyện với chủ đề Bàn về tương lai.
- Chúng ta đã hiểu được bao nhiêu phần trăm bộ não con người?
- Nhiều thông tin cho rằng chúng ta mới chỉ sử dụng 10% bộ não. Đây là phát biểu không có căn cứ khoa học. Chúng ta vẫn chưa hiểu cơ chế làm việc của bộ não nhưng chúng ta ngồi đây nói chuyện và cần sự cân bằng của bộ não. Hoạt động của não chiếm 20-30% năng lượng cơ thế, nhiều nhất trong các bộ phận.
- Chúng ta chưa sử dụng hết khả năng của bộ não. Cách nào để não hoạt động vượt bậc?
- Trí thuệ nhân tạo rất giỏi trong một vài lĩnh vực nhưng chỉ trong một số loại công việc hạn hẹp mà thôi. Con người có thể cạnh tranh với máy móc ở những loại công việc khác. Không phải con người hay máy móc giỏi hơn mà là con người cộng sinh với máy móc. Chúng ta tăng cường vào cuộc sống nhờ vào trí tuệ nhân tạo.
Bộ não khỏe mạnh là khi học hỏi, tiếp xúc với thách thức và đa dạng mới. Cỗ máy của bộ não liên tục học hỏi những điều mới lạ. Giải toán chẳng hạn, lúc đầu giải toán mãi không còn thách thức nữa. Giỏi toán rồi bắt chơi golf, sẽ giúp bộ não hoạt động đa dạng hơn.
- 30 năm nữa thế giới sẽ như thế nào?
- Cách thức giao dịch đều đổi hết. Mối quan hệ sẽ khác nhau vì mỗi người sẽ quan hệ chặt chẽ. Tôi nghĩ nói ngày hôm nay chưa hiểu hết được.
- Việt Nam phải làm gì để hội nhập quốc tế?
- Theo tôi, dân số Việt Nam 90 triệu dân, cần tập trung, xác định đầu tư mũi nhọn, chiến lược thay vì đầu tư dàn trải. Vì đầu tư dàn trải sẽ không có nhiều lợi thế cạnh tranh.
- Chị có nhắn nhủ gì cho startup Việt?
- Nên tập trung vào thách thức toàn cầu, nghĩ lớn. Thứ hai là tái đầu tư vào giáo dục.