4 khả năng "ra tiền" đáng ghen tỵ của người hướng nội: "Bộ não của họ hoạt động rất khác biệt", chuyên gia từng làm việc với Google, Deloitte xác nhận
Từng làm việc với nhiều công ty lớn về cách thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu, nhà thần kinh học này cho rằng các nhà tuyển dụng đang bỏ qua một số điểm mạnh đáng ngạc nhiên của người hướng nội.
Bài viết của Friederike Fabritius, nhà thần kinh học tiên phong trong lĩnh vực lãnh đạo thần kinh. Cô đã diễn thuyết tại các tổ chức lớn bao gồm Google, Accenture, Deloitte, BMW và Audi, đồng thời phục vụ trong Học viện Khoa học và Kỹ thuật danh tiếng của Đức. Fabritius cũng là tác giả best-seller 2 đầu sách về tâm lý.
Trở thành người hoạt bát, nói nhiều có thể là cách hay để thu hút sự chú ý của mọi người, nhưng điều đó không có nghĩa bạn là người có năng lực nổi bật nhất. Là một nhà thần kinh học, tôi đã làm việc với các công ty lớn như Google và Deloitte về cách thu hút và giữ chân những tài năng hàng đầu. Tôi nhận ra các nhà tuyển dụng có xu hướng ưu tiên những người hướng ngoại.
Nhưng có một số điểm mạnh đáng ngạc nhiên mà người hướng nội mang lại và bạn không nên bỏ qua chúng.
Friederike Fabritius
Như nhà văn Susan Cain đã chỉ ra trong cuốn sách Quiet: The Power of Introverts in a World That Can't Stop Talking (Tạm dịch: "Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới không thể ngừng nói"), người hướng nội có xu hướng nhìn mọi sự việc xung quanh không chỉ dừng lại ở "điều gì đang diễn ra" mà còn xa hơn như "điều gì sẽ xảy ra nếu".
Điều gì khiến người hướng nội khác biệt
Đừng hiểu lầm tôi: Cả người hướng ngoại và hướng nội đều có những phẩm chất tuyệt vời. Nhưng trong bài viết này tôi sẽ đề cập đến những nghiên cứu cho thấy người hướng nội có nhiều kỹ năng đem đến ưu thế trong công việc.
1. Người hướng nội suy nghĩ nhiều hơn
Chất xám tồn tại ở lớp ngoài cùng của não dùng để xử lý và giải phóng thông tin mới trong não.
Một nghiên cứu của Harvard cho thấy bộ não của người hướng nội hoạt động khác và có chất xám dày hơn so với người hướng ngoại. Ở những người hướng ngoại mạnh mẽ, chất xám luôn mỏng hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy thùy trán người hướng nội hoạt động nhiều hơn, nơi diễn ra quá trình phân tích và suy nghĩ.
(Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu của giáo sư Debra L. Johnson công bố năm 1999 đã quét não của cả người hướng nội và người hướng ngoại cho thấy, ngay cả trong trạng thái thư giãn, não của người hướng nội hoạt động tích cực hơn, với lưu lượng máu lên não ở mức cao.
2. Người hướng nội có thể tập trung lâu hơn
Albert Einstein - được biết đến là người hướng nội, khi Einstein còn là một đứa trẻ, các giáo viên đã nghĩ rằng ông là một người cô độc lặng lẽ, dường như cách xa người khác hàng triệu dặm, luôn chìm đắm trong những suy nghĩ của mình.
Einstein nói: "Đó là tôi ở lại với các vấn đề lâu hơn". Khả năng tập trung cao độ này là ưu thế của người hướng nội so với người hướng ngoại. Bởi họ thích dành thời gian ở một mình và cũng sẵn sàng dành thời gian tập trung cần thiết để thành thạo một kỹ năng.
3. Người hướng nội thường có năng khiếu trong một lĩnh vực cụ thể
Trung bình, người hướng nội và người hướng ngoại giống nhau về trí thông minh. Nhưng thống kê của tạp chí The Creative Mind cho thấy khoảng 70% người có năng khiếu bẩm sinh là người hướng nội.
Một người được coi là "có năng khiếu" khi họ thể hiện trí thông minh hơn mức trung bình hoặc tài năng vượt trội về một lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như âm nhạc, nghệ thuật hoặc toán học.
4. Người hướng nội chịu áp lực giỏi hơn
Người hướng nội có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi các sự kiện bên ngoài và quyết định mọi việc theo quy tắc của chính họ.
(Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu năm 2013 của các giáo sư Đại học Helsinki (Phần Lan) và Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc cho thấy người hướng ngoại sẵn sàng làm theo ý kiến của đa số, ngay cả khi nó sai và dễ bị khuất phục trước áp lực xã hội hơn người hướng nội. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận "người hướng nội không có phản ứng khác biệt dù gặp phải mức độ áp lực cao hay thấp".
Làm thế nào để tạo ra một nơi làm việc nơi người hướng nội phát triển
Người hướng nội thường chưa được khai thác triệt để khả năng tại nơi làm việc. Tôi có thể gợi ý cách các nhà quản lý có thể tạo ra môi trường làm việc thân thiện hơn với kiểu người này.
Điều đầu tiên là hãy ưu tiên việc động não một mình. Để mọi người thảo luận ý tưởng với nhau nghe có vẻ thú vị nhưng nghiên cứu của Alex Osborn, tác giả của kỹ thuật sáng tạo brainstorm (động não) cho thấy rằng muốn tối đa hóa khả năng sáng tạo hãy để mọi người tự đưa ra ý tưởng trước khi chia sẻ chúng trong nhóm. Người hướng nội khi có sự chuẩn bị sẽ chia sẻ thoải mái hơn.
(Ảnh minh họa)
Các nhà quản lý nên linh hoạt, khuyến khích mọi người quyết định cách họ muốn giao tiếp tại văn phòng. Những người hướng nội sẽ thích Email hơn, trong khi người hướng ngoại có thể thích giải quyết công việc qua điện thoại.
Tiếp đến là sự đa dạng trong không gian làm việc. Người hướng ngoại có thể thích gặp nhiều người, nhưng người hướng nội có xu hướng cần sự riêng tư. Giải pháp kết hợp không gian mở tạo tương tác và những không gian yên tĩnh phù hợp.
Theo CNBC Make It