4 điều bạn cần khắc cốt ghi tâm nếu muốn "sống sót" nơi công sở: Điều đầu tiên là lỗi ngớ ngẩn mà nhiều người mắc phải
Sự khéo léo trong giao tiếp đến cách làm việc, am hiểu văn hoá công ty là điều mà nhân viên công sở cần làm nếu không muốn mình bị lu mờ.
Trong môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp như hiện nay, bên cạnh việc sáng tạo để tìm ra những cách riêng giúp làm việc nhanh và đạt hiệu quả cao thì có một cách khá tốt để xây dựng giá trị bản thân. Đó chính là hình thành những thói quen, lề lối làm việc, cách ứng xử cùng hành vi văn minh, lịch sự.
Dưới đây là những điều bạn cần chú ý tại nơi làm việc. Đây đều là điều chẳng có vị sếp hay đồng nghiệp nào "mách nước" cho bạn. Bạn phải tinh ý, khéo léo ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh.
1. Khoe khoang làm thêm việc bên ngoài
Bên cạnh công việc chính tại công ty, có một số người làm thêm việc khác ở bên ngoài. Đó có thể là công việc đúng với chuyên môn hoặc nằm ngoài chuyên môn với mục đích tăng thêm thu nhập.
Sẽ chẳng ai cấm cản bạn làm thêm vì đây là điều hoàn toàn chính đáng. Nhưng lãnh đạo của bạn sẽ không thích điều này. Thậm chí họ có thể gọi bạn vào phòng làm việc, khiển trách bạn nếu để việc riêng làm ảnh hưởng đến công việc chính.
Không chỉ sếp, đồng nghiệp cũng không thích bạn có thêm nhiều nguồn thu nhập thụ động. Thấy bạn có nhiều tiền hơn, họ sẽ mất cân bằng tâm lý. Vì thế, chớ dại khoe khoang công việc làm thêm kèm thu nhập ở công ty.
Bạn hãy cứ làm công việc phụ của mình nhưng đừng quá lộ liễu, khiến sếp và đồng nghiệp cảm thấy khó chịu. Quan trọng nhất là bạn không được để việc phụ làm ảnh hưởng đến việc chính. Bởi nếu chểnh mảng công việc, dẫn đến hiệu suất kém, rất có thể bạn sẽ bị sa thải.
2. Trước khi xin ý kiến người khác phải có bản phác thảo ý tưởng
Nếu bạn gặp vấn đề hay khó khăn trong công việc và muốn hỏi ý kiến đồng nghiệp hoặc lãnh đạo thì tốt nhất nên có sự chuẩn bị trước. Bạn cần viết ra quan điểm, ý tưởng hay kế hoạch của mình ra một cuốn sổ. Điều này khiến người đối diện cảm thấy bạn có tính cầu thị, họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ.
Trong bản phác thảo, bạn không chỉ liệt kê các vấn đề đang gặp phải mà còn phải nêu ra được những giải pháp, phương án tối ưu. Chẳng hạn với vấn đề đặt xe đi du lịch, bạn cần liệt kê ra tối thiểu 5 công ty cung cấp dịch vụ cho thuê xe với các mức giá khác nhau.
Cách làm này sẽ giúp đồng nghiệp, người lãnh đạo đánh giá cao. Đặc biệt, sếp của bạn sẽ nghĩ: "Chà, thật sự anh ấy/cô ấy đã nghĩ về nó và đã chu đáo chuẩn bị trước, cách làm việc rất có trách nhiệm. Đây là một nhân tố tài năng, tôi sẽ tập trung vào đào tạo để anh ấy/cô ấy có nhiều cơ hội phát triển".
3. Hãy chọn đúng sếp để "cất cánh"
Bất kể bạn đang trong giai đoạn nào, dù là nhân viên kỳ cựu hay mới đi làm cũng phải lưu tâm đến người sếp trực tiếp quản lý mình. Điều này nghe có vẻ vô nghĩa nhưng bao hàm rất nhiều điều, là yếu tố quyết định mọi thứ.
Hãy luôn đặt cách câu hỏi: Lãnh đạo của bạn có tuyệt vời không? Lãnh đạo có tận tình chỉ bảo, hướng dẫn bạn không? Sếp có giúp bạn tiến bộ sau một thời gian nữa hay không?,…
Trên thực tế, chúng ta thường nhìn vào việc chế độ đãi ngộ mà hiếm khi quan tâm đến việc cấp trên có tốt hay không. Tuy nhiên ở nơi làm việc, sếp mới là người có khả năng định hình cách nhìn, tư duy cho bạn. Vai trò của người lãnh đạo đối với mỗi nhân viên vô cùng quan trọng.
Bạn muốn trở thành người như thế nào, bạn phải chọn người như thế đó ở cạnh bên. Như vậy mới có thể mau chóng tiến bộ.
4. Sa thải không phải là sự tàn nhẫn của công ty mà là sự lựa chọn của thị trường
Thị trường lao động vô cùng khốc liệt, nếu bạn không chịu học hỏi, làm mới bản thân thì bạn có nguy cơ bị sa thải. Đặc biệt, các công ty không ngừng tuyển dụng nhân sự trẻ bởi chi phí lao động thấp, hiệu quả công việc cao, năng lượng tràn đầy, sẵn sàng học hỏi.
Còn những nhân viên ngoài tuổi 30, sức khoẻ không thể bằng những người trẻ. Họ còn phải chăm lo cho gia đình nên thời gian dành cho công việc ít đi. Đó là những đối tượng có nguy cơ bị sa thải.
Và sa thải nhân viên không phải do công ty tàn nhẫn mà là xu hướng tất yếu của thị trường lao động.
Thiết nghĩ để tránh mối lo bị sa thải, bạn cần không ngừng nâng cao chuyên môn, xây dựng những nền tảng cao hơn để đối phó với các trường hợp khẩn cấp. Đừng đợi đến khi bạn 35 tuổi, bị sa thái mới nhận ra: Rời khỏi vị trí này, mình sẽ chẳng làm được trò trống gì.