4 "cục nợ" kéo Vinachem từ tập đoàn lãi nghìn tỷ mỗi năm thành doanh nghiệp lỗ nặng
Một trong những Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, vốn có phong độ tốt nhờ sở hữu rất nhiều doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả như Vinachem cũng đã phải chịu lỗ nặng bởi những đứa con "mới sinh".
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2016 với một kết quả gây bất ngờ cho công chúng: Bị lỗ sau thuế lên tới 203 tỷ đồng, trong đó, phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 477 tỷ đồng.
Kết quả này gây bất ngờ bởi lẽ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, vốn có phong độ tốt và sở hữu rất nhiều doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả như Phân bón Lâm Thao (LAS), phân bón Bình Điền (BFC), Cao su Đà Nẵng (DRC), Casumina (CSM)… Nửa đầu năm 2015, tập đoàn này vẫn có lãi 1.000 tỷ đồng.
Một loạt doanh nghiệp kinh doanh tốt không đủ bù cho 2 doanh nghiệp “lỗ kế hoạch”
Từ năm trước, Vinachem đã cho biết có 4/24 đơn vị sản xuất kinh doanh lỗ, bao gồm Đạm Hà Bắc, CTCP DAP số 2 – Vinachem (DAP Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (Haso) với tổng lỗ phát sinh từ 4 đơn vị là 1.460 tỷ đồng. Trong đó, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai đang lỗ kế hoạch do dự án mới đi vào hoạt động từ Quý II/2015.
Dù vậy, lợi nhuận hợp nhất năm 2015 của Vinachem vẫn đạt 1.467 tỷ đồng.
Nhưng năm nay, lợi nhuận từ một loạt doanh nghiệp làm ăn tốt đã không thể bù nổi cho những khoản lỗ quá lớn từ bộ tứ ngành phân bón bao gồm DAP-Vinachem, DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình được nữa.
Theo đó, Đạm Ninh Bình lỗ 457 tỷ đồng, DAP số 2-Vinachem (DAP Lào Cai) lỗ 281 tỷ đồng và DAP – Vinachem (DAP Đình Vũ) lỗ 212 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016. Con số lỗ của Đạm Hà Bắc chưa được công bố nhưng doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu lỗ 488 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phân hóa và Hóa chất Lâm Thao - từng là công ty lãi nhất ngành phân bón của Vinachem - cũng chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm 2/3 so với cùng kỳ, chỉ còn 61 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh mới công bố, Tập đoàn hóa chất Việt Nam dự kiến lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2016. Định hướng kế hoạch năm 2017, Vinachem dự kiến cũng chỉ có lãi 107 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Vinachem đột ngột xuống dốc
Giải pháp là kêu cứu
Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình là dự án lớn nhất của Vinachem với công suất 560.000 tấn/năm, được khởi công năm 2008 với vốn đầu tư khoảng 647 triệu USD. Ngay năm đầu hoạt động (năm 2012), nhà máy này lỗ 75 tỷ đồng. Năm 2013 lỗ 759 tỷ, năm 2014 và 2015 lần lượt là 500 tỷ và 370 tỷ. Tính đến cuối tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ, nợ tính đến cuối 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Nhà máy đã phải dừng hoạt động.
Còn Đạm Hà Bắc vốn là một trong những nhà máy sản xuất phân đạm lớn và lâu đời nhất miền Bắc. Năm 2010, công ty khởi công dự án cải tạo và mở rộng nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm.
Cũng từ năm này, Đạm Hà Bắc mới bắt đầu lỗ nhưng đã lỗ ngay 665 tỷ đồng, cao hơn cả Đạm Ninh Bình.
Theo kế hoạch của Vinachem thì cùng với Xà phòng Hà Nội, Tập đoàn này sẽ thoái vốn, bán bớt cổ phần tại 7 công ty khác trong đó có Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Nhưng trước khi có thể thoái vốn, với tình hình thua lỗ như trên, mới đây, Vinachem đã có một loạt đề nghị đối với Bộ Công thương, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để cứu doanh nghiệp.
Một trong số đó là đề nghị cho phép chuyển nợ vay tại Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, với số tiền là 2.708 tỷ đồng. Trong trường hợp không được chuyển nợ thành vốn góp, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay tại VDB trong thời gian 5 năm (từ 2016 đến 2020), không trả nợ gốc và không tính lãi phát sinh trong 5 năm.
Tiếp tục xin "cứu", Vinachem đề nghị khoanh khoản vay của Dự án cải tạo – mở rộng nhà máy Phân đạm Hà Bắc tại Ngân hàng phát triển Việt Nam với dư nợ tính đến 29/02/2016 là 3.957 tỷ đồng trong thời gian 5 năm.
Không biết những kiến nghị này sẽ được đáp ứng đến đâu nhưng kế hoạch lợi nhuận năm 2017 của Vinachem cũng chỉ có 100 tỷ đồng. So với những năm tháng lãi cả nghìn tỷ trước đây, những đứa con “mới sinh” quả thực đã đem đến cho Vinachem gánh nặng quá lớn.