39 giây làm nên lịch sử của trực thăng NASA: Vượt qua 289 triệu km, lập kỳ tích thế kỷ 21

21/04/2021 09:11 AM | Công nghệ

Trực thăng sao Hỏa Ingenuity đã mở ra hành trình khám phá bầu trời ở các thế giới xa xôi trong Hệ Mặt Trời.

3:46 sáng ngày 19/4/2021 (Múi giờ Thái Bình Dương - PDT),

Cả căn phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) ở tiểu bang California bừng lên tiếng vỗ tay, reo hò. Sau hơn 10 ngày trì hoãn, cuối cùng thì chiếc trực thăng Ingenuity nặng vỏn vẹn 1,8 kg, trị giá 85 triệu USD của NASA đã cất cánh thành công mỹ mãn trên sao Hỏa.

Chiến thắng này được chính NASA ví như khoảnh khắc sống động của anh em nhà Wright (Mỹ) thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên Trái Đất năm 1903.

Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) đăng dòng tweet ngay sau thành công của Ingenuity : "Sự kiên trì (Perseverance) đã đưa chúng tôi đến sao Hỏa. Còn Sự khéo léo (Ingenuity) đưa chúng tôi bay cao hơn".

39 giây làm nên lịch sử của trực thăng NASA: Vượt qua 289 triệu km, lập kỳ tích thế kỷ 21 - Ảnh 1.

Phòng Kiểm soát sứ mệnh của NASA tại (JPL) nhận được tín hiệu báo thành công trễ 14 phút vì khoảng cách 289 triệu km từ sao Hỏa. Ảnh: NASA

39 giây làm nên lịch sử của trực thăng NASA: Vượt qua 289 triệu km, lập kỳ tích thế kỷ 21 - Ảnh 2.

Giây phút cả căn phòng Kiểm soát sứ mệnh vui mừng khi hay tin Ingenuity bay thành công trên sao Hỏa. Ảnh: Reuters

“Giờ đây, 118 năm sau khi anh em nhà Wright thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên hành tinh của chúng ta hồi thế kỷ 20, trực thăng Ingenuity đã thành công trong việc thực hiện kỳ ​​tích tuyệt vời này trên một thế giới khác - Hành tinh Đỏ - trong thế kỷ 21" - Phó Giám đốc Khoa học của NASA Thomas Zurbuchen nói.

Ở khoảng cách 289 triệu km (từ Trái Đất đến sao Hỏa), chiếc trực thăng sao Hỏa Ingenuity đã làm được điều kỳ diệu, chưa từng có trong lịch sử: Tự động nạp nhiên liệu từ Mặt trời, tự động bay đến độ cao tối đa theo quy định là 3 mét và duy trì độ cao đó ổn định trong 30 giây, sau đó là màn hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt Hành tinh Đỏ. Cả quá trình kéo dài 39,1 giây.

39,1 giây chỉ bằng hai phần ba thời gian của một phút. Khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi nhưng lại là quả ngọt tuyệt vời cho nỗ lực của hàng nghìn bộ óc đóng góp cho Mars Mission 2020 của NASA. NASA đã phải mất gần 1 thập kỷ chuẩn bị cho 39 giây kỳ tích này.

KỲ TÍCH VÔ CÙNG KINH NGẠC

Tiến sĩ Daniel Brown, một chuyên gia thiên văn học tại Đại học Nottingham Trent (Anh), mô tả việc đưa một thứ gì đó bay lên sao Hỏa là một 'kỳ tích vô cùng kinh ngạc".

Thử thách lớn nhất của đội ngũ kỹ sư chế tạo Ingenuity chính là môi trường bay trên sao Hỏa:

- Đầu tiền. cho đến nay, chưa một ai (con người) đặt chân lên được sao Hỏa. Tất cả những gì các nhà khoa học biết đó là mô phỏng môi trường đó thông qua những dữ liệu và hình ảnh mà tàu thám hiểm tự hành của NASA truyền về Trái Đất.

- Thứ hai, môi trường sao Hỏa nổi tiếng khắc nghiệt: Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm có thể "giết chết" các cỗ máy của con người, đặc biệt, trực thăng Ingenuity quá nhỏ, quá nhẹ (đây là điều kiện kỹ thuật bắt buộc để bay thử nghiệm). Chưa kể, Hành tinh Đỏ không có từ trường, trọng lực chỉ bằng một phần ba so với Trái Đất; và bầu khí quyển cực kỳ mỏng, chỉ bằng 1% áp suất trên bề mặt hành tinh chúng ta.

39 giây làm nên lịch sử của trực thăng NASA: Vượt qua 289 triệu km, lập kỳ tích thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Cấu tạo cơ bản của trực thăng sao Hỏa Ingenuity. Ảnh Việt hóa: Trang Ly/Trang Đinh

[Đọc thêm về cấu tạo của trực thăng Ingenuity: 'Mổ xẻ' trực thăng 85 triệu USD đang 'sống tốt' trên sao Hỏa: Sáng tạo khoa học táo bạo bậc nhất của Mỹ! ]

Điều này có nghĩa là để bay được, chiếc trực thăng phải siêu nhẹ và quay cánh cực nhanh để đạt được lực nâng. Bởi thế, các cánh quạt của Ingenuity đạt tới 2.500 vòng/phút. Mỗi cánh quạt trên Ingenuity được làm bằng vật liệu composite nặng 57 gram, cung cấp năng lượng cho thân trực thăng có kích thước bằng một hộp khăn giấy!

MỞ ĐƯỜNG KHÁM PHÁ BẦU TRỜI MỚI

Để đánh dấu thêm mối liên hệ giữa trực thăng sao Hỏa Ingenuity với chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright, NASA xác nhận họ đã đặt tên sân bay đầu tiên trên sao Hỏa (nơi trực thăng Ingenuity cất cánh) là 'Wright Brothers Field'.

Quản trị viên NASA Steve Jurczyk cho biết: "Chúng tôi không biết chính xác Ingenuity sẽ dẫn chúng ta đến đâu, nhưng kết quả ngày hôm nay cho thấy bầu trời - ít nhất là trên sao Hỏa - ​​có thể không phải là giới hạn".

Cũng giống như chuyến bay của anh em nhà Wright mở ra hành trình khám phá bầu trời cho nhân loại trên Trái Đất, sứ mệnh của Ingenuity đã khơi dậy một làn sóng mới về các dự án thú vị, sẵn sàng đưa việc khám phá các thế giới xa xôi lên một tầm cao mới.

Vào năm 2027, NASA có kế hoạch khởi động sứ mệnh Dragonfly rất được mong đợi của mình, trong đó một máy bay lên thẳng (rotorcraft) sẽ bay qua bầu trời của mặt trăng Titan của sao Thổ. Các sứ mệnh khác để khám phá các bầu khí quyển xa xôi — chẳng hạn như sứ mệnh khảo sát các đám mây của sao Kim — có thể cũng sớm xuất hiện.

SƯ MỆNH CỦA INGENUITY CHƯA DỪNG Ở ĐÓ...

Nhóm NASA có kế hoạch cho trực thăng Ingenuity thực hiện tiếp các chuyến bay thử nghiệm nữa trong vài ngày tới, với tối đa 5 chuyến bay táo bạo hơn trong 30 ngày tới với giả định mỗi chuyến là thành công.

39 giây làm nên lịch sử của trực thăng NASA: Vượt qua 289 triệu km, lập kỳ tích thế kỷ 21 - Ảnh 4.

Máy bay trực thăng sao Hỏa Ingenuity của NASA đã chụp được cảnh này khi nó bay lơ lửng trên bề mặt sao Hỏa vào ngày 19 tháng 4 năm 2021, trong lần đầu tiên thực hiện chuyến bay có điều khiển, được cung cấp năng lượng trên một hành tinh khác. Nó sử dụng camera điều hướng, tự động theo dõi mặt đất trong suốt chuyến bay. Nguồn: NASA / JPL-Caltech

Sau chuyến bay đầu tiên, trực thăng Ingenuity đã gửi cho tàu thám hiểm tự hành sao Hỏa Perseverance dữ liệu kỹ thuật về những gì nó đã thực hiện, bao gồm một bức ảnh đen trắng duy nhất từ ​​máy ảnh quay mặt đất và thông tin đó đã được truyền trở lại Trái Đất.

Máy bay trực thăng Ingenuity du hành tới sao Hỏa được gắn vào mặt dưới của Perseverance, đã chạm xuống hành tinh này vào ngày 18/2/2021 trong khuôn khổ nhiệm vụ tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất.

Tham khảo: NASA, Popularmechanics, DM

Trang Ly

Cùng chuyên mục
XEM