33.000 công nhân Boeing đình công: Dự sẽ thiệt hại hơn 3 tỷ USD nếu 50 ngày không thể giải quyết khủng hoảng

13/09/2024 15:11 PM | Quốc tế

Vụ việc này được cho là có thể ảnh hưởng tới gần 10.000 nhà cung cấp.

33.000 công nhân Boeing đình công: Dự sẽ thiệt hại hơn 3 tỷ USD nếu 50 ngày không thể giải quyết khủng hoảng- Ảnh 1.

Không hài lòng về thỏa thuận sơ bộ với Boeing vì muốn tăng lương và được cải thiện thêm nhiều ích lợi khác, khoảng 33.000 công nhân nhà sản xuất máy bay nổi tiếng nước Mỹ đã bắt đầu đình công vào sáng sớm nay.

Tùy thuộc vào thời gian diễn ra cuộc đình công, sự kiện này được cho là có thể ảnh hưởng tới gần 10.000 nhà cung cấp. Hiện Boeing có tổng cộng 150.000 nhân viên tại Mỹ và ước tính đóng góp hàng năm cho nền kinh tế là 79 tỷ USD.

Trước đó vào ngày 9/9, Boeing và Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM) - một trong những nghiệp đoàn lớn nhất của hãng, đại diện cho hơn 32.000 công nhân tại Tây Bắc Thái Bình Dương đã công bố thỏa thuận mới có thời hạn 4 năm.

Thỏa thuận bao gồm các cam kết của Boeing về mức tăng lương chung là 25% và triển khai chương trình sản xuất máy bay thương mại khu vực Seattle trong thời gian của thỏa thuận.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây ra nhiều tranh cãi khi nhiều lao động muốn Boeing giữ mức tăng lương 40% và khôi phục lại kế hoạch lương hưu theo chế độ phúc lợi xác định. Theo một báo cáo từ ngân hàng đầu tư TD Cowen, một cuộc đình công kéo dài 50 ngày có thể khiến Boeing thiệt hại từ 3-3,5 tỷ USD.

“Đây là cuộc đấu tranh cho tương lai của chúng ta”, Jon Holden, chủ tịch IAM, cho biết khi công bố kết quả bỏ phiếu. “Chúng tôi sẽ quay lại bàn đàm phán bất cứ khi nào có thể để thúc đẩy các vấn đề mà các thành viên của chúng tôi cho là quan trọng”.

Phía Boeing cũng thể hiện mong muốn quay lại bàn đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới dễ chịu cho cả đôi bên.

“Thông điệp rất rõ ràng là thỏa thuận tạm thời mà chúng tôi đạt được với ban lãnh đạo IAM không được các thành viên chấp nhận”, công ty cho biết trong một tuyên bố. “Chúng tôi vẫn cam kết thiết lập lại mối quan hệ với nhân viên và công đoàn”.

Những nhượng bộ trong quá khứ và một loạt các vấn đề tại Boeing đang gây ra một làn sóng phẫn nộ. Việc bỏ phiếu chống lại thỏa thuận trên, vì thế, được cho là đã được định trước.

33.000 công nhân Boeing đình công: Dự sẽ thiệt hại hơn 3 tỷ USD nếu 50 ngày không thể giải quyết khủng hoảng- Ảnh 2.

Đầu tuần này, Kelly Ortberg, Tổng giám đốc điều hành mới của Boeing, thừa nhận rằng các thành viên đã thể hiện thái độ khó chịu sau khi nghe điều khoản. Ông khi đó vẫn thúc giục các thành viên công đoàn vượt qua và bỏ phiếu cho thỏa thuận.

“Tôi biết phản ứng đối với thỏa thuận tạm thời của chúng tôi khá dữ dội”, ông viết cho nhân viên. “Tôi hiểu và tôn trọng sự dữ dội đó, nhưng tôi yêu cầu các bạn không nên hy sinh tương lai vì những thất vọng trong quá khứ”.

Bất chấp nhiều năm gặp vấn đề, Boeing vẫn là thành phần chính không thể thiếu của nền kinh tế Mỹ. Cuộc đình công chỉ là đòn giáng mới nhất đối với công ty.

Trong 5 năm qua, Boeing đã gặp phải vô số vấn đề. Hầu hết trong số chúng đều gây thiệt hại về tài chính, trong đó có 2 vụ tai nạn gây chết người vào năm 2018 và 2019.

Sự giám sát tiếp tục tăng lên sau sự cố bung chốt cửa 737 Max do Alaska Airlines khai thác.

Theo thông tin nội bộ, cuộc đình công sẽ không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, song sẽ gây ra sự chậm trễ nhất định trong quá trình giao máy bay phản lực như đã hứa trước đó.

Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang gánh khoản nợ gần 60 tỷ USD và đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng, sau các sự cố về an toàn gần đây. Không ai biết chắc số phận Boeing sẽ đi về đâu.

“Giải quyết các vấn đề của Boeing là công việc khổng lồ”, CEO United Airlines Scott Kirby đầu tháng này nhận định. “Đây không phải công việc giải quyết được trong 12 tháng, mà là 2 thập kỷ”.

Hồi tháng 6, Reuters trích dẫn hai nguồn tin trong ngành cho biết Boeing sẽ trì hoãn thời gian sản xuất đối với dòng máy bay phản lực 737 trong 3 tháng giữa bối cảnh hoạt động sản xuất máy bay phản lực chậm lại đáng kể.

Ngày 8/7, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo đã yêu cầu kiểm tra 2.600 máy bay Boeing 737 sau khi tiếp nhận báo cáo về vấn đề xoay quanh dây đeo mặt nạ dưỡng khí dùng cho hành khách trong trường hợp khẩn cấp. Theo đại diện Boeing, hãng chỉ bán được 14 máy bay phản lực mới trong tháng 6 vừa qua.

Theo: CNN, Reuters 

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM