31 năm của REE dưới thời Chủ tịch Mai Thanh và vấn đề “vật vã” nhất
Một trong những băn khoăn lớn nhất của cổ đông REE chính là người kế nhiệm, đồng hành cùng Chủ tịch Mai Thanh.
CTCP Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE) vừa công bố thông tin bà Nguyễn Thị Mai Thanh sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT từ ngày 22/11 để đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc. Thay thế là ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ Platinum Victory - sẽ trở thành Chủ tịch HĐQT mới của REE.
Thay đổi “ghế nóng” tại REE diễn ra trong bối cảnh quỹ ngoại này liên tục mua vào cổ phiếu Công ty.
Platinum Victory là công ty thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C) - doanh nghiệp hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối ô tô tại khu vự Đông Nam Á với các công ty thành viên tại Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Quỹ đã có hơn 10 năm đầu tư vào REE.
Năm 2012, thông qua Platinum Victory, tổ chức này rót vốn vào REE khi mua lượng trái phiếu chuyển đổi trị giá hơn 557 tỷ đồng từ công ty của bà Mai Thanh. Platinum Victory sau đó đã trái phiếu thành 18,58% cổ phần REE và nâng dần sở hữu lên trên 35% như hiện nay.
Song song với thay đổi Chủ tịch, REE cũng biến động vị trí Tổng Giám đốc. Một trong những băn khoăn lớn nhất của cổ đông REE chính là người kế nhiệm, đồng hành cùng Chủ tịch Mai Thanh.
Nhớ lại năm 2020, khi hầu hết các DNNY đã thực hiện đúng với quy định mới (Chủ tịch HĐQT không được kiêm Tổng Giám đốc), bà Mai Thanh miệt mài đi tìm “ứng viên”. Cuối cùng, REE quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc là ông Huỳnh Thành Hải.
Lễ chuyển giao cho ông Hải năm này cũng tổ chức rất hoành tráng với sự hiện diện của đông đảo đối tác, khách hàng, toàn thể nhân viên REE. Dù vậy, mới đây, REE đã có quyết định miễn nhiệm ông Hải, giữa lúc tình hình kinh doanh có nhiều thử thách, quý 4/2023 mảng cơ điện lạnh lần đầu báo lỗ.
Hiện, Platinum Victory là cổ đông lớn nhất của REE. Kế tiếp là gia đình bà Mai Thanh với 21,6% vốn điều lệ REE. Riêng bà Mai Thanh nắm giữ hơn 60,4 triệu cổ phiếu REE, tương đương 12,83% vốn điều lệ của Công ty.
Nhìn lại hành trình 31 năm làm Chủ tịch, bà Mai Thanh cũng là một trong những “nữ tướng” tiêu biểu của thương trường Việt khi đưa REE từ một xí nghiệp nhỏ đã trở thành một trong những Tập đoàn đa ngành có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường.
2 lần tiên phong, từ một xí nghiệp nhỏ trở thành Tập đoàn đa ngành
Thành lập vào năm 1977, thời kỳ đất nước vừa giải phóng, REE là công ty đầu tiên chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng bằng hình thức cổ phần hóa vào năm 1993. Năm 1996, REE ra mắt sản phẩm máy điều hòa không khí đầu tiên của Việt Nam với thương hiệu Reetech.
Năm 2000, khi sàn chứng khoán Việt Nam bắt đầu hoạt động, REE tiếp tục là một trong hai công ty tiên phong niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (cùng với SAM).
Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, REE đã trở thành tập đoàn đa ngành, xoay quanh 3 lĩnh vực chính gồm cơ điện lạnh, bất động sản, cơ sở hạ tầng điện và nước. Trên sàn chứng khoán, REE đang có giá trị vốn hoá gần 31.500 tỷ đồng.
Một số dự án ghi dấu của REE có thể kể đến:
+ Tại mảng cơ điện lạnh: REE M&E là nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật, cung ứng thiết bị và thầu cơ điện công trình cho các dự án trọng điểm quốc gia như nhà ga Metro Bến Thành, nhà ga Hành khách T2 – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài...
+ Tại mảng bất động sản: REE được biết đến với tổ hợp văn phòng E.town tổng diện tích sàn 144.854 m2, đang cho 220 doanh nghiệp thuê. Tòa nhà e.town 6 sẽ hoàn thành xây dựng và hoàn thiện cơ bản vào cuối tháng 3/2024.
Ngoài ra, tập đoàn thông qua các đơn vị thành viên như Saigonres (mã: SGR) và REE Land để triển khai các dự án bất động sản nhà ở.
+ Tại mảng cơ sở hạ tầng điện và nước: REE nổi danh là “cá mập” chuyên M&A các doanh nghiệp trong ngành như Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Thác Bà…
Tính đến nay, REE đã tham gia vào lĩnh vực thủy điện, năng lượng mặt trời, điện gió và nhiệt điện với tổng công suất phát điện theo tỷ lệ sở hữu 1.051 MW. Công ty cũng nắm giữ cổ phần trong các công ty cung cấp nước với tổng công suất sản xuất nước tương ứng với tỷ lệ sở hữu 450.000 m3/ngày.
Đạt lãi 1.000 tỷ vào năm 2016 và hành trình đi tìm lời giải cho “bài toán tăng trưởng” của người khổng lồ
Về tình hình kinh doanh, có lúc thăng lúc trầm song xu hướng chung của REE là đi lên. Năm 2017, REE có bước nhảy vọt về doanh thu với 3.663 tỷ đồng – tăng 37% so với năm ngoái. Đây là giai đoạn lợi nhuận REE chính thức vượt mốc 1.000 tỷ.
Cuối năm 2017, tổng tài sản REE cũng tăng mạnh 3.000 tỷ đồng, lên xấp xỉ 14.300 tỷ đồng. Vận hành một bộ máy đa ngành và khối tài sản lớn, kể từ đây REE chính thức đối mặt với bài toán “tăng trưởng”. Suốt 5 năm liền sau đó, REE gần như “dậm chân” với mức tăng trưởng doanh thu một con số.
Thậm chí, năm 2019 Công ty chứng kiến mức tăng trưởng âm hơn 4%. Lợi nhuận ròng tương ứng giảm 9% và giảm tiếp trong năm 2020.
Đến năm 2022, nhờ khí hậu thuận lợi, mảng năng lượng đột biến giúp REE đạt doanh thu kỷ lục 9.372 tỷ, lợi nhuận ròng 2.693 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và 45% so với 2021. Năm 2022 cũng là năm mảng năng lượng có sự bứt phá và trở thành trụ cột thay thế mảng truyền thống cơ điện lạnh với doanh thu hơn 5.000 tỷ.
“May mắn” không tiếp tục khi năm 2023 Công ty đối mặt với loạt thử thách, quý 4/2023 doanh thu giảm 33% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 32,5%. Nguyên nhân giảm lợi nhuận chủ yếu do mảng Cơ điện lạnh lần đầu tiên sụt giảm mạnh do phát sinh chi phí dự phòng lên đến 199,5 tỷ trong quý 4/2023. Đây cũng là lần đầu tiên mảng này lỗ 76,3 tỷ, cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi 41,6 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2023, REE đạt gần 8.600 tỷ doanh thu – giảm 9% và 2.200 tỷ lãi ròng – giảm 19% so với năm ngoái.
Sang năm 2024, REE tiếp tục hành trình đi tìm kiếm “cơ hội” tăng trưởng mới.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của REE, bà Mai Thanh tiết lộ Công ty đang tìm kiếm cơ hội ở mảng điện rác nhằm mục tiêu vừa xử lý rác thải, vừa tạo ra năng lượng, hướng đến đầu tư nhà máy có quy mô công suất xử lý từ 2.000 tấn rác thải sinh hoạt/ngày tại Tp.HCM
Công ty cũng tập trung nhiều hơn vào mảng bất động sản – mảng sinh lời tốt nhất hiện tại của REE. Trong bối cảnh các mảng đang gặp khó, mảng này được xem là có doanh thu và lợi nhuận ổn định, biên lợi nhuận ròng lên đến 51,2%.
Hiện, mảng bất động sản Công ty chia thành 2 phân khúc nhỏ là cho thuê văn phòng và phát triển bất động sản. Với phân khúc cho thuê văn phòng, doanh thu mục tiêu cho năm 2024 là 1.082 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2023. Ngược lại, lợi nhuận sau thuế mục tiêu giảm gần 14%, đạt 463 tỷ đồng. Mảng phát triển bất động sản được REE đặt kỳ vọng nhất khi dự kiến đem về doanh thu 1.055 tỷ đồng (cùng kỳ không phát sinh doanh thu) và lợi nhuận sau thuế 389 tỷ đồng, gấp 15 lần năm 2023.
Năm nay, REE dự báo thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào chu kỳ của sự ổn định.