31 giờ trước họng súng, bị 200 lính bao vây: Cuộc tháo chạy cam go của cựu TT Afghanistan cùng hàng trăm triệu đô

10/10/2021 09:28 AM | Xã hội

Các hãng tin mới đây đã tiết lộ chi tiết về hành trình đầy căng thẳng của cựu Tổng thống Ghani từ Kabul qua Uzbekistan đến UAE.

Cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, đã phải bỏ trốn đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sau khi bị Tajikistan, Uzbekistan từ chối cho "tá túc".

Ngay tại thời điểm đất nước rối ren khi Taliban tiến quân mạnh mẽ khiến thủ đô Kabul thất thủ hôm 15/8, Tổng thống Afghanistan khi đó, ông Ashraf Ghani đã nhanh chóng lên máy bay rời khỏi đất nước. Nhiều ngày sau, giữa vòng vây chỉ trích và những đồn đoán về việc nhà lãnh đạo Afghanistan, phía UAE ra thông báo xác nhận ông Ghani đang ở nước này.

Nhưng theo các nguồn tin giấu tên mới nhất của Hashte Subh, để đến được UAE, vị Tổng thống lưu vong của Afghanistan đã phải trải qua những khó khăn ở Tajikistan và Uzbekistan.

Các hãng tin mới đây đã tiết lộ chi tiết về hành trình đầy căng thẳng của cựu Tổng thống Ghani từ Kabul qua Uzbekistan đến UAE, thời điểm trước khi Bộ Ngoại giao UAE xác nhận ông Ghani cùng gia đình đã được nhập cảnh quốc gia Trung Đông này vì lý do nhân đạo.

Yêu cầu hạ cánh khẩn cấp không được phản hồi

Economic Times ngày 4/10 đưa tin, tờ 8AM.AF ở Afghanistan đã phỏng vấn một quan chức giấu tên, người cùng trốn chạy với cựu Tổng thống Ghani, về những căng thẳng và hỗn loạn trong suốt hành trình.

"Như thường lệ, tôi rời nhà vào khoảng 8 giờ sáng để đến Phủ Tổng thống (ARG) làm việc... Ngày nào cũng có một cuộc họp lúc 9h sáng với sự tham dự của Tổng thống Ashraf Ghani, Cố vấn An ninh Quốc gia Hamdullah Muhib, Chánh Văn phòng tổng thống Matin Beg và những quan chức cấp cao khác".

"Tại cuộc họp ngày hôm đó, các nhà lãnh đạo đã quyết định lập tức triệu tập tất cả các thành viên nội các về họp khẩn để tìm cách giải quyết và ngăn chặn tình trạng hoảng loạn, hoang mang, hỗn loạn ở Kabul", 8AM.AF dẫn lời quan chức này cho biết.

Ngay sau đó, có thông tin cho hay: Khoảng 50% thành viên nội các hoặc không có mặt ở Kabul hoặc sống ở nước ngoài. Đồng thời, có tin ông Amrullah Saleh, phó Tổng thống thứ nhất, đã đến Panjshir – thành trì của quân kháng chiến chống Taliban – 2 ngày trước và vẫn chưa trở về.

Cố vấn cấp cao về hòa bình của Tổng thống Ghani, Salam Rahimi, liền liên lạc với đại diện Taliban và ông Zalmay Khalilzad - đặc phái viên Mỹ về hòa giải Afghanistan, lúc đó đang ở Doha, Qatar, để kêu gọi họ không cho phép Taliban tiến vào Kabul.

Sau một vài phút trò chuyện, ông Rahimi quay lại thông báo: "Taliban sẽ không vào Kabul. Họ yêu cầu chúng ta rời đi bằng trực thăng".

"Tất cả chúng tôi vội vã lên 4 chiếc trực thăng đang chờ sẵn trong khuôn viên Phủ Tổng thống. Trái với dự đoán, những chiếc trực thăng này không đến Bộ Quốc phòng mà thay vào đó là bay thẳng về phía Bắc của đất nước", ra khỏi biên giới - nguồn tin nói.

 31 giờ trước họng súng, bị 200 lính bao vây: Cuộc tháo chạy cam go của cựu TT Afghanistan cùng hàng trăm triệu đô - Ảnh 1.

Một số quan chức cấp cao, trong đó có Hanif Atmar, Matin Beg và Salam Rahimi tại sân bay Quốc tế Kabul đang tìm cách rời Afghanistan sau ngày 15/8. Ảnh: 8am.af

Nguồn tin của 8AM.AF cho biết, Tổng thống Ghani đã lên kế hoạch rời đi từ trước ngày 15/8.

Quan chức này kể lại, "các phi công đã liên lạc với các quan chức để xin hạ cánh khẩn cấp xuống lãnh thổ nước này. Phía Tajikistan đã không phản hồi ... Tại thời điểm đó, họ đã quyết định đến... Uzbekistan".

31 giờ chờ đợi dài nhất và đau đớn nhất

Trong khi đó, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ nhật báo Hashte Subh cho biết, ngay sát trước giờ Taliban tiến vào Kabul ngày 15/8, Tổng thống Ghani cùng một số cố vấn và vệ sĩ nhanh chóng rời thủ đô bằng máy bay trực thăng khẩn cấp, vốn dành riêng cho việc sơ tán tổng thống và những quan chức thân cận vòng trong của ông trong trường hợp khẩn cấp.

"Suốt nhiều năm nay, do quy định an ninh đặc biệt, 4 trực thăng luôn sẵn sàng cất cánh bất cứ lúc nào, bất kể đâu, từ sân bay Kabul hay Phủ Tổng thống", nguồn tin giấu tên trên nói.

Sau khi phía Tajikistan không phản hồi, họ quyết định đáp xuống sân bay Termez ở Uzbekistan gần biên giới hai nước mặc dù không liên lạc được với phía Uzbekistan để xin phép hạ cánh, bởi các trực thăng sắp hết nhiên liệu.

Trong số 54 người trên 4 chiếc trực thăng đã đáp xuống sân bay Termez của Uzbekistan lúc đó, 22 người là phi công, phi công phụ và kỹ thuật viên của Lực lượng Không quân, 22 người còn lại là vệ sĩ của tổng thống và không ai trong số họ có hộ chiếu, nguồn tin cho biết.

Khi máy bay hạ cánh xuống Termez, ông Ghani cùng với vợ Rula Ghani; Cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib và cựu Chánh văn phòng Tổng thống Fazl Mahmoud Fazli và những người khác, đã phải ở sân bay 31 giờ, trong vòng vây giám sát chặt chẽ của hơn 200 binh sĩ người Uzbekistan. Họ dường như "sẵn sàng nổ súng" nếu cần thiết.

Vị quan chức cho hay, phía Uzbekistan rất khó chịu với "sự xâm nhập chưa xin phép này" và không cho phép ông Ghani ở lại lâu. Sau đó cả đoàn tùy tùng phải rời đến UAE trên một chiếc máy bay được thuê riêng.

"Vào khoảng tối ngày 16/8, sau 31 giờ bất định, một chiếc máy bay nhỏ màu trắng không nhãn hiệu đã đáp xuống sân bay Termez. Họ (tổng thống và những người đi cùng) là những người đầu tiên lên chiếc máy bay có 60 chỗ ngồi này. Sau đó chúng tôi cũng lên máy bay với những cái bụng đói meo, khát khô cổ, người xơ xác, đầu bù tóc rối", nguồn tin nói.

Người này kể rằng, "bên trong máy bay có vẻ bình thường và không có cabin đặc biệt cho tổng thống và các quan chức khác. Họ ngồi ở hàng ghế gần buồng lái, còn chúng tôi di chuyển ra hàng ghế sau. Không ai nói gì và chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Vài phút sau, máy bay cất cánh và họ thông báo rằng chúng tôi sẽ đến UAE. Bên trong máy bay, lần đầu tiên sau 31 giờ, chúng tôi được uống nước và ăn lót dạ".

"Đó là 31 giờ chờ đợi dài nhất và đau đớn nhất đời tôi", người này nói thêm. Theo lời của những người ở đó, binh sĩ Uzbekistan rõ ràng coi họ là những kẻ đào tẩu hèn nhát.

Trong bài đăng chi tiết hành trình, 8am.af có lưu ý tới thông tin mà Đại sứ quán Nga tại Afghanistan đã tiết lộ trước đó, rằng ông Ashraf Ghani cùng đoàn tùy tùng đã chuyển 169 triệu USD khỏi Afghanistan.

Không ai gặp lại tổng thống sau khi đến UAE

Nhật báo Hashte Subh trích dẫn thông tin trên trang theo dõi bay Flight Radar cho biết, chiếc máy bay của Hãng hàng không Kazakhstan FlyJet mang số hiệu FJK-1255 đã cất cánh từ sân bay Termez đến thủ đô Abu Dhabi của UAE vào lúc 23 giờ (giờ địa phương) vào ngày 16/8. Trên máy bay chính thức có Tổng thống Ghani và 53 người đi cùng.

"Sau hơn 3 giờ đồng hồ, máy bay hạ cánh xuống sân bay Abu Dhabi. Ngay khi cửa máy bay mở ra, một số người đàn ông Ả Rập đã tiếp cận chúng tôi và sau khi chào ông Ashraf Ghani và Hamdullah Muhib, họ đã đưa một số quan chức và một số phụ tá thân cận Afghanistan đi, một cách rất tôn trọng", nguồn tin cho biết thêm.

Theo lời nguồn tin, sau giây phút này, ông không còn thấy cựu Tổng thống Afghanistan nữa.

"Từ lúc ông Ashraf Ghani rời sân bay, tôi không thấy ông ấy hay các quan chức khác. Sáng 17/8, một số quan chức UAE đã đến thăm chúng tôi và hỏi chúng tôi dự định sẽ đi đâu. Họ nói rằng chúng tôi không thể ở lại UAE", nguồn tin trong cuộc này cho biết.

Một số người trong đoàn tùy tùng, đồng hành, bao gồm các phi công và kỹ thuật viên trực thăng quân sự, vốn không có giấy tờ nhân thân nào khác ngoài ID quân đội được lực lượng Mỹ chuyển đến một trong những trại tị nạn dành cho công dân Afghanistan ở Abu Dhabi. "Những người khác mỗi người đi theo con đường riêng của họ", ông này nói.

Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM