3 mẹo tiết kiệm tiền được Warren Buffett tiết lộ, trùng với nhiều tỷ phú thế giới – Điều số 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng áp dụng
Đây là những cách tiết kiệm tiền hiệu quả mà ai cũng nên học hỏi!
Warren Buffett là một tỷ phú, nhà đầu tư và doanh nhân người Mỹ. Ông tham gia thị trường chứng khoán từ năm 13 tuổi mặc dù số vốn khi đó của ông không nhiều. Nói về việc tiết kiệm, trong một bài phát biểu với sinh viên đại học, ông Buffett từng nhấn mạnh rằng "sai lầm lớn nhất của một người là không học cách tiết kiệm một cách hợp lý".
Xét về kinh nghiệm quản lý tài chính, Warren Buffett được nhiều người mệnh danh như một bậc thầy đáng để học hỏi. Thành công của ông không chỉ đến từ những quyết định đầu tư thông minh mà còn nhờ thói quen quản lý tài sản ổn định, bền vững và lâu dài.
Thông qua những phương pháp tiết kiệm được Buffett khuyên dùng, mọi người có thể tích góp được một khoản tiền đáng kể và có một cuộc sống ổn định hơn.
1. Không chi tiêu ngay lập tức khi vừa có lương
Để tiết kiệm hiệu quả, điều đầu tiên bạn cần làm là không tiêu tiền ngay sau khi vừa có lương. Điều này có nghĩa là bạn cần học cách kiểm soát chi tiêu và giảm sự lãng phí. Bạn phải luôn có ý thức giảm thiểu việc tiêu dùng những thứ không cần thiết, phân bổ thu nhập hàng tháng theo tỷ lệ. Chẳng hạn ấn định trích ra 10 - 20% lương tháng để tiết kiệm và phần tiền còn lại bạn cũng cần lập kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Ví dụ: Thay vì mỗi ngày đều mua đồ ăn trưa ở bên ngoài, bạn hãy tự làm cơm hộp mang đi làm và giảm thiểu việc chi tiêu không cần thiết cho những đồ xa xỉ phẩm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bớt tiêu tiền cho những loại đồ ăn vặt vừa lãng phí vừa có hại cho sức khỏe,...
2. Lập kế hoạch cho cuộc sống và quản lý chi tiêu hợp lý
Việc quản lý tài chính dài hạn là rất quan trọng giúp bạn có một khoản tiết kiệm dư dả. Bạn phải học cách lập kế hoạch tài chính và chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của mình. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch học tập, chăm sóc y tế,... cho bản thân, phân bổ thu nhập hợp lý và quyết tâm thực hiện những điều này trong thời gian dài.
Chẳng hạn như bạn có thể trích 10% thu nhập được sử dụng để đầu tư cố định vào quỹ và 10% số tiền lương còn lại sử dụng để tiết kiệm.
Đồng thời, bạn phải tiếp tục nâng cao khả năng và giá trị của mình. Khả năng được đề cập ở đây không phải chỉ mỗi khả năng làm việc mà còn là khả năng kiếm tiền giúp bạn trở nên có giá trị hơn. Bằng cách này, bạn sẽ mở rộng thêm nhiều cơ hội thăng tiến và kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai.
3. Học hỏi và xây dựng tư duy lãi kép
Lãi suất kép rất quan trọng trong triết lý đầu tư của Warren Buffett và điều này cũng là "chìa khóa" quan trọng giúp bạn đạt được tự do tài chính. Warren Buffett đã sử dụng khái niệm lợi nhuận dài hạn. Lãi kép là tiền lãi được sinh ra không chỉ từ số tiền ban đầu được đầu tư, mà còn từ tiền lãi của những thời kỳ trước.
Tỷ phú Warren Buffett từng so sánh lãi kép với một quả cầu tuyết được lăn xuống một sườn đồi. Đến lúc tới chân đồi, quả cầu tuyết đó đã trở nên lớn hơn rất nhiều.
"Bí quyết là có một sườn đồi thật dài, tức là hãy bắt đầu từ khi còn rất trẻ hoặc sống thật lâu", ông nói.
Các tỷ phú khác tiết kiệm tiền như thế nào?
Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú có 72,9 tỷ USD khi mới chỉ 37 tuổi. Thế nhưng hình ảnh thường bắt gặp của Mark lại cực kỳ giản dị với áo phông, quần jeans và áo khoác hoodie.
Năm 2020, Mark Zuckerberg bị bắt gặp cùng vợ Priscilla Chan đến một siêu thị giá rẻ Costco ở Mỹ để săn tivi giảm giá. Mặc dù là người ảnh hưởng hàng đầu giới công nghệ nhưng ông vẫn đi lại hằng ngày trên một chiếc xe hơi thông dụng giá tầm trung.
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup dù sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng cũng vẫn có thói quen tiết kiệm. Trong một cuộc phỏng vấn, ông đã đề cập đến việc chưa bao giờ tự thưởng cho mình một món quà vì không có nhiều nhu cầu. Bên cạnh đó, ông cũng không mua máy bay riêng cho bản thân như các đại gia khác vì cho rằng việc mua máy bay sẽ lỗ vì bản thân ít đi nhiều.
Đặc biệt, cũng trong cuộc phỏng vấn đó, khi được phóng viên ngạc nhiên hỏi rằng: "Là tỷ phú đô la, sao ông lại tính toán đến vậy?". Ông Vượng liền thẳng thắn đưa ra quan điểm: "Cái gì đáng thì bao nhiêu cũng đầu tư, nhưng không đáng thì một đồng cũng không tiêu. Giả sử mua máy bay thì tôi sẽ mua máy bay để cho thuê, lâu lâu đi một chuyến. Nó phải trở thành dịch vụ chứ mình không thể lãng phí mua rồi bỏ đó. Nếu làm chỉ để tiêu, chỉ để có cái nọ, cái kia thì tôi phải dừng lâu rồi. Lỡ làm người rồi, không thể sống một cuộc đời phí hoài được".
Tổng hợp