3 lý do khiến người thu nhập thấp khó sở hữu căn nhà đầu tiên
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, Tp.HCM có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ).
Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước chưa có nhà ở; Có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; Có 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; Có khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch và khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.
Một khảo sát khác của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có khoảng 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có đến 65- 94% có nhu cầu thuê mua (mua trả góp dài hạn) nhà ở xã hội.
Như vậy để thấy nhu cầu về chỗ ở của người thu nhập thấp đô thị còn rất lớn. Nhưng, theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, có một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường là nguồn cung nhà ở thương mại vừa túi tiền có giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn và nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Cầu có nhưng không có nguồn cung phù hợp đáp ứng nhu cầu, trong khi những giải pháp hỗ trợ những đối tượng người thu nhập thấp chưa mạnh tay.
Cũng theo HoREA, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng hơn 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, công nhân, lao động, người nhập cư. Trong đó, có 274.622 công nhân, lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Số lượng công nhân ngoại tỉnh là 189.489 người, chiếm 69% tổng số lao động.
Trong một khảo sát về xu hướng mua nhà của các đối tượng có thu nhập thấp, Thạc sĩ Nguyễn Thỵ Hải Ly - nguyên Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng đã chỉ ra: Có 39,3% lựa chọn tạo lập nhà liền thổ ở các quận ven, huyện ngoại thành; Có 17,7% là lao động, người nhập cư, các cặp vợ chồng trẻ lựa chọn ở nhà thuê với mức giá khoảng 1-4 triệu đồng/tháng; Có 43% ở chung nhà với cha mẹ, người thân nhưng đang tích lũy vốn chờ cơ hội mua nhà. Trong đó, điểm đặc sắc nổi bật là khi quyết định mua nhà, thì người thu nhập thấp có thể để dành đến 40-50% thu nhập hàng tháng để chi trả (cao hơn mức bình quân 20-30% của thế giới).
Tuy vậy, người thu nhập thấp đô thị đang phải đối mặt với các rào cản lớn ảnh hưởng đến việc sở hữu căn nhà đầu tiên.
Thứ nhất, thiếu sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại); thiếu nhà ở xã hội; thiếu nhà cho thuê giá thấp.
Thứ hai, giá nhà cao, gấp từ 20-25 lần so với thu nhập bình quân. Trong lúc ở các nước phát triển thì giá nhà chỉ gấp từ 5-7 lần thu nhập bình quân.
Thứ ba, nhà nước chưa có chính sách tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên. Ngoại trừ giai đoạn 2013-2016, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (thực chất đã giải ngân được đến 34.826 tỷ đồng) đã hỗ trợ cho 56.240 người có nhu nhập thấp được vay mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn; Chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 cũng chỉ mới hỗ trợ tín dụng thuê mua nhà được khoảng 1.000 tỷ đồng, trả góp trong 15 năm.
Thời điểm hiện tại, theo HoREA cần nhiều chính sách hỗ trợ “mạnh tay” hơn để nhiều người thu nhập thấp tại đô thị có thể sở hữu được nhà ở, an sinh xã hội.