3 lời "dối trá" nhiều người tự gieo rắc vào tâm trí khiến bản thân quá bận rộn nhưng vẫn sống vô nghĩa

22/06/2023 14:50 PM | Sống

Cho rằng bản thân không thể sống nếu thiếu thứ gì chính là biểu hiện của một tinh thần yếu đuối.

Một nghiên cứu khoa học từng công bố: "Việc lặp đi lặp lại cùng một lời nói dối sẽ khiến chúng ta nghĩ điều đó là sự thật… Điều này thường được gọi là sự thật huyễn hoặc."

Trong thực tế, chúng ta nói dối rất nhiều với bản thân và những người khác mà không hiểu hay suy nghĩ về điều đó. Khi bắt đầu tin vào những lời nói dối, chúng ta cảm thấy đó là sự thật (vì bộ não ghi nhớ mọi thứ dưới dạng cảm giác). Chúng ta đã vô thức buộc bộ não của mình nói dối.

Do thực tế tâm lý này, chúng ta liên tục nói dối một cách vô thức, và một số lời nói dối đang thực sự trở thành sự thật. Để rồi hầu hết những căng thẳng tinh thần và các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta đều bắt nguồn từ những lời nói dối này.

3 lời "dối trá" nhiều người tự gieo rắc vào tâm trí khiến bản thân quá bận rộn nhưng vẫn sống vô nghĩa - Ảnh 1.

Lời nói dối 1: "Tôi đang bận"

Bất cứ khi nào ai đó yêu cầu điều gì, điều đầu tiên mà nhiều người sẽ nói là: "Tôi đang bận." Nhưng sự thật là chúng ta không bao giờ bận rộn đến thế. Vấn đề nằm ở sự ưu tiên.

Trong thâm tâm, chúng ta cảm thấy rằng người đó không đủ quan trọng để mình phải giúp đỡ. Và thế là chúng ta bịa ra lí do này.

Giả sử con bạn xin đưa đi dã ngoại. Bạn không bận gì, nhưng không muốn ra ngoài. Vì vậy, bạn nói dối rằng bố/mẹ bận lắm. Trong khi đó, nếu đồng nghiệp hoặc sếp tổ chức một bữa tiệc tối và có lời mời, bạn sẽ cảm thấy mình có nghĩa vụ phải tham dự, thế là bạn chấp nhận.

Đối với một số người, chúng ta sẽ bận rộn, trong khi đối với những người khác, chúng ta sẽ không bao giờ bận rộn.

3 lời "dối trá" nhiều người tự gieo rắc vào tâm trí khiến bản thân quá bận rộn nhưng vẫn sống vô nghĩa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Chính việc lạm dụng lời nói dối này sẽ dần trở nên thật đến mức bộ não của chúng ta tự trở nên bận rộn một cách không cần thiết. Lúc nào chúng ta cũng sẽ phải nghĩ về điều này hay điều kia. Bộ não lúc nào cũng sẽ tự hỏi: "Bây giờ, mình có thể làm gì đây?"

Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rằng hầu hết những suy nghĩ đó đều là những suy nghĩ phí hoài (chẳng hạn như sự sợ hãi, ký ức, tưởng tượng, lo lắng về quá khứ, tương lai...). Và khi bận rộn suy nghĩ quá nhiều, chúng ta mất năng lượng tinh thần.

Bạn sẽ không thể hoàn thành ngay cả nhiệm vụ nhỏ nhất trong khung thời gian đã lên lịch. Lời nói dối này đã in sâu vào não bộ đến mức chúng ta luôn muốn bận rộn với những thứ gây phân tâm như điện thoại, phim ảnh... Và những thứ gây phân tâm này đang khiến chúng ta mệt mỏi.

Vậy thay vào đó, bạn có thể làm gì?

Bất cứ khi nào muốn nói dối, chúng ta phải tự hỏi: "Tôi quá bận rộn để làm gì? Nếu thực sự là như vậy, tôi có cần thay đổi điều gì đó trong thói quen của mình không?

Bằng cách trả lời câu hỏi trên, chúng ta có thể tự nhìn lại bản thân để sắp xếp các ưu tiên và kiểm tra xem chúng ta có đang đi đúng hướng hay không. Dần dần, chúng ta sẽ có thể xóa bỏ lời nói dối này khỏi tâm trí.

Lời nói dối thứ 2: "Tôi không biết mình nên làm gì"

Không ai giống ai. Mỗi người đều có khả năng và tính cách khác nhau. Một số có thể chạy nhanh, trong khi một số có thể nhảy cao. Mọi người đều là duy nhất.

Tuy nhiên, chúng ta không xác định được điểm mạnh của mình. Ngay cả khi có xác định được đi nữa, thì chúng ta cũng sợ làm việc theo thế mạnh của mình. Chúng ta sợ hậu quả.

3 lời "dối trá" nhiều người tự gieo rắc vào tâm trí khiến bản thân quá bận rộn nhưng vẫn sống vô nghĩa - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, chúng ta bị cuốn vào cái gọi là "cái bẫy so sánh" và "những gì người khác nghĩ". Và do tâm lý yếu đuối này, chúng ta dựa vào người khác để được chấp thuận.

Warren Buffet đã trích dẫn một câu rất hay trong một cuộc phỏng vấn của ông:

"Rủi ro đến từ việc bạn không biết mình đang làm gì."

Nếu chúng ta không mạo hiểm bất cứ điều gì, cuộc sống sẽ không còn niềm vui, chỉ còn lại sự nhạt nhòa và buồn tẻ. Lời nói dối này khiến chúng ta ngày càng phụ thuộc vào người khác hơn bao giờ hết vì nó giúp chúng ta trốn tránh gánh vác bất kỳ trách nhiệm cá nhân nào.

Vậy thay vì như thế, bạn có thể làm gì:

Hãy ngừng suy nghĩ về những gì người khác có thể nghĩ về mình. Cuộc sống là của bạn, và không ai sống thay bạn. Bạn luôn chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

Đừng bao giờ sử dụng lời nói dối này. Bởi vì mỗi khi chúng ta sử dụng nó, tâm trí lại trở nên yếu ớt và lười biếng, khiến chúng ta chẳng thể làm điều gì đó sáng tạo và thú vị.

Lời nói dối 3: "Tôi không thể sống thiếu A"

Rất nhiều người đang lạm dụng lời nói dối này

Sự phụ thuộc vốn dĩ không có hại. Nhưng sự phụ thuộc quá mức sẽ làm hỏng niềm vui của một mối quan hệ.

Nhiều cặp vợ chồng trở nên phụ thuộc vào nhau đến mức thậm chí không thể tự mình làm công việc hàng ngày. Từ việc tìm khăn tắm đến tất, chọn quần áo để mặc cho đến quyết định nấu món gì, họ phụ thuộc vào nhau trong mọi việc.

Đây không phải là một thói quen độc hại sao?

Khi còn nhỏ, chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ. Sau đó, khi lớn hơn, chúng ta tiếp tục phụ thuộc vào giáo viên, bạn bè, công việc, v.v. Sự phụ thuộc tiếp tục lan ra mọi khía cạnh của cuộc sống, và nhiều người luôn nghĩ kiểu như:

Tôi không thể sống thiếu điện thoại.

Tôi không thể sống nếu không có cà phê buổi sáng.

Tôi không thể sống thiếu Instagram, TikTok, v.v.

3 lời "dối trá" nhiều người tự gieo rắc vào tâm trí khiến bản thân quá bận rộn nhưng vẫn sống vô nghĩa - Ảnh 4.

Chúng ta đã trở nên mong manh về mặt tinh thần đến mức thậm chí không thể rời chiếc smartphone quá 1 tiếng đồng hồ.

Vậy thay vào đó, bạn có thể làm gì:

Không ai, không thứ gì đi cùng chúng ta đến cõi vĩnh hằng. Cần khắc sâu sự thật này vào não. Nhờ thế, những lời nói dối kiểu này sẽ dần biến mất.

Thứ hai, nếu chúng ta không học cách sống thiếu ai /thứ gì, thì thời gian sẽ dạy chúng ta làm như vậy.

Hãy nhớ rằng những thứ duy nhất chúng ta không thể sống thiếu là không khí, nước và thức ăn. Những thứ khác đều không quan trọng bằng.

Lời kết

Sách vở và phim ảnh dạy chúng ta rằng lời nói dối có lợi khi chúng không ích kỷ. Nhưng có những lời nói dối lặp đi lặp lại hằn sâu trong não và ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta?

Lời nói dối không xấu cho đến khi chúng làm hại chúng ta hoặc những người khác. Nhưng thời điểm chúng bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến chúng ta hoặc những người khác, chúng ta cần ngay lập tức thay đổi.

Hãy luôn cẩn thận với những gì chúng ta nói. Ai biết được tâm trí có thể chọn lựa và biến những gì thành hiện thực.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM