3 loại cây "sinh vượng khí", hấp thu độc tố, 2/3 cây có thể làm thuốc: Ngày Tết nhà nào cũng nên có 1 cây

13/01/2024 17:20 PM | Sống

Không chỉ có ý nghĩa về mặt phong thuỷ, mang tới tài lộc, "vượng khí" mà 2 trong số 3 loại cây này còn được dùng làm thuốc.

Cây thường xuân

Cây thường xuân là loại cây dây leo thường dùng làm cảnh mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp, tượng trưng cho sự tài lộc, sinh sôi nảy nở và may mắn, có khả năng sinh vượng dương khí, từ đó mang đến bình an và thịnh vượng cho gia chủ.

Ngoài ra, theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), loại cây này còn có tác dụng thanh lọc không khí, giúp loại bỏ formaldehyde, hấp thu các chất có hại như: benzen, phenol, nicotine,…

Bác sĩ Vũ cho biết trong Y học cổ truyền, lá thường xuân có tác dụng khu phong, trừ thấp, bổ phế, chỉ khái, bình suyễn, hoạt huyết, mát gan, giải độc. Lá thường xuân thường được dùng trong nhiều bài thuốc có các tác dụng như: giảm ho, chống viêm và chống oxy hóa, hỗ trợ chăm sóc da, giúp giải độc thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố.

Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng, thông tin về sự an toàn của cây thường xuân còn ít, do đó nên thận trọng khi sử dụng. Phụ nữ có thai và cho con bú nếu muốn dùng lá cây thường xuân cần thận trọng và phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

3 loại cây "sinh vượng khí", hấp thu độc tố, 2/3 cây có thể làm thuốc: Ngày Tết nhà nào cũng nên có 1 cây - Ảnh 1.

Cây thường xuân. (Ảnh minh hoạ)

Cây quất

Cây quất tượng trưng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy trong gia đình. Do vậy, cây quất thường được trưng trong nhà vào các dịp Tết.

Bác sĩ Vũ cho hay, ngoài mang ý nghĩa tốt đẹp, cây quất còn giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Quả quất ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, vỏ có chất dầu cay thơm. Mùi hương của tinh dầu từ cây quất giúp không khí dễ chịu, xua đuổi muỗi và côn trùng.

Trong y học cổ truyền, quất có vị cay ngọt, hơi chua, tính ấm, giúp tan đờm, giảm ho, điều hòa khí, kiện tỳ. Ăn quất với lượng đường phèn hợp lý có thể chữa ho hen do phong hàn ở người già; Quất tươi ăn liền 10 quả lúc đói chữa đau chướng bụng. Quất ướp đường ăn có tác dụng khai vị, điều hòa khí…

Cây phát tài phát lộc

Đây là cây phong thuỷ, có ý nghĩa mang đến tài lộc, may mắn và là biểu tượng của sự thành công. Theo phong thủy, số lượng cây phát tài phát lộc được trồng trong một chậu sẽ mang ý nghĩa may mắn khác nhau.

Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ cho biết, cây phát tài phát lộc còn có tác dụng thanh lọc không khí trong gia đình, hấp thụ cacbonic và sản sinh ra oxy. Đặt cây trong nhà sẽ giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, kháng khuẩn hiệu quả.

Tuy nhiên, bác sĩ Vũ lưu ý, cây phát tài phát lộc có chứa nhiều tinh thể canxi oxalat. Khi ăn nhầm hoặc chạm phải dịch cây tiết ra có thể ảnh hưởng tới niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt. Do vậy, nhà có trẻ nhỏ khi trưng loại cây này nên để trên cao, tránh xa tầm với của trẻ em.

Ngọc Minh

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM