3 khoản đầu tư giá trị gần 2 tỷ USD của SK Group vào Vingroup và Masan, rót vốn vào VinCommerce tới 2 lần

07/04/2021 20:50 PM | Kinh doanh

Có thể tính SK Group đã đầu tư vào VinCommerce hai lần; lần đầu gián tiếp thông qua 1 tỷ USD vào Vingroup năm 2019, và mới nhất trực tiếp 410 triệu USD đổi lấy 16,26% cổ phần.

SK Group vừa công bố khoản đầu tư 410 triệu USD đổi lấy 16,26% cổ phần trong Công ty VCM, đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ hiện đại VinCommerce. Giao dịch tương đương định giá VCM khoảng 2,5 tỷ USD.

Tập đoàn Hàn Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào việc VinCommerce có thể phát triển thành công ty "đa kênh" như Alibaba hay Amazon, kết hợp bán lẻ online và offline.

Trong khi phía Masan có được nguồn tiền lớn để củng cố bảng cân đối kế toán và tăng vốn cho các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.

Theo báo chí Hàn Quốc, đây là một phần của thỏa thuận nói rằng SK Group được quyền ưu tiên đầu tư vào các mảng kinh doanh mới của Masan Group.

SK Group thực tế đã là cổ đông lớn của Masan. Tháng 10/2018, SK Group chi 450 triệu USD mua lại 9,5% cổ phần Masan, qua đó đưa mối quan hệ hai bên lên hợp tác chiến lược.

Thời điểm đó, Masan đã phát hành 109,9 triệu cổ phiếu quỹ với giá 100.000 đồng mỗi đơn vị cho SK Investment Vina I (quỹ đầu tư thuộc SK Group). Thỏa thuận cấp cho SK một quyền chọn bán.

Trong trường hợp Masan và SK không thực hiện được việc tạo ra giá trị và sự cộng hưởng từ mối quan hệ đối tác này hoặc SK không đồng ý với các định hướng chiến lược của Masan, tập đoàn Hàn Quốc có một quyền chọn không thể hủy ngang để yêu cầu Masan mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành cho SK với giá mỗi cổ phiếu là 100.000 đồng. Giá này sẽ trừ đi các khoản cổ tức và phân phối khác mà Masan đã trả và sẽ được điều chỉnh trong trường hợp phát sinh suy giảm.

Quyền chọn này sẽ được thực hiện sau năm thứ 5 kể từ ngày phát hành cho SK và trong năm thứ 6, và chỉ có thể được thực hiện một lần với toàn bộ số cổ phiếu trên và sẽ vô hiệu nếu SK bán bất kỳ cổ phiếu nào trong số đó.

Như vậy, khoản đầu tư của SK vào VinCommerce có thể là bước tiến tiếp theo của hợp tác chiến lược SK – Masan bắt đầu từ gần hai năm rưỡi trước.

Doanh thu của VinCommerce đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD năm 2020, tăng 30% so với cùng kỳ sau khi về tay Masan, dù cho số cửa hàng giảm đi 700. Hiệu quả của VinCommerce được cải thiện rõ rệt với EBITDA hòa vốn trong quý 4/2020 và kế hoạch dương trong năm 2021.

Tuy nhiên, SK vẫn có thể mua 16,26% cổ phần VCM với điều kiện giống như khi Masan mua công ty bán lẻ này từ Tập đoàn Vingroup (công ty sáng lập).

Con số 16,26% khiến người ta nhớ lại khoản đầu tư cách đây hơn một năm rưỡi. GIC – quỹ đầu tư thuộc chính phủ Singapore rót 500 triệu USD vào VCM, sau đó ghi nhận sở hữu 16,26% công ty này. Nếu toàn bộ giao dịch là đầu tư vốn cổ phần, định giá VCM sau khoản đầu tư là 3,08 tỷ USD, trước khoản đầu tư là 2,58 tỷ USD.

Nhưng sau nửa năm, đăng ký kinh doanh của VCM không còn sự xuất hiện của nhóm cổ đông ngoại liên quan đến GIC khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi liệu tổ chức này đã thoái vốn?

Quay trở lại với khoản đầu tư của SK Group vào VinCommerce, đây không phải là lần đầu hai đơn vị này có mối liên hệ.

Tháng 5/2019, SK Group đã gián tiếp rót vốn vào VinCommerce thông qua khoản đầu tư 1 tỷ USD cho 6,1% cổ phần Tập đoàn Vingroup. Vingroup bấy giờ vẫn là công ty mẹ của VinCommerce và chưa có dấu hiệu nào cho thấy động thái sẽ thoái vốn khỏi nhiều mảng kinh doanh để tập trung cho công nghiệp – công nghệ.

Như vậy, tính đến nay, SK Group đã đầu tư tổng cộng gần 2 tỷ USD vào hai tập đoàn hàng đầu của Việt Nam là Vingroup và Masan. Với riêng VinCommerce, cũng có thể tính là SK đã đầu tư hai lần.

3 khoản đầu tư giá trị gần 2 tỷ USD của SK Group vào Vingroup và Masan, rót vốn vào VinCommerce tới 2 lần  - Ảnh 1.

Khoản đầu tư của SK Group vào hai tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam

Ý tưởng đầu tư vào khu vực Đông Nam Á giàu triển vọng đã được các thành viên của SK Group nhen nhóm từ năm 2018. Trong năm này, 5 công ty con của tập đoàn Hàn Quốc gồm SK Holdings, SK Innovation, SK Telecom, SK Hynix và SK E&S cùng nhau thành lập một pháp nhân chung là SK South East Asia Investment, đặt trụ sở tại Singapore.

Mỗi công ty thành viên góp vào 100 triệu USD cấu thành quy mô vốn 500 triệu USD đề đầu tư vào Đông Nam Á. Như đã thấy, phần lớn số tiền đã được đổ vào thị trường Việt Nam.

Các thành viên của SK Group thực hiện nhiều thương vụ đầu tư vào mua cổ phần tại Việt Nam trong những năm gần đây. SK đã rót 30 triệu USD vào Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC), đầu tư mua 24,9% cổ phần công ty dược Imexpharm, mua 5,2% cổ phần tại PV Oil…

Theo Bạch Mộc

Cùng chuyên mục
XEM