3 điều ước của CEO Nguyễn Trung Tín có thể nói với bố mẹ khi nhận quyền lực kinh doanh của gia đình

23/07/2020 07:02 AM | Kinh doanh

Chuyển giao cho thế hệ kế nghiệp đang là chuyện cấp thiết để duy trì và phát triển doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, những thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi đóng góp cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác gần 50% GDP cả nước.

Chuyển giao cho thế hệ kế nghiệp đang là chuyện cấp thiết để duy trì và phát triển doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong tổng số 750.000 doanh nghiệp của cả nước, có tới 76% là doanh nghiệp tư nhân. Khu vực này đang đóng góp 43% GDP của cả nước. Trong đó, chỉ riêng 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất đã đóng góp 25% GDP.

Từ những con số trên, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định tại hội thảo "Quản trị doanh nghiệp gia đình" do Tạp chí Nhà quản trị phối hợp với GIBC Group tổ chức rằng, kinh tế tư nhân nói chung, khối doanh nghiệp gia đình nói riêng đang là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.

Dù có vị thế quan trọng, nhưng doanh nghiệp gia đình hiện gặp không ít thách thức, nhất là vấn đề chuyển giao thế hệ kế cận. Theo ông Phạm Phú Trường, Tổng giám đốc GIBC, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM, đa phần doanh nghiệp gia đình Việt Nam có lịch sử hình thành khá muộn so với mô hình này trên thế giới, với quá trình phát triển doanh nghiệp trung bình dưới 30 năm.

3 điều ước của CEO Nguyễn Trung Tín có thể nói với bố mẹ khi nhận quyền lực kinh doanh của gia đình - Ảnh 1.

Chính vì vậy, trong khi các doanh nghiệp gia đình lớn trên thế giới đã qua nhiều đời thừa kế thì doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang đứng trước bài toán chuyển giao cho thế hệ thứ 2, một số ở giai đoạn chuyển giao cho thế hệ thứ 3. Đồng thời, đối mặt với thách thức tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp để nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh hướng đến mô hình doanh nghiệp đại chúng và mở rộng hợp tác quốc tế.

Ông Trường cũng cho biết, do thiếu sự trao đổi thông tin và niềm tin là nguyên nhân của 60% doanh nghiệp gia đình chuyển giao không thành công, 25% do thiếu sự chuẩn bị và kế hoạch, 15% do quyết định về tài chính kém, tư vấn về pháp lý không tốt.

Là thế hệ F2, được nhận chuyển giao lại từ sớm và được thế hệ trước rất tin tưởng, Tổng giám đốc tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding), chuyên kinh doanh về bất động sản Nguyễn Trung Tin từng chia sẻ kinh nghiệm làm sao để công việc chuyển giao này được hiệu quả. Chia sẻ trên tạp chí Forbes, Trung Tín cho biết anh có 3 điều gửi gắm:

Tôi ước có 3 điều ước có thể quay lại và tư vấn cho thế hệ 1 phải chuyển giao thế nào. Một là, cần xác định rõ vì sao lại chuyển giao. Chuyển giao vì đơn giản để thế hệ sau phát triển lớn mạnh hơn nữa, hay họ chuyển giao vì muốn về hưu. Đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Khi chuyển giao, phải xác định muốn chuyển giao người bên trong hay bên ngoài và phải đánh giá con cháu có tiềm lực, đam mê gì, có phù hợp với tổ chức doanh nghiệp hiện hành hay không. Nếu không, dù họ có giỏi thì việc chuyển giao chưa chắc phù hợp.

Thứ hai, sẽ chuyển giao từng phần, theo từng giai đoạn. Khi chuyển giao, trao quyền rồi, hãy cho họ cơ hội thử thách, quyền phạm sai lầm trong công việc, được bảo vệ những quyết định đó trước hội đồng quản trị và cơ hội sửa sai.

Cuối cùng, sau khi chứng kiến quá trình chuyển giao, cần xem và đánh giá lại với thế hệ kế thừa các điểm tốt và chưa tốt, cũng như đưa ra kiến giải. Từ đó tiếp tục triển khai thêm. Nếu không tốt, có các mâu thuẫn xảy ra, phải cân nhắc liệu việc chuyển giao này có phù hợp hay không.

Là con trai cả của vợ chồng nhà sáng lập Dương Thanh Thủy, nhưng Trung Tín không nghiễm nhiên ngồi vào vị trí cao ở tập đoàn. Sau khi tốt nghiệp đại học Melbourne, Úc và về nước năm 2011, chàng trai trẻ bắt đầu sự nghiệp ở vị trí nhân viên marketing tập sự tại tập đoàn của gia đình. Sau một thời gian, anh tự khởi nghiệp thành công với các nhà hàng và quán bar.

Năm 2015, Nguyễn Trung Tín đã được tạp chí danh tiếng Forbes Việt Nam chọn là gương mặt trẻ nổi bật dưới 30 tuổi (30 Under 30). Cuối năm 2015, anh thành lập Dreamplex, không gian làm việc chung, hay còn gọi là mô hình co-working space. Dreamplex cũng chính là nơi được tổng thống Mỹ Barack Obama lựa chọn là địa điểm gặp gỡ và giao lưu với hơn 300 bạn trẻ vào năm 2016.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM