3 điểm yếu chính khiến kinh tế vùng duyên hải miền Trung chưa thể cất cánh

26/09/2017 13:44 PM | Kinh tế vĩ mô

"Vùng Duyên hải miền Trung", gồm 9 tỉnh, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận với nhiều cảng biển là lợi thế tự nhiên hầu như "tuyệt đối" của Vùng Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên các lợi thế đó vẫn chưa được phát huy hiệu quả.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2 năm 2017, không có Vùng Kinh tế Trọng điểm nào có tiềm năng và lợi thế Cảng biển và Khu Kinh tế ven biển lớn như vậy. Cảng biển và bờ biển tạo cho Vùng tiềm năng phát triển công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải. Nhiều cảng biển tốt là lợi thế tự nhiên hầu như "tuyệt đối" của Vùng Duyên hải miền Trung.

Vùng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước) và di sản thế giới: Trung Bộ chiếm 6/7 di sản thế giới tại Việt Nam. Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn cùng với các bãi biển đẹp– Lăng Cô, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang - là những tài nguyên du lịch hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, mặc dù các tỉnh đều nỗ lực tối đa để tận dụng lợi thế của mình, cho đến nay, vì nhiều lý do, các lợi thế đó vẫn chưa được phát huy hiệu quả.

Tổng thể thực lực yếu

Xét thực chất cấu trúc các nguồn lực và điều kiện phát triển, cũng như xét tổng thể thực lực phát triển, Vùng Duyên hải miền Trung yếu hơn hẳn các Vùng Kinh tế Trọng điểm khác. Nguyên nhân là do Vùng còn thiếu nhiều điều kiện nền tảng hoặc yếu kém hơn trong một số khâu quyết định. Đó là sự thiếu thốn hạ tầng kinh tế, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin – viễn thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng đô thị, là nguồn nhân lực chất lượng thấp. Đó là chưa kể đến một điểm yếu khác, có thể coi là "xung yếu nhất" của Vùng: "hậu phương công nghiệp" kém phát triển.

Cả 9 tỉnh, dù có rất nhiều Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp, trừ một vài tọa độ công nghiệp tương đối phát triển – như Trường Hải ở Chu Lai và Lọc hóa dầu Bình Sơn ở Dung Quất, có thể nói cả Vùng chưa có hậu phương công nghiệp đúng nghĩa. Sự dày đặc các Khu Kinh tế ven biển và các Khu Công nghiệp của Vùng không phải là một chỉ báo chứng tỏ Vùng đã có một "hậu phương công nghiệp" mạnh.

Không có "hậu phương công nghiệp" và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn và cản trở phát triển, thậm chí còn gây hiệu ứng "cạnh tranh cùng xuống đáy" giữa các tỉnh trong Vùng.

Kéo theo đó là một vòng luẩn quẩn phát triển đang hình thành ở Vùng Kinh tế nhiều lợi thế và tiềm năng này: Càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh " cùng xuống đáy" giữ các tỉnh lại càng khốc liệt.

"Đó thực sự là một nguy cơ phát triển không nhỏ của Vùng, cần được đặt ra một cách thẳng thắn, phải được mổ xẻ nghiêm túc", TS Thiên nhấn mạnh trong bài tham luận của mình.

3 điểm yếu chính khiến kinh tế vùng duyên hải miền Trung chưa thể cất cánh - Ảnh 1.

Thiếu những năng lực cốt lõi

Trên thực tế, Duyên hải miền Trung đang rất thiếu những năng lực cốt lõi – từ tầm nhìn cho đến các điều kiện bảo đảm về tài chính, hạ tầng nhân lực, công nghệ và thị trường - để giải quyết bài toán này. Các lợi thế và điều kiện phát triển căn bản của Vùng trong điều kiện hội nhập – mở cửa – ví dụ như cảng biển hay tài nguyên du lịch - vẫn chưa được phát huy.

Các địa phương vẫn đang "loay hoay" với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh nào cũng đặt mục tiêu "sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại" nhưng chân dung cơ cấu rất ‘nhòe", không rõ "cơ cấu kinh tế hiện đại" cụ thể của địa phương mình là gì, càng không rõ cơ cấu kinh tế hiện đại của cả Vùng là thế nào; do đó, cũng không rõ ai sẽ là người đóng vai trò chính làm ra chân dung đó và bằng cách nào.

Những bước tiến thực tế về kinh tế - xã hội mà các tỉnh miền Trung đạt được trong giai đoạn vừa qua là đáng kể, nhưng chưa xứng với tiềm năng và với yêu cầu phát triển, đặc biệt là yêu cầu đáp ứng cạnh tranh – hội nhập quốc tế. Các kết quả mà từng tỉnh đạt được, dù có đáng tự hào đến bao nhiêu vẫn chưa làm thay đổi thực chất mô hình và "đẳng cấp" phát triển của nền kinh tế, chưa bảo đảm tính vững chắc, chưa dựa trên nền tảng của sự liên kết Vùng trong khi thực lực của các địa phương, doanh nghiệp trong Vùng hãy còn yếu kém.

Xét theo quy mô, tổng GRDP của 9 tỉnh, thành phố trong Vùng năm 2016 đạt 465,7 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. Chiếm 15% diện tích và 11,2% dân số cả nước nhưng chỉ sản xuất 10,3% GDP, nghĩa là mức GRDP bình quân đầu người của Vùng còn thấp, xấp xỉ 44,8 triệu đồng/người, thấp hơn mức trung bình – vốn cũng còn khá thấp – của cả nước (48,6 triệu đồng/người).

Tương ứng, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 là 2,673 triệu đồng, bằng 87,6% bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du miền núi phía Bắc (66,7%) và Tây Nguyên (84,0%).

Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho thấy trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoại trừ ba tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận hầu hết các tỉnh đều có tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2016 đạt trên 7%. Do đặc điểm về địa hình, thủy văn, các tỉnh duyên hải miền Trung thường xuyên chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, bị tổn thất nặng nề nhất so với các địa bàn khác của nước ta.

Đẳng cấp thấp trong cơ cấu kinh tế

Mức thu nhập nêu trên tương xứng với một trình độ - đẳng cấp cơ cấu kinh tế chưa cao, nếu không nói là còn thấp – của các địa phương trong Vùng. Đẳng cấp thấp của cơ cấu thể hiện trước hết ở tương quan cơ cấu ngành: công nghiệp – dịch vụ chiếm khoảng 72% GDP, trong đó, dịch vụ chiếm 41,6%, công nghiệp chỉ chiếm hơn 30%, xấp xỉ nông nghiệp – 28%.

Tỷ trọng cao của dịch vụ không tương đương với một cơ cấu kinh tế hiện đại của Vùng mà hàm nghĩa cơ hội phát triển công nghiệp của Vùng thấp; còn việc vẫn duy trì tỷ trọng 28% GDP của nông nghiệp – so với mức chung cả nước là 18% - cũng chứng tỏ việc thoát khỏi khu vực nông nghiệp kém phát triển của vùng là khó khăn hơn các Vùng khác.

Tự các lợi thế phát triển tự nhiên nổi bật của Vùng không đủ mạnh để kéo sự phát triển của khu vực nông nghiệp – nông thôn.

Ít nhất cũng còn hai chỉ báo quan trọng hàng đầu khác - sức hấp dẫn đầu tư vào các Khu Kinh tế và Khu Công nghiệp và thực lực của lực lượng doanh nghiệp của Vùng. Dường như sức hấp dẫn đầu tư công nghiệp của Vùng đang giảm; còn thực lực doanh nghiệp của Vùng còn yếu, chậm được cải thiện. Sự hiện diện còn ít của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhất là các tập đoàn công nghiệp – công nghệ lớn, là một trong những bằng chứng về sự đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển công nghiệp của Vùng.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, dễ nhận thấy rằng yếu tố mấu chốt, khâu quyết định biến tiềm năng, lợi thế to lớn của Vùng thành kết quả phát triển hiện thực (doanh nghiệp, vốn đầu tư, công nghệ) đang thiếu động lực thúc đẩy, thiếu sức hấp dẫn cần có, xứng tầm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM