3 điểm chung cốt lõi trong tư duy lựa chọn cổ phiếu của Warren Buffett của Peter Lynch có thể giúp nhà đầu tư tránh được thua lỗ

24/04/2018 13:36 PM | Kinh doanh

Việc lựa chọn cổ phiếu theo triển vọng tạo giá trị dài hạn giúp nhà đầu tư cá nhân tránh được những thua lỗ đáng tiếc do cố nắm bắt xu hướng thị trường cũng như do dòng tiền đầu cơ. Trong bối cảnh các thị trường giảm điểm hàng loạt như hiện nay, những bài học lịch sử càng trở nên có giá trị.

Cho đến nay, Warren Buffett và Peter Lynch vẫn là hai trong số ít những nhà đầu tư lỗi lạc nhất thế giới. Danh tiếng của họ có được nhờ khả năng lựa chọn những cổ phiếu riêng lẻ nhưng có khả năng mang lại thành tích sinh lời vượt trội thị trường trong nhiều năm liền.

Với Warren Buffett, ông điều hành tập đoàn Berkshire Hathaway với tổng giá trị danh mục cổ phiếu đầu tư lên tới hơn 170 tỷ USD vào cuối năm 2017 . Trong khi đó, Peter Lynch nổi tiếng khi lãnh đạo Fidelity Megallan, một trong những quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới. Trong suốt thời gian ông điều hành (1977 – 1990), tài sản dưới quyền quản lý của quỹ tăng từ 18 triệu USD lên 14 tỷ USD cùng tỷ suất sinh lời hơn 29%/năm, đưa Fidelity từ một quỹ tương hỗ nhỏ không ai chú ý trở thành một trong những quỹ đầu tư chủ động nắm giữ nhiều tài sản nhất toàn cầu.

Khác với những quỹ đầu tư thụ động với chi phí thấp chủ yếu nắm giữ chỉ số chứng khoán hoặc danh mục đầu tư đa dạng, các quỹ đầu tư chủ động (như Fidelity) được điều hành bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp lựa chọn đầu tư tập trung vào một vài công ty nhất định. Vai trò của nhà quản lý quỹ như Warren Buffett hay Peter Lynch trong những quỹ này là vô cùng lớn.

Triết lý đầu tư và khả năng lựa chọn nơi phân bổ vốn của các nhà quản lý quỹ này là yếu tố quyết định tới thành công hay thất bại của quỹ.

Sau đây là 3 điểm chung trong tư duy lựa chọn cổ phiếu của hai bậc thầy đầu tư Warren Buffett và Peter Lynch mà các nhà đầu tư cá nhân có thể học tập.

Một công ty lớn chưa hẳn là công ty tốt

Doanh nghiệp thực sự tốt nếu các nỗ lực của chủ doanh nghiệp và ban quản lý đều nhằm gia tăng các giá trị dài hạn cho khách hàng, nhân viên và cổ đông của mình. Trong dài hạn, giá trị đó thể hiện ở chất lượng sản phẩm dịch vụ đối với khách hàng, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên và cổ tức/sự gia tăng tài sản ròng đối với cổ đông. Bởi thế, những công ty tốt thường tập trung vào hoạt động kinh doanh chính mang lại giá trị gia tăng tốt nhất, đồng thời có hệ thống quản lý vận hành hiệu quả.

Trong khi đó, một số chủ sở hữu và ban quan lý chỉ tập trung vào việc mở rộng quy mô doanh nghiệp thông qua các hoạt động mua bán sáp nhập, hoặc cố gắng gia tăng lợi ích ngắn hạn thông qua thao túng kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu. Việc tập trung vào các lợi ích ngắn hạn hay mở rộng quy mô nhanh chóng khiến công ty buộc phải cắt giảm cổ tức cho cổ đông, thậm chí có thể mất cân đối nguồn vốn trong dài hạn dẫn đến phá sản.

Cả Warren Buffett và Peter Lynch đều không ưa thích những công ty như vậy. Warren Buffett từng nói "Tôi muốn đầu tư vào những doanh nghiệp mà một đứa trẻ con cũng có thể vận hành nó". Trong khi Peter Lynch cho rằng những công ty nhỏ, có lợi thế cạnh tranh vững chắc và ban lãnh đạo có đạo đức mới là cơ hội đầu tư tuyệt vời.

Những công ty có định hướng cổ đông

Cụ thể là những cổ đông nhỏ lẻ. Các cổ đông chi phối một công ty thường có những lợi ích khác gắn với doanh nghiệp, chẳng hạn như thù lao cho hội đồng quản trị hay có thể chủ động thao túng giá cổ phiếu. Do đó, việc ban quản trị chú tâm tới lợi ích của các cổ đông thiểu số thực sự biểu hiện rằng doanh nghiệp đang tập trung vào các giá trị dài hạn.

Trên thực tế, những công ty hướng tới cổ đông của mình sẽ cố gắng gia tăng lợi ích bền vững trên mỗi cổ phần, đồng thời luôn cố gắng để chi trả nhiều nhất cho các cổ đông. Công ty chỉ nên giữ lại lợi nhuận cho hoạt động nghiên cứu phát triển hoặc khi nhu cầu đầu tư là thiết thực, và các cổ đông đều đồng thuận rằng ban quản lý doanh nghiệp có khả năng quản lý số vốn đó một cách hiệu quả.

Peter Lynch và Warren Buffett đặc biệt xem trọng việc doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm cho cổ đông của mình. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm tới cổ đông nhỏ lẻ, nó còn cho thấy doanh nghiệp đang thực sự tạo ra tiền một cách hiệu quả.

Những lĩnh vực kinh doanh tẻ nhạt

Cả hai nhà đầu tư huyền thoại đều đồng thuận rằng, trong những lĩnh vực kinh doanh buồn chán, sự cạnh tranh gần như là không có. Mỗi lĩnh vực như vậy thường chỉ có một hoặc vài doanh nghiệp chia nhau thị phần.

Peter Lynch viết "Tôi thậm chí còn cảm thấy thích thú hơn khi một công ty không những mang một cái tên tẻ nhạt mà còn sản xuất một sản phẩm cũng tẻ nhạt không kém". Trong cuốn sách "Trên đỉnh phố Wall", ông liệt kê hàng loạt những cái tên như vậy. Tất cả đều mang lại cho ông những thành tích tăng trưởng bất ngờ. Chẳng hạn như Seven Oaks International, một công ty chuyên xử lý các cuống vé mà khách hàng mang ra từ cửa hàng bán rau, hay Agent-Ren-A-Car - một đơn vị chuyên cung cấp xe hơi theo hợp đồng.

Rất nhiều công ty mà Warren Buffett đầu tư trong giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp là hoạt động trong những lĩnh vực tăng trưởng chậm hoặc chỉ hoạt động trong một khu vực hẹp. Chẳng hạn, See’s Candy là một công ty chỉ bán vài sản phẩm kẹo cho trẻ em, Buffalo Magazine là một tờ báo ở một thị trấn nhỏ, hay một cửa hàng nội thất chỉ bán tại một địa chỉ duy nhất ở Omaha. Đó đều là những khoản đầu tư mang lại hiệu suất đáng kinh ngạc.

Giá trị là vấn đề cốt lõi

Xuyên suốt tư duy đầu tư của Warren Buffett hay Peter Lynch là lựa chọn những công ty, những mô hình kinh doanh và ban lãnh đạo có khả năng tạo giá trị gia tăng trên mỗi cổ phiếu và mang lại lợi ích cho cổ đông. Trong hệ thống lý luận của họ, ba đặc điểm nói trên là vô cùng nổi bật. Và hơn nữa, đó cũng là những điểm mà nhà đầu tư cá nhân có thể học tập được.

Việc lựa chọn cổ phiếu căn cứ vào triển vọng tạo giá trị dài hạn sẽ giúp nhà đầu tư cá nhân tránh được những thua lỗ đáng tiếc do cố nắm bắt xu hướng thị trường cũng như dòng tiền đầu cơ. Trong bối cảnh thị trường giảm điểm hàng loạt như hiện nay, các bài học lịch sử về lựa chọn cổ phiếu càng trở nên có giá trị.

Warren Buffett từng nói "Những bài học giá trị cần phải được dạy đi dạy lại nhiều lần".

Theo Quang Huân

Cùng chuyên mục
XEM