3 công thức tăng đề kháng cho con cha mẹ cần nhớ
Trẻ nhỏ hay ốm do môi trường xung quanh, do virus vi khuẩn và điều cốt lõi nhất đó là sức đề kháng của trẻ kém. Việc tăng sức đề kháng là cả quá trình dài chứ không chỉ phụ thuộc vào sản phẩm nào.
Nhiều bà mẹ sốt ruột vì con vừa đi học đã ốm và cộng thêm các bệnh về rối loạn tiêu hoá, các thông tin về viêm gan ở trẻ khiến họ đứng ngồi không yên.
Chị Nguyễn Minh Liễu – Hà Đông, Hà Nội than thở con gái 4 tuổi của chị hơn 1 năm ở nhà với gia đình, lăn lê, bò toài đủ kiểu nhưng bé không ốm vặt bao giờ. Sau Tết, cả nhà bị Covid-19, bé cũng chỉ sổ mũi, sốt nhẹ và không biểu hiện gì nhiều.
Từ khi con đi học trở lại thì bé lười ăn và hai lần phải nghỉ học vì sốt. Vài ngày trước, bé bị nôn, tiêu chảy kèm theo mệt mỏi. Vì đang có dịch viêm gan, chị Liễu sợ hãi nên cho con đi khám. May mắn, bé được truyền dịch là ổn.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường – Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, không riêng gì con chị Liễu mà nhiều bà mẹ cũng than thở con ốm nhiều quá.
'BS Cường cho rằng trẻ ở nhà khoẻ, đi học ốm là vì môi trường lớp học đông đúc và phức tạp, trẻ có thể lây nhiễm bệnh từ bạn bè. Lại thêm cái thời tiết lạ lùng giữa hè cũng khiến trẻ dễ ốm hơn. Đặc biệt, nguyên nhân trẻ hay ốm là do sức đề kháng kém, điều này là vấn đề cốt lõi' – BS Cường nhấn mạnh.
Trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện, có nhiều “khoảng trống miễn dịch” cần lấp đầy nên dễ dàng bị các loại virus, vi khuẩn tấn công, gây hàng loạt bệnh vặt: hết sổ mũi, đi ngoài, nôn trớ lại đến ho, sốt… Nhiều trẻ cứ ốm vặt liên miên, tháng nào cũng ốm, luẩn quẩn mệt cả mẹ cả con mà chủ yếu do miễn dịch kém.
Tăng sức đề kháng cho trẻ rất quan trọng cha mẹ cần nhớ. |
Việc chăm sóc con cha mẹ cũng không nên lăm lăm làm thế nào, mua thuốc nào cho con tăng sức đề kháng. BS Cường cho rằng sức đề kháng của con là tổng hòa của nhiều yếu tố, từ “thể chất đến tinh thần”. Trẻ không thể khỏe mạnh khi ngày nào cũng nằm dài xem tivi, điện thoại, trẻ ăn rau, hoa quả thì khó tăng đề kháng.
BS Cường chia sẻ cách để trẻ tăng sức đề kháng cha mẹ cần nhớ:
Thứ nhất: Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh
Bà mẹ nên cho trẻ ăn ít nhất 1 bữa ăn đa dạng, đủ 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột (cơm, cháo, bánh mì, khoai…), chất đạm (thịt bò, gà, lợn, cá, trứng, sữa…), chất béo (dầu ăn, mỡ, các loại hạt…), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ).
Trẻ sơ sinh dưới 24 tháng nên bú sữa mẹ, trong đó cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để nhận được kháng thể, tạo miễn dịch thụ động.
Trẻ trên 6 tháng khuyến khích ăn đủ 5 loại màu sắc theo nguyên tắc ăn dặm và uống thêm sữa công thức hàng ngày.
Trẻ lớn hơn uống nhiều nước, sinh tố, hạn chế uống nước ngọt, nước có ga.
Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước giúp bớt táo bón, bổ sung các bữa phụ đủ đạm, lipid…
Thứ hai: Chế độ sinh hoạt
BS Cường cho rằng cần cho trẻ ngủ đủ, ngủ đúng giờ. Ngủ là thời gian để cơ thể phục hồi và đồng thời giúp trẻ tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể.
Cho trẻ chơi nhiều hơn: nhỏ thì bò, lớn thì đi, lớn nữa thì đạp xe…., miễn là vận động thường xuyên.
Cha mẹ có thể cho trẻ học thêm 1 kỹ năng như: vẽ, ngoại ngữ, nhảy múa ca hát cũng là cách giúp con phát triển tốt về tinh thần
Thứ ba: Tăng đề kháng
Để hệ miễn dịch khỏe cần có các nguyên liệu là những vi khoáng chất cần thiết như vitamin A, vitamin C, vitamin D, sắt, kẽm, selen... Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy, hợp chất Beta-glucan giúp kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng đề kháng, từ đó làm giảm tỷ lệ ốm bệnh ở trẻ.
Các bà mẹ có thể chọn các sản phẩm phù hợp vì không có sản phẩm nào là tốt nhất mà nên chọn sản phẩm phù hợp với con mình.
Để “xây dựng” đề kháng cho con, bác sĩ Cường cho rằng cần 1 quá trình dài, phối hợp nhiều yếu tố từ dinh dưỡng, vận động, ngủ nghỉ, để con khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần chứ không chỉ vài lọ thực phẩm tăng đề kháng là con sẽ khoẻ.