25 tuổi - quá trẻ để "chết" trong văn phòng: Lời kêu gọi của một "con nhà người ta" vứt bỏ hết bằng khen, lương cao, deadline, KPI để lên núi dạy học

26/10/2019 08:13 AM | Sống

'Tôi vui vì mình đã dám từ bỏ và dám theo đuổi. Tôi vui vì tuổi trẻ của mình đã trôi qua trọn vẹn mà không hề hối tiếc, vì tôi đã sống hết mình."

Không phải ai cũng dám từ bỏ công việc mình chán ghét ở thời điểm hiện tại để theo đuổi đam mê của mình. Có những người băn khoăn không biết đam mê của mình là gì nên nghi ngại từ bỏ công việc mang đến thu nhập ổn định mỗi tháng cho mình, có những người dù đã biết mình nên theo đuổi điều gì nhưng sợ điều tiếng xung quanh nên không tin vào bản thân...

Người ta chỉ tiếc những điều chưa làm chứ không hối hận về những gì đã làm. Thanh xuân chỉ có một, tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại, chưa thử một lần "chơi lớn" làm sao biết được khả năng của mình đến đâu dẫu biết con đường ấy chẳng hề dễ dàng chút nào.

Dưới đây là chia sẻ của một cô gái - từng được mệnh danh là "con nhà người ta" - rũ bỏ tất cả những điều kiện "đáng mơ ước" của người khác để đi tìm chính mình. Bị bó buộc trong hình ảnh một cô gái ngoan ngoãn, luôn học tập chăm chỉ để đạt được học bổng, thi vào trường đại học top đầu cả nước, xin được một công việc tốt, lương cao, chính cô gái này đã cảm thấy quá stress và quyết tâm thay đổi.

Không còn là cô con gái như hình mẫu trong mắt bố mẹ ngày trước nữa, từ cách ăn mặc đến quyết định lên núi dạy học, mẹ cô gái thậm chí còn "khóc lên khóc xuống" vì quá lo lắng. Sau chuyến đi dạy học tình nguyện, được có cơ hội tĩnh tâm, suy nghĩ lại về cuộc sống, cuối cùng cô gái này đã tìm ra chân lý cuộc đời.

"Tốt nghiệp Đại học,

Tìm đến một công việc ổn định,

Lao vào kiếm tiền và chạy deadline,

Đó là sự lựa chọn hoàn hảo của các bạn, đúng chứ?"

Đó cũng là tôi, nhưng của 5 năm về trước. Hôm qua có tình cờ đọc được mấy dòng trên, tôi nghĩ mình nên viết một cái gì đó. Bài viết này tôi nghĩ sẽ dành cho những ai đang mông lung giữa những lựa chọn và ngã rẽ của cuộc đời. Mong nó sẽ giúp ích cho các bạn/các em.

Ngoan ngoãn, lễ phép, giải thưởng từ cấp trường đến cấp quốc gia đều có đủ, không bao giờ cãi lại bố mẹ, không bao giờ đi chơi về khuya... Cũng kiểu mẫu "con nhà người ta" - đó là hình ảnh của tôi trước năm 25 tuổi. Ngày ấy, tôi cố gắng thi vào trường đại học top cao nhất cả nước, tôi học để giành học bổng, để chứng tỏ mình, học để… bố mẹ tự hào, học để sau này kiếm một công việc ổn định mà ấm thân. Tôi lao đầu vào học và làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. 

Quả thật, chưa cần ra trường với tấm bằng xuất sắc mà với kinh nghiệm tích lũy từ sớm, tôi nhận được một công việc với mức lương "trong mơ" đối với một sinh viên năm cuối.

25 tuổi - quá trẻ để chết trong văn phòng: Lời kêu gọi của một con nhà người ta vứt bỏ hết bằng khen, lương cao, deadline, KPI để lên núi dạy học - Ảnh 1.

Nhưng, ngoài tiền ra thì tôi thấy cuộc sống với tôi vẫn không có điều gì thay đổi. Vẫn là lao vào kiếm tiền, là deadline, là KPI và… là áp lực. Thời gian đó, thật sự tôi đã bị stress. 25 tuổi - tôi làm được gì - ngoài những tấm bằng khen, những lời tán dương, những điểm số, những huy chương... Rồi, tuổi trẻ của tôi ở đâu, đam mê của tôi là cái gì?

Tôi thực sự không biết và cũng chưa bao giờ đặt ra câu hỏi đó cho mình.Dường như cuộc đời tôi đang đi theo cách mà xã hội đã mặc định sẵn, đó là chuẩn mực, là tiêu chuẩn. Học 12 năm, vào đại học, ra trường kiếm một công việc ổn định, rồi lập gia đình...

Tôi có hạnh phúc không? Không.

Thành tích, tiền bạc là những thứ hào nhoáng bên ngoài là những thứ duy nhất tôi có. Tôi luôn sống trong áp lực, sống trong những chuẩn mực xã hội và sống trong khuôn khổ của cái mác "con nhà người ta".

Tôi phải thay đổi. Đúng. Nhưng làm cách nào? Tôi từ bỏ công việc trong mơ, tôi cắt phăng mái tóc dài thành tóc tém, tôi đốt hết những cái váy mignh có rồi chuyển sang áo phông quần thùng... cùng một loạt thay đổi trời ơi đất hỡi khác. Khỏi nói, bố mẹ tôi sững sờ lắm, mẹ khóc lên khóc lên khóc xuống vì tưởng con gái có vấn đề về tâm lí.

Tôi muốn đi tìm lại tuổi trẻ, tìm lại chính mình, tìm những đam mê thực sự của mình. Công nhận lúc đó chắc một phần cũng do stress quá nên hành động rất chi là "táo bạo và quyết đoán". Nhìn lại mấy tấm hình hồi ấy cũng nực cười nhưng phải cảm ơn quãng thời gian đó đã làm nên bước ngoặt của đời tôi.

25 tuổi - quá trẻ để chết trong văn phòng: Lời kêu gọi của một con nhà người ta vứt bỏ hết bằng khen, lương cao, deadline, KPI để lên núi dạy học - Ảnh 2.

Tôi nhớ mãi đó là tháng 1/2014 - bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời khi tôi đăng kí tham gia một chương trình tình nguyện ở Thái Lan. Tôi đi với tâm thế đi để trải nghiệm, để tách mình khỏi cuộc sống ngột ngạt lúc đó ở Việt Nam.

Công việc của mình ở bên đó là dạy Tiếng Anh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở một vùng núi nhưng gần biển. Không gian đấy cho tôi một không gian tĩnh tại, tránh khỏi những lời dị nghị, phán xét, cái nhìn săm soi, chỉ trỏ, bàn tán bủa vây. Dạy học trên núi, chiều lại cùng lũ trẻ con ra suối, vào rừng hoặc đạp xe xuống biển, tôi dần dần lấy được điểm cân bằng, tôi bắt đầu giảm stress, định tâm và suy nghĩ về cuộc đời. 

Chưa kể, sự hồn nhiên, ngây thơ của lũ trẻ, lòng tốt vô tư và rộng lượng của các thầy cô giáo Thái trong trường nói riêng và người Thái nói chung, sự hết mình, nhiệt tình và gắn bó với các tình nguyện viên khác đã giúp tôi dần hòa nhập hơn, vui vẻ hơn và có những cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Nhìn ánh mắt chăm chú của lũ trẻ khi nghe mình giảng, nhìn cái cách chúng cố gắng giao tiếp và thể hiện tình cảm với mình càng khiến tôi càng yêu thích công việc dạy học.

Tôi làm tình nguyện 6 tuần, gắn bó với con người trong dự án, yêu thích công việc dạy học, sống lâu và sống sâu, khám phá cuộc sống nơi xứ sở Chùa Vàng, tôi chỉ muốn ở lại lâu hơn nữa. Và tôi nhìn thấy cơ hội ở nơi đây, tôi thấy được đam mê thực sự của mình. Phải, đó là một quyết định táo bạo - theo đuổi con đường giáo dục.

Các bạn tình nguyện viên cùng với tôi đến từ 8 quốc gia khác nhau và chơi với nhau khá thân. Sau khi về, tôi luôn luôn giữ liên lạc. Tôi tiếp tục tham gia các dự án tình nguyện ở nước ngoài khác, mỗi dự án từ 6-8 tuần để học hỏi phương pháp giáo dục nước ngoài đồng thời liên hệ với các bạn TNV và những mối quan hệ mà mình có từ sau các chuyến đi để sang nước bạn học hỏi và dễ dàng tìm hiểu đặc thù từng nước.

25 tuổi - quá trẻ để chết trong văn phòng: Lời kêu gọi của một con nhà người ta vứt bỏ hết bằng khen, lương cao, deadline, KPI để lên núi dạy học - Ảnh 3.

Sau 2 năm ấp ủ, tìm tòi và nghiên cứu, 3 trong 8 bạn TNV cùng tôi mở một dự án start-up về giáo dục bây giờ đã mở rộng ra một số nước châu Á và phát triển đến tận bây giờ.

Thu nhập ổn định với 9 con số cũng đủ thỏa mãn cuộc sống về vật chất nhưng quan trọng tôi luôn được làm điều mình yêu, làm việc với những con người tôi yêu. Tôi vui vì mình đã dám từ bỏ và dám theo đuổi. Tôi vui vì tuổi trẻ của mình đã trôi qua trọn vẹn mà không hề hối tiếc, vì tôi đã sống hết mình.

Vậy nên, gửi các bạn/các em, những người còn đang băn khoăn với lựa chọn, mông lung trước những ngã rẽ hay mệt mỏi, chán trường với những gì mình đang làm: Hãy dám buông, dám để theo đuổi và sống hết mình với tuổi trẻ. Đừng bao giờ làm mọi thứ mà thiếu đi đam mê. Còn nếu vẫn chưa xác định được đam mê của mình là gì thì hãy cứ đi, cứ cọ xát và trải nghiệm thật nhiều nhé.

ĐỪNG ĐỂ TUỔI TRẺ TRÔI QUA MỘT CÁCH HOÀI PHÍ - VÀ ĐỪNG CHẾT Ở TUỔI 25!"

V.D

Cùng chuyên mục
XEM