25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã

30/09/2024 10:21 AM | Startup

“Trong quá trình khởi nghiệp có nhiều lúc nản lòng vì những thất bại nhưng tôi chưa bao giờ từng nghĩ sẽ dừng lại. Niềm tin với mảnh đất quê hương, về cây lúa và cả những người nông dân biến khó khăn thành động lực…”, Thạc sĩ Trầm Minh Thuần chia sẻ.

Trầm Minh Thuần (SN 1993) với bằng Thạc sĩ Luật kinh tế, từng có công việc ổn định tại văn phòng đăng ký đất đai huyện Duyên Hải (Trà Vinh), nhưng chứng kiến cảnh người nông dân “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã thôi thúc anh phải làm gì đó để phát triển hạt gạo quê hương.

25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã- Ảnh 1.

“Trong khi làm việc văn phòng đăng ký đất đai huyện bản thân vẫn phụ giúp gia đình việc kinh doanh vật tư nông nghiệp. Thời điểm đó gặp gỡ nông dân tại địa phương thường xuyên, những câu chuyện của người nông dân về việc không chủ động được giá bán nông sản, không chủ động tìm kiếm được thương lái thu mua khi rộ đồng khiến tôi trăn trở mãi” , Trầm Minh Thuần chia sẻ thời điểm ý định khởi nghiệp từ cây lúa được nhen nhóm.

Công việc tại văn phòng đăng ký đất đai khiến anh Thuần nhận thấy bản thân không thể phát huy tối đa kiến thức và kinh nghiệm học được từ đại học. Năm 2018, Cựu cán bộ phòng đăng ký đất đai Trầm Minh Thuần quyết định nghỉ việc, rủ nhóm bạn thân có chuyên môn cao về nông nghiệp, công nghệ về quê nhà tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cùng thành lập hợp tác xã (HTX).

“Khi thấy tôi có ý định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp, gia đình có phản đối, khuyên tôi nên làm thêm vài năm nữa. Nhưng sau đó, thấy tôi quyết tâm nên mọi người cũng xuôi dần” , anh Thuần cho biết.

HTX nông nghiệp Long Hiệp được thành lập ngay sau đó, giấy phép kinh doanh được cấp vào cuối tháng 7/2018, người đại diện là Trầm Minh Thuần, thạc sỹ luật, khi đó mới 25 tuổi.

Khởi sự kinh doanh vốn đã là việc khó, thành lập HTX kiểu mới càng gặp nhiều khó khăn.

“Mới đầu, người dân còn e ngại vì mô hình HTX kiểu cũ đã làm ăn thất bại, thua lỗ dẫn đến phải giải tán. Cộng với việc khi đó mình tuổi đời còn khá trẻ mà đi thành lập HTX người ta cũng sợ chưa đủ chuyên môn, sẽ bỏ cuộc giữa chừng” , anh Thuần nhớ lại.

25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã- Ảnh 2.

Bằng tâm huyết và nhiệt tâm của mình, anh chủ nhiệm HTX 25 tuổi đã thuyết phục được những người nông dân tham gia cùng mình.

HTX nông nghiệp Long Hiệp ra đời hoạt động với 51 thành viên tham gia góp vốn điều lệ 700 triệu đồng, sản xuất trên diện tích 50ha và bao tiêu sản phẩm của nông dân với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg, trong đó có 20ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ.

Ban điều hành hợp tác xã khi đó là 6 người trẻ có trình độ thạc sĩ, cử nhân, anh Thuần làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc hợp tác xã. Sau 4 năm hoạt động, hợp tác xã tăng lên 72 xã viên, sản xuất trên diện tích 220 ha. Trong đó, có 20 ha ở xã Đông Xuân, huyện Duyên Hải làm mô hình lúa - tôm 1 vụ/năm.

Nhưng khó khăn không dừng ở đó. Từ chuyện huy động vốn thế nào; lập kế hoạch kinh doanh chỉn chu, bài bản ra sao; chọn sản phẩm chủ lực nào để phát triển… đều là những vấn đề hoàn toàn mới mẻ với một thạc sỹ luật như Thuần, các cộng sự với chuyên môn nông nghiệp và công nghệ, hay đông đảo xã viên toàn những người nông dân.

25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã- Ảnh 3.

“Trong quá trình khởi nghiệp, bản thân có nhiều lúc nản lòng, do những thất bại khi sản xuất sản phẩm, thiếu vốn lúc vận hành hoạt động kinh doanh, bế tắc khi các hồ sơ kỹ thuật không hoàn thành kịp tiến độ. Nhưng bản thân tôi chưa từng nghĩ là sẽ dừng lại. Vì tôi biết mọi mô hình kinh doanh, mọi dự án lập nghiệp điều phải đối mặt với những khó khăn, vất vả khi mới bắt đầu.

Tôi đặt niềm tin vào mảnh đất quê hương, với cây lúa và cả những người nông dân vừa là thành viên HTX, vừa là cô dì chú bác, xớm giềng, tôi tin là nếu cùng nhau sẽ vượt qua được những khó khăn và thất bại”, Trầm Minh Thuần chia sẻ.

25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã- Ảnh 4.

Để quảng bá HTX và những sản phẩm do chính người nông dân quê mình đến với nhiều khách hàng hơn, Trầm Minh Thuần chủ động đem gạo hữu cơ đến từng hội chợ, hội thảo nông nghiệp để tiếp thị. Anh Thuần cũng tìm hướng liên kết tiêu thụ tại một số công ty, chuỗi cửa hàng bán sản phẩm sạch, OCOP, thậm chí bán trực tiếp cho các công ty xuất khẩu và thương lái.

“Từ những hạt lúa nặng trĩu của quê hương, HTX của chúng tôi đã làm ra những thành phẩm gạo chất lượng, cung ứng cho người tiêu dùng toàn quốc. Chúng tôi tham gia nhiều cuộc thi gạo ngon và gây dựng thành công mô hình công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia” , Trầm Minh Thuần tự hào kể về những thành tựu ban đầu.

25 tuổi bỏ việc văn phòng, thạc sĩ Luật rủ nhóm bạn thân về quê trồng lúa hữu cơ ST25 “chuẩn 4 sao”, kêu gọi hàng chục nông dân là cô dì chú bác, xóm giềng lập Hợp tác xã- Ảnh 5.

Một trong những niềm tự hào của Trầm Minh Thuần và HTX nông nghiệp Long Hiệp là thương hiệu gạo riêng mang tên “Hạt Ngọc Rồng”, đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện đa số các xã viên hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp gieo sạ các giống lúa như ST25, OM18, OM5451. Riêng vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa của HTX đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2023.

Anh Thuần ước tính năm 2024 này, lợi nhuận dự kiến mà hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp mang về cho xã viên khoảng 1,4 tỷ đồng; năm 2023 là 1,1 tỷ đồng. Riêng vụ hè thu vừa qua, năng suất lúa đạt từ 6-7,5 tấn/ha, cao hơn năm 2023. Với giá khoảng 8.000 đồng/kg, sau khi trừ vốn khoảng 6.800 đồng/kg, người dân lời 1.200 đồng/kg.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai, chủ nhiệm HTX dự tính giai đoạn 2025-2030, sẽ tăng thêm 30% diện tích vùng trồng lúa cho hợp tác xã (khoảng 100ha), cùng với đó là tăng sản lượng bao tiêu và hướng tới xuất khẩu.

Đầu năm 2024, HTX nông nghiệp Long Hiệp chính thức khai trương nhà xưởng diện tích 1.000m2; sức chứa 3.000 tấn lúa thương phẩm. Nhà xưởng hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp HTX mở rộng diện tích sản xuất liên kết với nông dân ở 02 xã Ngọc Biên, Tân Hiệp, phát triển diện tích từ 100ha hiện nay lên gần 200ha; tạo nguồn nguyên liệu dồi dào, tăng thành viên từu 72 lên hơn 100 thành viên trong thời gian tới. Nhà xưởng được HTX Long Hiệp đầu tư nhờ nguồn kinh phí không hoàn lại gần 3 tỷ đồng do tỉnh Trà Vinh hỗ trợ, từ Quyết định 298/QĐ-UBND, ngày 09/02/2021 về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn.

Thành công từ mô hình hợp tác xã kiểu mới, Trầm Minh Thuần trở thành gương mặt doanh nhân trẻ được chú ý trong nhiều chương trình khởi nghiệp. Năm 2020, Trầm Minh Thuần được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Năm 2021, tên anh tiếp tục đạt danh hiệu Top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc. Năm 2024, anh Thuần là người trẻ tuổi nhất trong 63 nông dân được tuyên dương là Nông dân Việt Nam xuất sắc.

“Việc đồng hành cùng nông nghiệp - nông thôn và gặt hái thành công từ nông nghiệp có thể xem là khó và chông gai hơn so với các ngành nghề khác. Vì vậy, khi được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc tôi vô cùng xúc động và tự hào vì lan toả được tinh thần lập thân lập nghiệp và xây dựng doanh nghiệp tại quê hương, nâng tầm nông sản bản địa hơn nữa”, nhà sáng lập HTX Long Hiệp chia sẻ.

Huyền Thanh

Cùng chuyên mục
XEM