2020: Năm bùng nổ của làn sóng IPO cao nhất thập kỷ, bất chấp đại dịch càn quét toàn thế giới

29/12/2020 10:12 AM | Kinh doanh

Năm nay, thế giới đã chứng kiến hoạt động huy động vốn từ IPO cao nhất trong thập kỷ qua với 331 tỷ USD, tăng 42% so với năm ngoái.

Đến hẹn lại lên, CafeBiz sẽ điểm lại những câu chuyện/sự kiện kinh doanh nổi bật và những dấu ấn đáng chú ý của một số ngành kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong năm 2020. Toàn bộ nội dung này sẽ được chúng tôi tập hợp tại series "DẤU ẤN KINH DOANH NỔI BẬT 2020". Mời quý độc giả đón đọc.


Bất chấp đại dịch Covid-19, trong năm 2020, cả số lượng và giá trị các thương vụ IPO trên toàn cầu đều có xu hướng tăng, dẫn đầu bởi các công ty Trung Quốc và Mỹ.

Năm nay, thế giới đã chứng kiến hoạt động huy động vốn từ IPO cao nhất trong thập kỷ qua với giá trị lên tới 331 tỷ USD, tăng 42% so với năm ngoái, theo báo cáo IPO năm 2020 của Baker McKenzie.

Sau thời gian suy thoái toàn cầu trong quý I và quý II/2020 do đại dịch, hoạt động IPO được thúc đẩy mạnh mẽ trong quý III đã khiến khối lượng niêm yết tăng hơn gấp đôi so với quý II. Trong đó, 76% vốn huy động đến từ các đợt IPO trong nước.

Tại Mỹ, các công ty niêm yết trong nước đã huy động vốn nhiều hơn 118% trong năm nay (127 tỷ USD) so với năm ngoái. Việc Phố Wall luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chào đón các công ty IPO đã thúc đẩy số tiền mà sàn giao dịch chứng khoán New York thu được từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lên mức cao nhất trong 6 năm qua.

Theo StockAnalysis.com, đã có 420 thương vụ IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2020, tăng hơn 88% so với cùng thời điểm năm ngoái. Làn sóng IPO đã tăng mạnh trở lại vào mùa hè, khi thị trường chứng khoán phục hồi sau đợt lao dốc mạnh và liên tục xác lập những mức cao mới.

Nhìn chung, nhiều công ty niêm yết cổ phiếu năm nay đều đạt mức lợi tức trung bình gần 54% so với giá IPO khởi điểm. 2020 cũng là năm có nhiều đợt IPO trị giá hàng tỷ USD nhất từ trước đến nay tại Mỹ.

2020: Năm bùng nổ của làn sóng IPO cao nhất thập kỷ, bất chấp đại dịch càn quét toàn thế giới - Ảnh 2.

Đến mùa hè, thị trường đã phục hồi trở lại và chứng kiến sự bùng nổ về số lượng cũng như giá trị của các thương vụ IPO.

Trong khi đó tại Trung Quốc đại lục, các công ty niêm yết trong nước đã huy động vốn trong năm nay (64 tỷ USD) nhiều hơn 77% so với năm 2019. Bên cạnh đó, hoạt động niêm yết ở nước ngoài cũng có sự gia tăng về cả khối lượng và giá trị, thu về tổng cộng 80 tỷ USD từ 231 thương vụ.

Theo báo cáo mới nhất của Renaissance Capital, các doanh nghiệp có trụ sở ở Trung Quốc đã huy động được 11,7 tỷ USD thông qua 30 thương vụ IPO tại Mỹ năm 2020. Đây cũng là số vốn huy động được lớn nhất từ năm 2014 – thời điểm 16 doanh nghiệp Trung Quốc gọi được 25,7 tỷ USD. Trong đó, Alibaba là cái tên nổi bật nhất với việc huy động 23,9 tỷ USD vào tháng 12/2014.

2020 có thể nói là một năm "điên rồ" với thế giới và thị trường IPO. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều đợt IPO dự kiến diễn ra trong năm nay như trường hợp của Airbnb tưởng chừng như sẽ phải đợi đến năm 2021. Tuy nhiên, đến mùa hè, thị trường đã phục hồi trở lại và chứng kiến sự bùng nổ về số lượng cũng như giá trị của các thương vụ IPO.

Dưới đây là một số thương vụ nổi bật trong năm 2020 tại Mỹ, theo thống kê của Crunchbase:

Casper

2020: Năm bùng nổ của làn sóng IPO cao nhất thập kỷ, bất chấp đại dịch càn quét toàn thế giới - Ảnh 3.

Casper là một công ty bán đệm online.

Ngày IPO: 5/2/2020

Định giá trước IPO: 1,1 tỷ USD

Định giá sau IPO: 476 triệu USD

Giá cổ phiếu của công ty đã tăng khoảng 21% vào ngày giao dịch đầu tiên nhưng giảm khá nhiều trong cả năm. Hiệu suất của cổ phiếu Casper được cho là kém nhất trong số các đợt IPO công nghệ năm nay.

Snowflake

Ngày IPO: 16/9/2020

Định giá trước IPO: 12,4 tỷ USD

Định giá sau IPO: 33,2 tỷ USD

Thương vụ của Snowflake là một trong những đợt IPO lớn nhất trong năm nay, cùng với DoorDash và Airbnb. Đây là đợt IPO phần mềm lớn nhất mọi thời đại.

Asana

2020: Năm bùng nổ của làn sóng IPO cao nhất thập kỷ, bất chấp đại dịch càn quét toàn thế giới - Ảnh 4.

Dustin Moskovitz (bên phải) và đồng sáng lập Asana - Justin Rosenstein.

Ngày IPO: 30/9/2020

Định giá trước IPO: Khoảng 2 tỷ USD

Định giá sau IPO: 5,5 tỷ USD

Công ty cung cấp phần mềm quản lý dự án do đồng sáng lập Facebook - Dustin Moskovitz tạo ra cùng Justin Rosenstein là một cái tên nổi bật trong năm nay. Cổ phiếu công ty đã tăng giá đều kể từ khi IPO đến nay.

McAfee

Ngày IPO: 22/10/2020

Định giá trước IPO: Không rõ

Định giá sau IPO: 8,6 tỷ USD

Cổ phiếu công ty an ninh mạng McAfee đã không hoạt động tốt từ khi IPO. Công ty cho biết trong nửa đầu năm 2020, doanh thu của họ đạt 1,4 tỷ USD trong khi thu nhập ròng là 31 triệu USD.

DoorDash

Ngày IPO: 9/12/2020

Định giá trước IPO: 16 tỷ USD

Định giá sau IPO: 39 tỷ USD

Hoạt động kinh doanh của công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn DoorDash đã bùng nổ trong năm nay do rất nhiều người Mỹ phải ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Công ty kết thúc một năm thành công với một trong những đợt IPO lớn nhất năm 2020. Cổ phiếu DoorDash đã tăng 85% trong ngày giao dịch đầu tiên.

Airbnb

Ngày IPO: 10/12/2020

Định giá trước IPO: 18 tỷ USD

Định giá sau IPO: 47 tỷ USD

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 lên ngành du lịch, Airbnb vẫn IPO trong năm nay. Cổ phiếu công ty đã tăng hơn gấp đôi trong ngày giao dịch đầu tiên.

2020: Năm bùng nổ của làn sóng IPO cao nhất thập kỷ, bất chấp đại dịch càn quét toàn thế giới - Ảnh 5.

Mặc dù vậy, làn sóng IPO đang nóng lên tại nhiều sàn chứng khoán lớn trên toàn cầu lại làm bùng lên mối lo ngại về nhiều rủi ro tiềm ẩn. Mới đây, ông David Solomon - CEO của Goldman Sachs, đã đưa ra cảnh báo trên sau việc thương vụ của Airbnb và DoorDash đều chứng kiến sự tăng vọt khó tin của giá cổ phiếu.

Trong khi DoorDash kết thúc ngày giao dịch đầu tiên với giá cổ phiếu tăng hơn 85%, Airbnb chứng kiến mức tăng tới 112%. Đáng chú ý là làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt đổ tiền vào các cổ phiếu này, khiến ông Solomon liên tưởng tới kỷ nguyên bong bóng dotcom. Vị CEO cho rằng nhà đầu tư đang quá kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng dài hạn cũng như sự hoạt động hoàn hảo của các công ty trên.

Trước đó, phóng viên Jim Cramer của CNBC cũng cho rằng lớp nhà đầu tư non trẻ này đã góp phần thổi phồng giá trị các cổ phiếu IPO vì quá tin tưởng vào cổ phiếu các công ty công nghệ đứng sau những sản phẩm dịch vụ mà giới trẻ thường xuyên sử dụng.

Nguồn: Tổng hợp

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM