2020 là năm đầu tiên Việt Nam giữ ổn định vĩ mô trong khủng hoảng

12/01/2021 08:54 AM | Xã hội

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, nếu nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong 30 năm thì có lẽ đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tiêu cực của bất ổn, khủng hoảng toàn cầu nhưng ổn định vĩ mô vẫn được giữ vững.

Ngày 11/1, tại TP. HCM đã diễn ra Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư - kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Lần đầu tiên ổn định vĩ mô giữa khủng hoảng toàn cầu

Tại đây, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: "Nếu như nhìn vào chiến lược 2021 - 2030, cũng có thể nói đây vừa là một khát vọng, vừa là một áp lực đối với nền kinh tế Việt Nam, đó là vẫn phải tăng trưởng cao, đạt 7%".

Theo ông Thành, một tín hiệu tốt trong năm 2021 đó là hầu hết các dự báo đều đồng nhất một quan điểm là kinh tế của tất cả các nền kinh tế chính yếu trên thế giới sẽ hồi phục. "Đương nhiên, sự hồi phục này chỉ bù đắp lại được sự suy giảm của năm ngoái một phần. Tuy nhiên, các dự báo này được dựa vào nền tảng đó là dịch bệnh Covid-19 sẽ qua đi, vào giữa hoặc cuối năm nay", ông Thành nhận định.

Bên cạnh đó, toàn bộ các nền kinh tế chính yếu vẫn điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng nới lỏng để hỗ trợ. Lãi suất vẫn tiếp tục thấp, các gói kích thích hoặc sẽ được tiếp nối, hoặc sẽ được mở rộng hơn.

Mặc dù vậy, kịch bản này cũng sẽ không thể tránh khỏi những rủi ro như việc phân phối vaccine không phải dễ dàng, ngay cả ở những nền kinh tế phát triển, hay kỳ vọng nhanh chóng phân phối được vaccine và chấm dứt dịch bệnh vẫn có thể bị xáo trộn, chậm trễ.

"Hơn nữa, những thay đổi chính trị trên toàn cầu dù theo hướng nào thì cũng sẽ không thể dễ dàng hòa giải căng thẳng về thương mại quốc tế trong năm 2021 được", ông Nguyễn Xuân Thành chỉ rõ.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh toàn cầu như vậy, Chính phủ vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 là 6,5%. "Con số dự báo từ các tổ chức kinh tế độc lập thậm chí lạc quan hơn. Ví dụ như gần đây nhất, trong tháng 1 vừa rồi, Ngân hàng Thế giới (WB) còn dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 đạt 6,7%".

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành phát biểu: "Kỳ vọng lạc quan như vậy là do yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn được duy trì. Nếu như nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam trong 30 năm thì có lẽ đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tiêu cực của bất ổn, khủng hoảng toàn cầu nhưng ổn định vĩ mô vẫn được giữ vững".

Bên cạnh những thành tựu tích cực trong năm 2020, thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng như đầu tư nội địa giảm, kể cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

"Trong các lần khủng hoảng, đây cũng là lần đầu tiên mà sức mua trên thị trường suy giảm, dẫn đến tổng mức bán suy giảm. Đây là cái quan ngại nhất của doanh nghiệp trong năm tới. Liệu sức mua có hồi phục hay không, những khó khăn nhất của doanh nghiệp gặp phải, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn các doanh nghiệp quy mô lớn", ông Thành đặt vấn đề.

Đối với xuất khẩu, ông Thành nhận xét đây thực ra lại là một trong những "cứu cánh" của nền kinh tế Việt Nam năm 2020. Mặc dù tăng, nhưng thách thức trong xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam đó là liệu Việt Nam vẫn có thể đa dạng được thị trường xuất khẩu, thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới để tiếp tục không chỉ tăng mạnh xuất khẩu ở một vài thị trường, điển hình như Hoa Kỳ, mà còn đa dạng hóa sang các thị trường khác.

Một kỳ vọng cuối cùng đó là liệu sau khi mọi thứ ổn định thì Việt Nam vẫn sẽ một điểm hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài?

Cơ hội cho kịch bản kinh tế lạc quan 2021

Đối với phục hồi đầu tư, ông Thành cho hay, giai đoạn 5 năm từ 2016-2019, đầu tư tư nhân tăng trưởng nhanh. Đến năm 2020, do tác động của Covid-19, đầu tư tư nhân suy giảm, đầu tư công tăng mạnh. Đây cũng là một động lực để đảm bảo có tăng trưởng trong năm 2020.

Sang năm 2021, theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, để đạt được tăng trưởng lạc quan như 6,7-7%, đầu tư tư nhân phải được phục hồi. "Cơ hội hiện nay đó là về mặt điều hành chính sách. 'Năm Covid' vừa qua là một thời điểm để Việt Nam có thể hạ mặt bằng lãi suất, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn".

"Đây là phép thử đối với các cơ quan điều hành chính sách, nhằm hạ các lãi suất điều hành, từ đó lãi suất trên thị trường giảm, dẫn đến lãi suất tiền gửi, lãi suất huy động giảm. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tăng trở lại trong năm 2021 và những năm sau".

Song song với đó, năm 2021 vẫn sẽ là giai đoạn phục hồi từ năm 2020. Do vậy, đầu tư tư nhân có thể phục hồi, nhưng để đảm bảo tăng trưởng thì vấn đề vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng. Tức là những nỗ lực để thúc đẩy cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2020 sẽ vẫn phải tiếp tục trong năm 2021.

Một trong những cái tín hiệu hỗ trợ tăng trưởng tốt nhất trong năm nay có lẽ là sự nối lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Rất nhiều lo ngại là dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020, đúng là vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh, vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Đây vừa đưa ra một tín hiệu tích cực trong năm 2021 là dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ phục hồi, nhưng nó cũng sẽ thách thức cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ là đảm bảo nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể hấp thụ được dòng vốn nước ngoài, hấp thu được luồng ngoại tệ chảy vào Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô.

Một động lực tăng trưởng khác mà thực ra đã suy yếu trong năm 2020 đó là sức mua của thị trường trong nước. Thực tế, người tiêu dùng đã thắt lưng buộc bụng nhiều. Thu nhập người lao động giảm, tình trạng mất việc làm xảy ra, mặc dù có phục hồi nhưng không đáng kể, dẫn đến sức mua yếu.

Mặc dù theo số liệu thống kê, tổng mức bán đã phục hồi nhưng số liệu của Google, qua Covid-19, các chuyến đi với mục đích làm việc tăng 20% so với thời điểm trước Covid. Nhưng các chuyến đi lại với mục đich mua sắm, các trung tâm, vui chơi giải trí vẫn giảm 19%.

Do vậy, một trong những thách thức lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay đó là hoạt động kinh doanh sẽ không thể khởi sắc thực sự được nếu như sức mua của thị trường nội địa vẫn yếu. Do vậy, ông Thành đề xuất các doanh nghiệp cần chuyển đổi số để khắc phục vấn đề này. "Đây sẽ là động lực rất lớn để doanh nghiệp có thể thích ứng với một kiểu hình mua sắm mới".

Thách thức tiếp theo chính là giữ được các chính sách tiền tệ và tài khóa cùng đồng hành, bổ trợ cho nhau ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng, nhưng vẫn không để làm mất đi các cân đối lớn về vĩ mô.

Cuối cùng, đó là động lực đến từ xuất khẩu (tăng 6,5% trong năm 2020), rất ấn tượng. Nhưng đằng sau những con số này đó là nhờ Việt Nam có một thị trường xuất khẩu đa dạng. Thông thường gặp khủng hoảng, xuất sang thị trường này giảm thì xuất sang thị trường kia lại tăng trở lại. Thực tế cho thấy rằng xuất sang Hoa Kỳ, xuất sang Trung Quốc đã bù đắp lại sự suy giảm trong xuất sang thị trường ASEAN và thị trường EU.

"Sang năm 2021, việc tiếp tục xuất khẩu mạnh sang Hoa Kỳ sẽ gặp những thách thức rất lớn. Một trong hướng đi trong năm 2021 đó là Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh sang các thị trường mà đã giảm sâu trong năm 2020", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành kết luận.

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM