20 năm lăn lộn cùng chứng khoán Việt Nam, một nhà đầu tư cá nhân bật mí bí quyết chiến thắng khi thị trường hoảng loạn, thu lợi nhuận 20-40% sau 3-6 tháng

31/07/2020 11:17 AM | Kinh doanh

Khi xuất hiện thông tin những ca nhiễm Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng thì diễn biến thị trường chứng khoán trong những ngày gần đây trở nên khó đoán khi xen kẽ những phiên giảm tốc rồi lại tăng, rồi lại giảm. Liệu đây có phải là lúc nhà đầu tư hoảng sợ?

Bản tin tài chính kinh doanh của VTV mới đây trích dẫn hình ảnh bài viết được đăng tải trên trang Facebook của một nhà đầu tư đã tham gia thị trường khoảng 20 năm nay.

20 năm lăn lộn cùng chứng khoán Việt Nam, một nhà đầu tư cá nhân bật mí bí quyết chiến thắng khi thị trường hoảng loạn, thu lợi nhuận 20-40% sau 3-6 tháng - Ảnh 1.

Nguồn: VTV.

Ngày 23/3 khi thị trường về đáy 666,59 điểm nhà đầu tư này đã xác định đây là thời điểm mua vào được vì có nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn. Ai không hoảng sợ lúc đấy thì bây giờ đã có lợi nhuận hàng chục thậm chí cả trăm %.

Quay lại thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 trong suốt 3 tuần cách ly xã hội, bắt đầu từ ngày 1/4 tới nay (21/4), Vn-Index tăng 132 điểm với 13 phiên tăng điểm, duy nhất một phiên giảm. Vn-Index đã chứng kiến sự sụt giảm nhanh và mạnh trong hầu hết tháng 3, với những phiên giảm 40-50 điểm khiến nhiều cổ phiếu rơi tự do 40-50% so với cuối năm 2019 và có giá thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Điều này đã khiến lãnh đạo các doanh nghiệp ra quyết định mua vào một lượng lớn cổ phiếu quỹ, hoặc đăng ký mua vào để đỡ giá cổ phiếu, khi nhận thấy thị trường đang quá bán và định giá sai về công ty.

Hai cố phiếu điển hình cho việc bứt phá là cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới di động và HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 43% và 34% so với đáy.

Thời điểm khi thị trường trắng bảng bên mua và các nhà đầu tư nước ngoài bán hàng triệu cổ phiếu HPG, ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, giá cổ phiếu HPG tiếp tục giảm từ vùng 18.500 đồng/cp xuống 15.900 đồng/cp, ông Minh lỗ hơn 28 tỷ ngay sau khi hoàn tất giao dịch. Ngay sau đó, nhà đầu tư này tiếp tục đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG, nâng số lượng nắm giữ lên 40 triệu cổ phiếu.

Sau đó, giá cổ phiếu HPG khi đó đã đảo chiều tăng điểm mạnh mẽ, từ 15.800 đồng/cp hiện đang giao dịch ở mức giá 21.000 đồng/cp. Điều này mang lại khoản lãi cho con trai ông Trần Đình Long khoảng hơn 140 tỷ đồng chỉ sau 3 tuần.

Với MWG là cổ phiếu trong top giảm mạnh nhất thị trường, từ 107.000 đồng/cp thời điểm trước khi có dịch, rơi xuống vùng 58.000 đồng/cp. Sau cuộc họp trực tuyến trấn an với các nhà phân tích, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG khẳng định công ty vẫn hoạt động tốt, cắt giảm chi phí mạnh mẽ.

Giá cổ phiếu MWG hồi phục mạnh mẽ lên vùng 84.300 đồng/cp, mang lại lợi nhuận lớn cho lãnh đạo MWG. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài đăng ký mua 500.000 cổ phiếu, tạm ghi nhận lãi hơn 10,5 tỷ đồng, Trưởng ban Kiểm soát Trần Huy Thanh Tùng và vợ mua số lượng 500.000 cổ phiếu, lãi hơn 10,5 tỷ, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh, đăng ký mua 720.000 cp, lãi hơn 15 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư bắt đáy vào khoảng 33%.

Phiên giao dịch ngày 30/7 vừa qua mặc dù thị trường tăng nhưng nhà đầu tư Trần Tiến Dũng không giao dịch. Anh chia sẻ đây là lúc anh hưởng thành quả từ phiên báo tháo đầu tuần. Đầu tư chứng khoán 20 năm, anh Dũng hiểu rằng làm những điều khác với tâm lý đám đông thì mới có cơ hội nằm trong số ít người thắng được thị trường.

"Các nhà đầu tư tổ chức rất thích thị trường hỗn loạn. Trong hỗn loạn đó họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Chúng ta nắm được kết quả kinh doanh tăng trưởng hàng năm của doanh nghiệp và thị giá so với mức thu nhập của doanh nghiệp đó bao nhiêu và chúng ta nhìn thấy mức giảm giá như vậy thì phải nghĩ ngay thị trường, doanh nghiệp đó đang khuyến mại. Đó là lúc mua vào và nắm giữ đảm bảo sau 3-6 tháng sau lợi nhuận khoảng 20-30% là chắc chắn, có khi 40%", anh Dũng chia sẻ với phóng viên VTV.

Không ham giao dịch hàng ngày, có những hôm anh Dũng chỉ dành để nghiên cứu báo cáo doanh nghiệp, đọc biểu đồ và chờ đợi cơ hội. Anh hiểu đầu tư không phải chỉ chăm chăm mua bán mà đầu tư là quản trị rủi ro và tâm lý.

20 năm lăn lộn cùng chứng khoán Việt Nam, một nhà đầu tư cá nhân bật mí bí quyết chiến thắng khi thị trường hoảng loạn, thu lợi nhuận 20-40% sau 3-6 tháng - Ảnh 2.

"8-10% là khả quan nhất nếu danh mục đầu tư sụt xuống đấy thì chúng ta phải cắt bằng mọi giá. Chúng ta phải bán ra để bảo toàn vốn, tìm cơ hội mới. Đang tăng lãi đạt tầm 15-20% thì chúng ta phải bán ra dần. Không ai có thể bán được đỉnh. Tôi khẳng định không ai kể các quỹ giỏi nhất tại Việt Nam, các công ty chứng khoán họ cũng không bán được đỉnh và họ cũng không bao giờ mua được ở đáy. Đấy là nguyên tắc trên thị trường. Như bản thân tôi thỉnh thoảng thì ăn may thôi chứ thực ra mình cũng phải mua đều dần hoặc là bán ra dần chứ không thể thực hiện một lệnh đi hết được", nhà đầu tư này chia sẻ về chiến lược quản trị rủi ro.

Không có tài khoản tiết kiệm, anh Dũng tiết kiệm bằng chính chứng khoán. Ngoài những cổ phiếu ngắn và trung hạn, có những cổ phiếu đã nắm 10 năm nay với nguồn cổ tức đều đặn. Tự do tài chính, sống không phụ thuộc, đầu tư chứng khoán với anh là một nghề nghiêm túc có sự đầu tư thời gian và công sức.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM