20/11 nghe chuyện cười ra nước mắt về cuộc sống xa nhà của thầy cô giáo Nhật ở Việt Nam: Làm quen với nước mắm, nem cuốn và chiếc xe máy "mất tích" bí ẩn trong tầng hầm

20/11/2020 09:38 AM | Sống

Ở Nhật Bản có ngày nào tôn vinh nghề giáo như ngày 20/11 không? Có câu nói nào của Nhật nghĩa tương đồng với “Không thầy đố mày làm nên”? Các thầy cô có trải nghiệm hài hước nào khi sống tại Việt Nam? Những điều này sẽ được chính các thầy cô giáo Nhật trả lời...

Thầy Kurihara Kenya: Chiếc xe máy bị “mất tích” ở tầng hầm, đành phải cuốc bộ tới trường

20/11 nghe chuyện cười ra nước mắt về cuộc sống xa nhà của thầy cô giáo Nhật ở Việt Nam: Làm quen với nước mắm, nem cuốn và chiếc xe máy mất tích bí ẩn trong tầng hầm - Ảnh 1.

Thầy Kurihara Kenya: Giáo viên lớp 3, hệ quốc tế Nhật Bản JIS/ Thời gian sinh sống tại Việt Nam: 2 năm

Trước khi tới Việt Nam, tôi từng là giáo viên ở Malaysia, sau khi sống ở đây được 3 năm thì tôi thấy các nước Đông Nam Á rất hấp dẫn. Lúc biết thông tin tuyển dụng giáo viên ở Việt Nam, tôi đã ứng tuyển sang Việt Nam và dạy trường quốc tế Nhật Bản (JIS).

Tôi không lập gia đình nên cuộc sống xa nhà ở Việt Nam cũng không có gì bất tiện. Trong thời gian tôi còn ở Nhật Bản, cuối tuần tôi vẫn tự nấu ăn. Bây giờ, tôi biết nấu món ăn Việt cũng khá ổn. Chỉ là muốn tìm nguyên liệu làm đồ Nhật ở đây thì có chút khó khăn thôi.

Ở Việt Nam tôi cũng sắm cho mình một chiếc xe máy. Khi đỗ xe ở trong hầm gửi xe thì tôi không hề nghĩ rằng số lượng xe lại lớn đến vậy. Nên lúc gửi xe thì chưa sao, nhưng lúc đi tìm nó mới khốn khổ. Tôi từng vài lần không biết chiếc xe của mình ở chỗ nào và vì thế tôi phải tự đi bộ tới trường (cười).

Tôi thích đàn guitar, và tôi hay chơi đàn trong thời gian rảnh. Lúc nào đi ăn ngoài tôi hay chọn những nhà hàng ở khu vực Hoàn Kiếm, vài quán bia hơi ở gần đấy nữa.

Vì không biết tiếng Việt nên khi ra ngoài ăn tôi thường không hiểu thực đơn có món gì, cứ dùng tay chỉ để chọn món. Có hôm tôi tưởng một món ăn là món thịt gà, mãi về sau mới biết là thịt ếch. Khi hỏi ra, tôi đã vô cùng kinh ngạc bởi vị hai loại thịt này khá tương đồng, người ta nấu cũng khá ngon nên tôi không hề nhận ra sự khác biệt.

Ở Việt Nam có ngày nhà giáo 20/11, còn ở Nhật Bản không có ngày nào như vậy. Ở Việt Nam người ta nói “không thầy đố mày làm nên” nhưng ở Nhật thì cũng không có những câu nói với ý nghĩa tương tự thế. Khi sang Việt Nam tôi mới biết có ngày đặc biệt này, giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh có những hoạt động giao lưu với nhau nên tôi thấy đây là một ngày khá có ý nghĩa.

Khoảng 30, 40 năm về trước, nghề giáo ở Nhật Bản cũng còn chút sự trọng vọng nhất định. Nhiều người còn hay khen "nghề giáo thật tuyệt vời”. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, chỗ đứng của nghề giáo ở Nhật Bản đã không còn được đánh giá cao như trước nữa.

Cô Ueda Kimiko: Làm cô giáo bắt đầu chỉ vì biết... có nhiều ngày nghỉ nhất trong năm

20/11 nghe chuyện cười ra nước mắt về cuộc sống xa nhà của thầy cô giáo Nhật ở Việt Nam: Làm quen với nước mắm, nem cuốn và chiếc xe máy mất tích bí ẩn trong tầng hầm - Ảnh 2.

Cô Ueda Kimiko: Giáo viên lớp 5 hệ quốc tế Nhật Bản JIS/ Thời gian sinh sống tại Việt Nam: 4 năm

Tôi đã từng có hơn 10 năm sống ở 3 quốc gia khác trước khi sang Việt Nam là Singapore, Guam và Indonesia, tuổi của tôi cũng đã bước sang đầu 4 rồi. Do cũng từng du lịch nhiều nơi ở Đông Nam Á thì tôi thấy Việt Nam là đất nước ổn định nhất. Các món ăn ở đây cũng có nét tương đồng với đồ ăn Nhật Bản. Tình hình an ninh trật tự khá an toàn. Vậy nên, tôi cũng không thấy có điểm gì lo lắng khi sinh sống ở Việt Nam hay làm việc tại JIS.

Đối với tôi thì món ăn Việt nào cũng ngon. Tôi từng ghé tới TP.HCM vài lần trước đây. Sau này tới Hà Nội và làm việc tại đây luôn, tôi thấy món ăn Hà Nội rất tinh tế.

Vào ngày nghỉ, tôi thường đi mua sắm, trò chuyện cùng bạn bè, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Tôi nghĩ rằng nếu muốn một sống cuộc bình yên, ổn định thì Việt Nam có thể xem là một nơi lý tưởng.

Ở khá nhiều đất nước, ngay cả việc đi bộ bên ngoài hay cho trẻ em đi xe bus một mình nhiều khi cũng rất nguy hiểm. Trong số các đất nước tôi từng sinh sống, có lẽ chỉ có Singapore là khá an toàn khi đi bộ bên ngoài. Nhưng ở Việt Nam thì có thể đi bộ hay đi xe máy bên ngoài đều an toàn nên tôi cũng khá thích đất nước của các bạn.

Ban đầu tôi chọn làm giáo viên vì theo suy nghĩ của bố mẹ tôi thì nghề nghiệp này được nhiều ngày nghỉ nhất trong năm ở Nhật (cười). Khi đó, tôi cũng băn khoăn nhiều lắm vì không biết mình có thật sự phù hợp không. Nhưng cuối cùng tôi quyết định là sẽ dạy học sinh theo cách của mình. Tôi đã từng nói với những học sinh như thế rằng: “Các em như thế nào cũng được, các em không cần phải ép mình làm điều các em không thích, điều quan trọng là các em phải vui, hạnh phúc, nhưng không được làm ảnh hưởng đến người khác”, có lúc tôi sẽ nói: “Em khác biệt với các bạn cũng không sao, em cứ là em. Các em không cần thiết phải giống nhau”.

Ở Singapore cũng có ngày nhà giáo đấy, nhưng ở Nhật Bản thì không. Ở Việt Nam hưởng không khí ngày 20/11, khiến tôi cảm nhận được rằng văn hóa của các bạn dành sự tôn trọng cho những người thầy đã dạy dỗ mình.

Cô Ishikawa Naomi: Đứng giữa vô số các loại nước mắm Việt không biết chọn loại nào đành "dùng mẹo" để chọn được nước mắm ngon

20/11 nghe chuyện cười ra nước mắt về cuộc sống xa nhà của thầy cô giáo Nhật ở Việt Nam: Làm quen với nước mắm, nem cuốn và chiếc xe máy mất tích bí ẩn trong tầng hầm - Ảnh 3.

Cô Ishikawa Naomi: Giáo viên hệ quốc tế Nhật Bản JIS/ Thời gian sinh sống tại Việt Nam: > 1 năm

Tôi năm nay 64 tuổi, không có con cái. Giờ vợ chồng tôi đang sống xa nhau, chồng tôi đang sống ở bên Tokyo, còn tôi sống ở Hà Nội. Chúng tôi đã có hơn 40 năm bên nhau. Ông ấy cũng về hưu rồi và vui vẻ với những sở thích của mình, như công việc đồng áng, chăm sóc vườn tược cây cối. Tôi cũng tính là sau khi hoàn thành công việc ở bên này sẽ về nước để trồng hoa, trồng rau với chồng.

Bây giờ hầu như tôi hay tự nấu ăn ở nhà. Ban đầu, tôi chỉ làm toàn món Nhật nhưng cũng thử làm vài món giữa Nhật Bản và Việt Nam. Dạo gần đây, tôi thử dùng nước mắm và mắm tép như người Việt.

Và có câu chuyện buồn cười là khi đi mua nước mắm thì tôi thấy có vô số các loại nước mắm xếp ở đó và chẳng biết nên chọn loại nào. Lúc thấy một người Việt chọn nước mắm, tôi đã hỏi "ngon không” và khi họ bảo ngon thì tôi yên tâm mà mua theo. Loại nước mắm này có mùi khá là thơm, chấm với rau cũng khá ngon.

Tôi thích nấu ăn và hay mua rau ở một cửa hàng quen. Tôi cũng thích ăn hàng. Tôi thích ăn một hàng bán bánh đa và nem cuốn gần nhà, tôi thấy rất ngon. Tôi biết làm bánh nhưng ở Việt Nam tôi hay mua bánh ngọt làm sẵn. Tôi thích bánh ngọt Việt Nam lắm, nhất là loại có rắc vụn dừa bên trên, tôi cũng không biết gọi tên nó là gì nữa.

Theo tôi bản chất của nghề giáo là nghề giúp đỡ học sinh có thể tự thân vận động. Không phải là nói gì làm nấy mà chính là bản thân tự nghĩ xem mình muốn làm gì và tự mình làm theo những điều mình mong. Tôi thấy giáo dục chính là để tạo nên những đứa trẻ như vậy.

Ở Nhật, ngày nhà giáo đã không còn tồn tại nữa. Người ta giờ không quá coi trọng mối quan hệ khăng khít giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Vậy nên, tuy chúng tôi hiểu rằng giữ sợi dây liên lạc với phụ huynh học sinh là điều cần thiết, nhưng không có chuyện giáo viên cùng ăn uống chuyện trò với phụ huynh như ở đây.

Vì thế lần đầu biết tới ngày 20/11 vào năm ngoái tôi đã vô cùng kinh ngạc. Tôi không ngờ lại có ngày cảm ơn nghề giáo như thế ở Việt Nam. Tuy chúng tôi là giáo viên người nước ngoài nhưng cũng vẫn nhận được sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh và học sinh, điều đó khiến cho tôi thực sự rất vui và xúc động.

ĐX

Cùng chuyên mục
XEM