2% và góc sáng trong Covid-19 đằng sau con số 135.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường

16/03/2021 07:00 AM | Kinh doanh

Tính từ thời điểm tháng 1/2020 - mốc thời gian diễn ra Covid-19 đến cuối tháng 2/2021, đã có 135,3 nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Trong bức tranh tưởng chừng chỉ toàn gam màu tối, vẫn có 2% doanh nghiệp Việt nhìn thấy cơ hội rất lớn trong đại dịch...

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Economica Việt Nam. Ảnh: VnExpress.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Economica Việt Nam. Ảnh: VnExpress.

"Covid-19 sẽ giúp hình thành một khu vực doanh nghiệp mới năng động hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn", TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Công ty Economica Việt Nam - chia sẻ tại sự kiện mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) tổ chức.

Góc sáng trong Covid-19 đằng sau con số 135 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường

Tính từ thời điểm tháng 1/2020 - mốc thời gian diễn ra Covid-19 đến cuối tháng 2/2021, đã có 135,3 nghìn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Cụm từ "rời khỏi thị trường" được dùng trong thống kê để gọi chung các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể.

Theo báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do VCCI và World Bank thực hiện, 87,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực". Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung. Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, có 2% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng Covid-19 có tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn là tích cực".

2% và góc sáng trong Covid-19 đằng sau con số 135.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường - Ảnh 1.

Nguồn: VCCI.

"2% doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội rất lớn từ thị trường. Tôi tin nếu nhìn đầy đủ hơn vào một số ngành cụ thể, con số có thể lớn hơn", TS. Lê Duy Bình nhận định.

"Covid-19 có sức tàn phá vô cùng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, thể hiện qua số lao động bị ảnh hưởng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nhưng chúng ta cũng thấy đại dịch Covid này trong trung và dài hạn, sẽ tác động rất lớn đối với việc tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp của Việt Nam".

Vị Giám đốc của Economica Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận câu chuyện rất nhiều doanh nghiệp không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, không tiếp tục thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, không điều chỉnh, chắc chắc sẽ phải rút lui khỏi thị trường.

Nhưng thay vào đó, một khu vực doanh nghiệp mới sẽ hình thành - năng động hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Những chính sách hỗ trợ tưởng chừng như không thể

2% và góc sáng trong Covid-19 đằng sau con số 135.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường - Ảnh 2.

Ở góc độ doanh nghiệp, vẫn có 10% doanh nghiệp không ảnh hưởng bởi Covid-19, theo báo cáo. Các doanh nghiệp có biện pháp quản trị rủi ro sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất ngay trong bối cảnh rất xấu như đại dịch Covid.

"Đại dịch Covid cũng đẩy mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam và của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng ở mức 2,91%, nhưng theo một số thống kê, ngành kinh tế số vẫn tăng trưởng 30% - 35%".

"Điều này cho thấy trong tổng thể nền kinh tế vẫn có một số khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Với sự tăng trưởng này, chắc chắn sẽ hình thành một cấu trúc mới của nền kinh tế trong tương lai", TS. Bình nói.

Một góc độ tích cực khác trong Covid-19 mà ông Bình đề cập là công tác quản trị công, mà nếu tận dụng tốt, chúng ta có thể mang lại tác động tốt cho khu vực doanh nghiệp cũng như những đơn vị kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020

"Trong đại dịch, chúng ta đã thực hiện được những chính sách mà tưởng chừng như trước đây không thể", ông Bình nói.

Một trong những ví dụ ông Bình đưa ra là lĩnh vực đầu tư công. Trước năm 2020, lĩnh vực đầu tư công rất khó khăn. Trong 2019, vốn giải ngân đầu tư công không đạt kế hoạch, mặc dù bối cảnh kinh tế vô cùng thuận lợi. Cụ thể, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2019 ước tính đạt 342,9 nghìn tỷ đồng, bằng 89,5% kế hoạch năm và tăng 5,8% so với năm trước (năm 2018 thực hiện bằng 92,1% kế hoạch).

Sang năm 2020, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

"Đây là cơ hội để chúng ta nhận ra chúng ta hoàn toàn có thểhiện thực hóa được những chính sách tốt, mang lại lợi ích trực tiếp cho nền kinh tế với cách thức thực hiện tốt hơn", TS. Bình bình luận.

Một khía cạnh tích cực khác là câu chuyện Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, giúp giảm bớt chi phí thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

"Với chính sách công, Covid cũng giúp chúng ta thấy rất nhiều chính sách, kể cả chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, hoặc những chính sách liên quan đến doanh nghiệp, cần được thiết kế phù hợp hơn với cơ chế vận hành của thị trường".

"Bên cạnh đó, những lĩnh vực khác như về an sinh xã hội, bảo vệ việc làm, hỗ trợ khu vực kinh tế phi chính thức… cũng đặt ra vấn đề rất lớn trong thời gian tới. Thời gian vừa qua, khu vực này bị ảnh hưởng lớn nhất và sự hỗ trợ cho họ dường như mới chỉ là một phần rất nhỏ so với những khó khăn mà họ gặp phải", Giám đốc Economica Việt Nam nhìn nhận.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM