2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài

30/10/2024 10:40 AM | Sống

Dư âm đêm Halloween kinh hoàng cướp đi mạng sống của 159 người trong 1 con hẻm vẫn còn đó.

Hai năm đã trôi qua kể từ thảm kịch đêm Halloween Itaewon diễn ra tại Hàn Quốc, nhưng công lý vẫn chưa được thực thi trọn vẹn cho các nạn nhân và gia đình họ. Vụ việc vẫn còn nhiều tranh cãi pháp lý chưa được giải quyết, gây thêm đau khổ cho những người liên quan.

2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài- Ảnh 1.

Người thân nạn nhân đến thăm lại con hẻm chết chóc ở Itaewon

Phán quyết trái chiều

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có đủ hành động để quy trách nhiệm cho những người có thẩm quyền và khắc phục các biện pháp an toàn còn thiếu sót. Những tranh chấp pháp lý chưa được giải quyết đã kéo dài nỗi đau của các gia đình nạn nhân và những người sống sót, khi các phiên tòa gần đây đưa ra những phán quyết trái chiều cho các quan chức phải chịu trách nhiệm về vụ thảm kịch chết người này.

Vào ngày 30/9, Tòa án quận phía Tây Seoul đã tuyên bố trắng án cho bà Park Hee-young, người đứng đầu Văn phòng quận Yongsan, và ba đồng nghiệp của bà. Tuy nhiên, tòa án lại kết tội ông Lee Im-jae, cựu Trưởng đồn cảnh sát Yongsan, tội danh sơ suất nghề nghiệp.

Sau phán quyết, người thân và gia đình các nạn nhân đã bật khóc và chỉ trích quyết định của tòa án là "không thể chấp nhận được". Họ nói rằng "hình phạt nghiêm khắc là điều cần thiết để xây dựng một xã hội an toàn, và việc để họ không bị trừng phạt sẽ khiến tai nạn xảy ra một lần nữa".

Trong phán quyết của mình, Tòa án quận phía Tây Seoul phán quyết rằng cảnh sát phải chịu trách nhiệm trực tiếp về an toàn công cộng, trong khi các văn phòng hành chính địa phương thì không. Đây là lần đầu tiên cơ quan tư pháp công nhận trách nhiệm nghề nghiệp của cảnh sát trong việc chỉ huy ứng phó an toàn tại hiện trường. Tòa án lưu ý rằng bà Park và văn phòng của bà không có nghĩa vụ pháp lý phải đưa ra một kế hoạch an toàn riêng cho các sự kiện không có ban tổ chức cụ thể. Tòa án cho rằng nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do “dòng người đổ về quá đông”, đồng thời tuyên bố rằng hành động của bà Park không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả.

2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài- Ảnh 2.

Gia đình của những người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở Itaewon đã rơi nước mắt trước Tòa án Quận phía Tây Seoul ở Quận Mapo, phía tây Seoul vào ngày 30 tháng 9, sau khi tòa tuyên trắng án cho giám đốc quận Park Hee-young, người bị truy tố về tội sơ suất nghề nghiệp.

Luật sư Choi Jong-yeon từ Văn phòng Luật Lao động và Nhân quyền nhận định rằng phán quyết đã thu hẹp khả năng áp đặt trách nhiệm dân sự đối với văn phòng quận, do các cáo buộc hình sự đã bị bác bỏ.

Luật sư Choi đề xuất rằng việc giải thích của tòa án nên mở rộng từ việc chỉ tập trung vào quy mô đám đông sang việc đánh giá “khả năng xảy ra tai nạn, bất kể số lượng người là bao nhiêu”.

Cựu Cảnh sát trưởng Yongsan, ông Lee, đã bị kết án ba năm tù giam mà không phải lao động, vì tòa án cho rằng ông có thái độ “tự mãn” mặc dù có nghĩa vụ phải lập kế hoạch an toàn cho toàn quận. Hai sĩ quan khác của đồn cảnh sát đã nhận án tù lên đến hai năm.

“Vụ giẫm đạp là một thảm họa do con người gây ra, đáng lẽ có thể ngăn chặn được nếu cảnh sát thực hiện đầy đủ nhiệm vụ bảo vệ an toàn công cộng theo quy định của pháp luật”, tòa án tuyên bố, giải thích rằng mật độ người đông ở con hẻm chật hẹp của Itaewon vào cuối tuần Halloween năm 2022 là điều có thể dự đoán và ngăn chặn được dựa trên thông tin được báo cáo lúc đó.

Bức xúc và kháng cáo

Tuy nhiên, cựu Cảnh sát trưởng Seoul Kim Kwang-ho, sĩ quan cấp cao nhất trong số những người bị truy tố, đã được tuyên trắng án về tội sơ suất nghề nghiệp vào ngày 17/10. Tòa án xác định rằng ông Kim không vi phạm nhiệm vụ đưa ra cảnh báo về nguy cơ giẫm đạp.

Hồi tháng 2, một sĩ quan tình báo thuộc cơ quan cảnh sát Seoul và hai sĩ quan thuộc đồn cảnh sát Yongsan đã bị kết tội giả mạo hồ sơ điện tử liên quan đến vụ tai nạn. Tháng 7 năm ngoái, Tòa án Tối cao đã nhất trí lật ngược quyết định luận tội của Quốc hội đối với Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min, người bị cáo buộc không hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn và giải quyết vụ giẫm đạp ở Itaewon. Tòa án tối cao phán quyết rằng hành động không chỉ định cơ quan kiểm soát an toàn trước của ông Lee không đồng nghĩa với việc vi phạm luật an toàn và thảm họa.

Các phán quyết trắng án và hình phạt nhẹ đã khiến các gia đình nạn nhân phẫn nộ. Sau khi bà Park Hee-young và ba quan chức quận được tuyên trắng án, gia đình các nạn nhân đã biểu tình bên ngoài tòa án, nói rằng họ “không thể chấp nhận phán quyết”.

2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài- Ảnh 3.

Cảnh sát tuần tra Hongdae, quận Mapo, phía tây Seoul vào ngày 26 tháng 10 năm 20224 để ngăn ngừa các vụ tai nạn liên quan đến đám đông trước lễ Halloween.

2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài- Ảnh 4.

2 năm sau thảm kịch Itaewon: Con hẻm tử thần đã vắng bóng người, nhưng con đường tìm kiếm công lý vẫn còn dài- Ảnh 5.

Hàng rào an toàn được lắp đặt tại Itaewon vào ngày 27 tháng 10 năm 2023. Hàng rào được dựng lên để ngăn chặn tình trạng quá tải.

Tại một cuộc họp báo, ông Lee Jeong-min, đại diện cho hiệp hội gia đình nạn nhân của thảm kịch Itaewon, gọi phán quyết là “tàn khốc”. Ông Lee nói: "Chúng tôi đã kêu gọi trách nhiệm giải trình và năng lực trong hai năm, nhưng phán quyết hôm nay thật đáng thất vọng".

Vào ngày 17/10, sau khi ông Kim Kwang-ho được tuyên trắng án, một số gia đình đã biểu tình tại tòa án, cáo buộc tòa án “miễn trừ” trách nhiệm cho cơ quan cảnh sát Seoul và chặn xe của ông Kim rời khỏi khu vực. Văn phòng Công tố quận phía Tây Seoul sau đó đã kháng cáo các phán quyết đối với các quan chức quận, sĩ quan cảnh sát và những người liên quan đến Khách sạn Hamilton.

Nguồn: JoongAng Daily

Theo Chi Chi

Cùng chuyên mục
XEM