2 năm nữa, giá vàng có thể lên đến gần 300 triệu đồng/lượng?
Đây là dự đoán được đưa ra bởi một nhà phân tích thị trường trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, sẽ có thêm nhiều ngân hàng phá sản trên khắp nước Mỹ.
Trong thời gian gần đây, một loạt các dữ liệu kinh tế tích cực báo hiệu khả năng phục hồi của nền kinh tế đã được công bố. Tại Mỹ, số liệu GDP quý 1 được điều chỉnh tăng mạnh và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 24/6 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023.
Trong tuần này, tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhắc lại rằng ngân hàng Trung ương có thể tăng lãi suất ít nhất 2 lần nữa trong năm nay.
Vàng được coi là công cụ phòng chống lạm phát. Vì vậy, khi có những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, cùng việc tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên giá vàng, kéo kim loại này giảm giá.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 30/6, giá vàng thế giới đầu ngày tiếp tục đi xuống còn 1.909,5 USD/ounce, giảm gần 3 USD so với sáng hôm qua. Thậm chí, trong đêm 29/6, có thời điểm kim loại quý này đã rớt xuống dưới 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3.
Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, Phillip Streible, cho biết: “Đó là cú đấm khiến vàng giảm thêm một bậc nữa... và sau đó các ngân hàng trung ương diều hâu đã không giúp được gì cả”.
Trước sự suy yếu của giá vàng, mới đây, một nhận định gây sốc liên quan đến việc tăng giá vàng đã nhận được sự quan tâm của không ít nhà đầu tư.
Cụ thể, theo nhà phân tích thị trường Tom Luongo (tác giả xuất bản của Gold, Goats 'n Guns), trong 2 năm tới, giá vàng sẽ có thể sẽ tăng cao.
Năm ngoái, nhà phân tích này đã từng dự báo chính xác về việc Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phạm vi 4,5 - 6% vào năm 2023. Khi đó, nhiều nhà phân tích khác đang dự báo về viễn cảnh xoay trục hoặc tạm dừng chính sách thắt chặt.
Theo quan điểm của nhà phân tích này, khi FED thắt chặt tiền tệ, sẽ có thêm nhiều ngân hàng phá sản trên khắp nước Mỹ. Cùng với đó, các khoản vay bất động sản thương mại mà nhiều ngân hàng phải đối mặt sẽ là chất xúc tác cho một loạt sự sụp đổ tiếp theo của hệ thống ngân hàng Mỹ. Khi hệ thống ngân hàng sụp đổ và nền kinh tế bước vào suy thoái, các tài sản cứng như vàng sẽ được hưởng lợi.
Về tầm nhìn dài hạn, ông Tom Luongo dự báo: “Nếu xét với viễn cảnh tương tự với năm 1970, giá vàng tối thiểu sẽ dao động từ 8.000 - 10.000 USD trong 2 năm tới (tương đương với khoảng hơn 270 triệu đồng/lượng). Trường hợp đồng USD suy yếu, mọi thứ có thể trở nên rất thú vị đối với giá vàng và các nhà đầu tư vàng".
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng được dự đoán tăng lên mức 10.000 USD. Trước đó, trong năm 2021, có rất nhiều chuyên gia nhận định, kim loại quý này sẽ tăng mạnh. Đơn cử như công ty quản lý tài sản Incrementum AG tại châu Âu dự báo rằng dưới áp lực của lạm phát, giá vàng có thể tăng lên mức 10.000 USD/ounce trong vòng một thập kỷ tới. Như vậy, theo dự đoán của quỹ, vàng lên mốc 10.000 USD vào năm 2031, muộn hơn 6 năm so với dự đoán của ông Tom Luongo.
Hay như dự báo của ông Pierre Lassonde, CEO của Firelight Investments, cựu Chủ tịch Hội đồng Vàng Thế giới hồi năm 2022 cho rằng: "Lạm phát hiện nay tương tự những năm 1970. Từ 1976-1981, lạm phát luôn tăng đều qua các năm. Lạm phát tăng khiến lãi suất và đồng USD cũng liên tục tăng giá. Và giá vàng cũng không nằm ngoài xu hướng tăng. Đây là điều mà chúng ta có thể sẽ thấy trong 4 năm tới... Về dài hạn, trong 5 năm tới, tỷ lệ Dow trên vàng có thể thu hẹp lại còn 2:1, đồng nghĩa với việc chỉ số Dow Jone giảm còn 20-30%. Điều này có thể khiến giá vàng đạt mức 10.000 USD/ounce".
Tại thị trường trong nước, trong những năm qua, giá vàng đã ổn định hơn, hiện tượng buôn lậu, đầu cơ tích trữ vàng đã phần nào được hạn chế. Chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thành công thị trường vàng.
Hôm nay, giá vàng SJC giao dịch ở mức 66,35 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Với mức giá dự đoán trên, để sở hữu 1 lượng vàng, nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền hơn 280 triệu đồng (tỷ giá hối đoái tại VCB là 23.380 đồng/USD).