2 năm chạy đua biến "nắng và gió" thành tiền: Nhà đầu tư vẫn muốn thêm ưu đãi cho năng lượng tái tạo

31/12/2020 14:05 PM | Kinh doanh

Năm 2020 đầy biến động sắp kết thúc, với ngành năng lượng tái tạo cũng sắp chạm đến một dấu mốc quan trọng. 31/12/2020 là thời hạn dừng áp dụng giá bán điện feed – in – tariff (FIT) ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Đáo hạn cuộc đua ưu đãi giá FIT

Cơ chế giá FIT tạo động lực mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm nay, Việt Nam sở hữu 10.000 MW công suất phát điện mặt trời, gấp gần 12 lần so với kế hoạch đặt ra của quy hoạch điện VII, ông Bùi Quốc Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020 (VBF) vừa được tổ chức.

Trước năm 2019, không có nhà máy điện mặt trời nào đấu nối lưới điện 110kV trở lên, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, 89 nhà máy với tổng công suất 4.550 MW được thử nghiệm, đóng điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Sự có mặt kịp thời của năng lượng tái tạo góp phần giảm bớt khó khăn về nguồn điện trong giai đoạn nửa cuối năm 2019 khi tình hình thủy văn kém.

Năng lượng tái tạo mà các chủ đầu tư thực hiện chủ yếu tập trung vào điện mặt trời với tỷ trọng hơn 90% công suất. Trên thực tế, dự án điện mặt trời thực hiện nhanh và suất đầu tư thấp hơn nhiều so với điện gió.

Nhưng sự phát triển quá nóng của điện mặt trời dẫn đến một hệ quả, lưới điện quá tải. Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã phải thừa nhận rằng, quy hoạch điện VII đã không lường trước được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo. Sự phát triển không đồng bộ của hạ tầng truyền tải (chủ yếu do thiếu nguồn lực) khiến cho các dự án điện mặt trời vận hành mà không giải tỏa được hết công suất.

Doanh nghiệp muốn thêm nữa

 2 năm chạy đua biến nắng và gió thành tiền: Nhà đầu tư vẫn muốn thêm ưu đãi cho năng lượng tái tạo  - Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời 450 MW của Trung Nam Group lớn nhất Đông Nam Á

Năm 2020, lần đầu tiên một đơn vị tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện 500 kV, CTCP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group). Đây là một cấu phần của dự án bao gồm trạm biến áp và nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW lớn nhất Việt Nam. Trung Nam Group là một ví dụ cho việc tư nhân tự giải quyết bài toán truyền tải, san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp Nhà nước.

Nhưng không chỉ có vậy, dự án Trung Nam Thuận Nam lại cho thấy một thực tế khác. Dù hoàn thành đóng điện trước 31/12/2020, nhưng Trung Nam Thuận Nam lại không được hưởng ưu đãi giá FIT cho toàn bộ công suất dự án. Nguyên nhân do công suất các dự án điện mặt trời tích lũy tại tỉnh Ninh Thuận đã vượt quá hạn ngạch 2.000 MW theo quyết định của Chính phủ. Dự án điện mặt trời Thiên Tân 1 công suất 250 MW cũng trong tình trạng tương tự.

Trước thực trạng này, Ninh Thuận đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung "quy định đặc thù" về phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, áp dụng giá bán 7,09 USDcent với phần công suất vượt quá hạn của một số dự án, trong đó hai dự án trên.

Xin Chính phủ thêm ưu đãi cũng là điều được Nhóm Công tác Điện và Năng lượng (PEWG) đề cập tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm này đề xuất xem xét gia hạn giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, tốt nhất là 12 tháng so với hiện tại cho cả nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Bên cạnh đó, gia hạn FIT cho điện gió trên đất liền thêm 6 tháng, tiếp theo là áp dụng FIT mới khả thi cho các dự án điện gió trên đất liền nối lưới vào cuối năm 2023, và gia hạn hai năm đối với FIT gió ngoài khơi hiện tại đến cuối năm 2023.

PEWG cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì cơ chế giá khuyến khích để tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển điện mặt trời.

Nhưng quan điểm từ phía Bộ Công thương, đại diện là ông Bùi Quốc Hùng nói rằng: "Sẽ không có cơ chế giá FIT cho điện mặt trời sau năm 2020".

Áp lực tài chính của EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cho biết Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu mô hình, quy mô và giá mua bán điện cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà sau khi Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực. Do vậy kể từ 1/1/2021, cơ chế mua điện mặt trời mái nhà sẽ phải đợi cho đến khi có quyết định mới.

Cũng cần phải hiểu rằng, việc mua điện tái tạo giá cao khi mà quy mô công suất tăng quá nhanh chóng sẽ gây áp lực tài chính không nhỏ cho EVN. Đây là điểm cần cân đối kỹ càng bên cạnh việc thúc đẩy phát triển điện tái tạo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 2 năm chạy đua biến nắng và gió thành tiền: Nhà đầu tư vẫn muốn thêm ưu đãi cho năng lượng tái tạo  - Ảnh 2.

Theo viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), EVN đang đứng trước rủi ro tiềm ẩn về tài chính trong bối cảnh áp lực thanh toán cho các hợp đồng mua điện dài hạn từ các nhà máy điện độc lập ngày càng lớn.

Năm 2019, biên lợi nhuận gộp của EVN sụt giảm mạnh, chủ yếu do chi phí phát điện tăng tại các nhà máy nhiệt điện than. Công suất hòa lưới điện dự kiến sẽ tăng mạnh đến 2023, phần lớn từ điện tái tạo và điện than, điều này dẫn đến hệ quả chi phí mua điện của EVN được dự báo sẽ tăng thêm 71% (14,4 tỷ USD), chiếm 60% chi phí hoạt động.

"Thay vì đi vay để mở rộng tài sản nền của bản thân, EVN nay phải đối mặt với nguy cơ nếu giá điện tăng không đủ nhanh thì tập đoàn sẽ phải đi vay nợ để chi trả cho các khoản thanh toán nhà máy điện độc lập (IPP) ngày một lớn," báo cáo của IEEFA viết.

Nắng gió trở thành tiền

Dữ liệu thu thập của chúng tôi cho thấy tiềm năng lợi nhuận của các dự án điện tái tạo mà đặc biệt là điện mặt trời thực sự ấn tượng, đây là lý do chính thu hút sự đổ bộ của doanh nghiệp tư nhân.

Trên 10 dự án điện mặt trời quy mô lớn top đầu của Việt Nam đều đồng loạt báo lãi trong năm vừa rồi. Trong số này, có những dự án mới chỉ đi vào vận hành thương mại được vài tháng đến nửa năm.

Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) công suất tối đa 420 MWP lớn nhất Đông Nam Á của liên doanh Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) đạt doanh thu 807 tỷ đồng, lãi sau thuế tới 456 tỷ đồng.

Liên doanh của BIM Group và AC Renewables là chủ đầu tư cụm 3 nhà máy điện tại Ninh Thuận (BIM 1, BIM 2, BIM 3) công suất 330 MWP, khánh thành cuối tháng 4/2019. BIM Renewable Energy đạt doanh thu 703 tỷ đồng, lãi sau thuế 344 tỷ đồng.

Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam vận hành nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỷ đồng, lãi 94 tỷ.

Dự án TTP Phú Yên (Hòa Hội) 257 MWP do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với tập đoàn B. Grim (Thái Lan) khánh thành cuối tháng 6/2019, nhưng báo doanh thu 407 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng…

 2 năm chạy đua biến nắng và gió thành tiền: Nhà đầu tư vẫn muốn thêm ưu đãi cho năng lượng tái tạo  - Ảnh 3.

Thực tế ngoài giá mua cao, ưu đãi về thuế cũng là một cú hích quan trọng đối với các chủ đầu tư điện tái tạo. Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 4/2020 nói rằng các doanh nghiệp có thể được nhận mức thuế xuất thuế TNDN 10% trong vòng 15 năm; miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong vòng 9 năm tùy vào địa bàn thực hiện.

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu cũng được miễn đối với hàng hóa tạo tài sản cố định; miễn thuế nhập khẩu 5 năm đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ dự án. Ngoài ra, các dự án cũng có thể có thêm ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất theo từng địa phương…

Tuy vậy, đa phần dự án điện mặt trời đều sử dụng đòn bẩy tài chính cao, một đồng vốn cõng đến hai, ba thậm chí 5 đồng vay. Nhưng cũng nhờ làm điện tái tạo, nhiều khoản vay được tổ chức tài chính quốc tế cấp với lãi suất thấp, vô hình chung cũng trở thành lợi thế dành cho các chủ đầu tư trong lĩnh vực này.

Nước ngoài ồ ạt thâu tóm

Sức hấp dẫn của điện mặt trời không chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư nội, nhiều công ty nước ngoài nhất là từ Thái Lan thực sự ưa thích các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Như đã đề cập, B. Grimm Power đầu tư hai dự án điện mặt trời quy mô lớn tại Tây Ninh và Phú Yên thông qua hình thức liên doanh với các công ty Việt Nam.

Gluf hợp liên doanh với Tập đoàn Thành Thành Công phát triển hai dự án điện mặt trời TTC1 (62 MW) và TTC 2 (45 MW) tại Tây Ninh, tỷ lệ nắm giữ ban đầu 49% nhưng sau đó tăng lên 90% vào tháng 5 năm nay. Chưa hết, Gluf hiện còn sở hữu 95% cổ phần trong dự án điện gió Mekong (28,5 MW) đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đây cũng là dự án ban đầu thuộc về Thành Thành Công.

Sẽ không thể bỏ qua Super Energy Corporation, công ty trở thành hiện tượng điển hình cho việc người Thái đổ bộ vào các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Ròng rã từ giữa năm 2018, Super thực hiện mua lại cổ phần và đầu tư vào 14 dự án (gồm cả điện mặt trời và điện gió). Một số cái tên bao gồm: Điện gió Công Lý 1, Phan Lâm 1 (37 MW), Bình An (50 MW), Sinenergy Ninh Thuận (50 MW), Văn Giáo 1 (50 MW), Văn Giáo 2 (50 MW), điện gió HBRE Gia Lai (50 MW), HBRE Phú Yên (200 MW), Công Lý Sóc Trăng (30 MW), Công Lý Bạc Liêu (142 MW), điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (50 MW) và 4 dự án tại Bình Phước từ Lộc Ninh 1 – Lộc Ninh 4.

Trong 9 tháng đầu năm, Super thu về 580 tỷ đồng doanh thu từ các dự án đã vận hành thương mại tại Việt Nam.

 2 năm chạy đua biến nắng và gió thành tiền: Nhà đầu tư vẫn muốn thêm ưu đãi cho năng lượng tái tạo  - Ảnh 4.

Ông Jormsup Lochaya - Chủ tịch Super Energy Corporation (Ảnh: The Nation Thailand)

Cái tên Thái gần nhất ra nhập danh sách này là Gunkul, riêng trong năm nay công ty này bỏ ra khoảng 3.400 tỷ đồng để trở thành chủ sở hữu của 4 dự án điện mặt trời tại Việt Nam: Tân Châu (50 MW), Phong Điền II (50 MW), Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1 (tổng công suất 60 MW)…

Không chỉ Thái Lan, nhiều dự án điện tái tạo của Việt Nam cũng được sang tay cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Philippines, Singapore, Ả-rập Xê-út…

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương điều này hết sức bình thường theo cơ chế thị trường. Các nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý, vận hành nhà máy. Sự tham gia của họ đêm lại nguồn lực tài chính và lợi ích tổng thể cho các dự án.

Sau FIT sẽ là gì?

Theo Bộ Công thương, cơ quan này đang xây dựng cơ chế đấu thầu từ tên gọi cho đến chương trình thí điểm xác định giá bán điện mặt trời sau năm 2020 (đã được bổ sung quy hoạch) khi không còn áp dụng giá FIT. Bộ đang xin ý kiến các bộ ngành để hoàn thành trước khi trình Chính phủ. Cơ chế này dự kiến áp dụng một lần với điện mặt trời sau khi phối hợp với các tổ chức, ngân hàng như World Bank, ADB để hoàn thiện sau đó sẽ áp dụng cho điện gió. Đối với điện gió ngoài khơi hiện còn nhiều bất cập về định nghĩa, Bộ Công thương cần nghiên cứu thêm để xác định chính sách cho đúng đối tượng và áp dụng chính sách phù hợp.

Trong những năm vừa qua, tăng trưởng nhu cầu điện khoảng 10,5%, Viện Năng lượng dự báo mức tăng vào khoảng 8% - 9% trong giai đoạn 2021 – 2030.

Chia sẻ về quy hoạch điện VIII, Viện Năng lượng cho biết, tỷ trọng điện tái tạo dự kiến chiếm 30%, năng lượng sạch LNG cũng được quan tâm. Các dự án điện than được phê duyệt trong quy hoạch điện VII vẫn được tiếp tục, tuy nhiên Viện không có định hướng đưa vào phát triển các dự án điện than mới sau năm 2030. Đến năm 2045, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 40%.

Để đáp ứng kế hoạch phát triển năng lượng, nhu cầu vốn bình quân mỗi năm trên 13 tỷ USD cho nguồn điện và lưới điện, trong đó nguồn điện chiếm 73%. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách cởi mở để thu hút nguồn vốn.

Đông A

Cùng chuyên mục
XEM