2 công ty dược phẩm hàng đầu thế giới bị chỉ trích thiếu minh bạch thông tin thử nghiệm vắc xin Covid-19
Công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca trong ngày thứ Bảy công bố đã khôi phục lại thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại Anh sau khi ngưng lại thử nghiệm này 6 ngày trước.
Công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca trong ngày thứ Bảy công bố đã khôi phục lại thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 tại Anh sau khi ngưng lại thử nghiệm này 6 ngày trước đó bởi những lo lắng về độ an toàn của vắc xin. Thử nghiệm lâm sàng vắc xin tại Mỹ và một số nước khác vẫn được duy trì.
Theo New York Times, thông tin trên được công bố cùng ngày với việc công ty dược phẩm Pfizer thông báo sẽ mở rộng thử nghiệm lâm sàng với 44.000 người. Con số này cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 30.000 người trong nỗ lực đa dạng hóa những người tham gia, đồng thời giảm thời gian cần thiết để có thể có kết quả lâm sàng cuối cùng.
Những diễn biến mới không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về việc khi nào sẽ có vắc xin, nó cũng đồng thời cho thấy quá trình phát triển vắc xin có thể có những diễn biến bất ngờ đến như thế nào. Mọi chuyện diễn ra khi mà thế giới đang tuyệt vọng chờ đợi một yếu tố gì đó có thể chấm dứt được đại dịch.
Thông báo của cả hai công ty đều thiếu đi chi tiết quan trọng, điều này không khỏi khiến nhiều người chỉ trích rằng cả hai công ty đều không đủ cởi mở về dữ liệu mà họ đang thu thập.
AstraZeneca không công bố thêm thông tin nào lý giải cho quyết định nối lại hoạt động thử nghiệm lâm sàng và cũng không đưa ra thêm bất kỳ lý giải nào về ca bị ốm do dùng vắc xin của hãng dẫn đến quyết định tạm ngưng thí nghiệm lâm sàng mới đây. Pfizer cũng không giải thích hãng dùng tiêu chí nào để quyết định về hiệu quả của vắc xin trong đợt thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn lần này.
Giáo sư ngành y học phân tử đồng thời là một chuyên gia về thử nghiệm lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Scripps tại San Diego, ông Eric Topol, hoàn toàn không hài lòng về thông báo mới nhất của 2 công ty dược phẩm này, ông cho rằng họ đang cố gắng che giấu thông tin quan trọng: "Công chúng có quyền được biết những gì đang diễn ra, tương lai phụ thuộc vào đó".
Hai công ty dược phẩm AstraZeneca và Pfizer là hai trong số ba công ty hiện đang thử nghiệm vắc xin lâm sàng trên quy mô lớn tại Mỹ. Moderna là công ty còn lại cũng đang tham gia vào cuộc chạy đua phát triển vắc xin này.
Cả ba công ty cho biết họ kỳ vọng sẽ có vắc xin trước thời điểm cuối năm nay. Trong ngày thứ Bảy, Pfizer từng nhắc lại những tuyên bố trước đây rằng công ty sẽ có thể có câu trả lời về việc liệu có được vắc xin hay không trước thời điểm cuối tháng 10/2020.
Tất cả ba công ty này đều đã ký kết thỏa thuận hàng tỷ USD với chính phủ Mỹ để nhận được nhận được hỗ trợ của chính phủ Mỹ với nghiên cứu của họ hoặc để cung cấp vắc xin nếu đủ độ an toàn và hiệu quả.
Quá trình chạy đua để có vắc xin không khỏi hứng chịu nhiều chỉ trích bởi Tổng thống Trump đã và đang vận động để có vắc xin trước thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020. Nhiều người không khỏi lo ngại ông đang cố tình chính trị hóa quá trình phát triển vắc xin.
Trước nhiều chỉ trích như vậy, công ty và đại diện liên bang đã đưa ra một số cam kết sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc khoa học. Bản thân người Mỹ cũng ngại ngần tiêm vắc xin bởi họ cho rằng quá trình phát triển vắc xin đã được thực hiện quá vội vàng, chính vì vậy các công ty cần phải thể hiện sự minh bạch nhiều hơn nữa mới có thể trấn an được dư luận.
Trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, được biết đến là giai đoạn 3, những công ty phát triển vắc xin thường cần đến hàng chục nghìn người. Một nửa trong số này sẽ được tiêm huyết tương, nửa còn lại được tiêm vắc xin.
Các nhà nghiên cứu theo dõi chặt chẽ các thành viên tham gia thử nghiệm để nắm được đầy đủ các phản ứng phụ.