2 cha con sống trên xe buýt xuyên mùa dịch: 'Con cứ hỏi sao không về nhà là đau thắt lòng'
Không còn tiền đóng trọ, gần 50 tài xế, tiếp viên xe buýt tại TP.HCM đã sinh sống trên xe suốt dịch Covid-19.
Giữa trưa, anh Trần Phú Quý (41 tuổi) xách một can nước lớn, vội tắm rửa cho đứa con trai với mong mỏi có thể khiến nó mát hơn khi ngủ. Thế nhưng, dường như đã quá quen, thấy bố vừa mắc chiếc võng lên cạnh xe buýt, thằng bé đã thiếp đi ngon lành.
"Mấy ngày đầu ra đây, nó chưa quen, đêm nào bị muỗi cắn cũng lật qua lật lại hỏi anh sao không về nhà. Con nhắc là mình đau thắt lòng…" - anh Quý gượng cười.
Anh Quý tắm rửa cho con buổi trưa với mong mỏi có thể làm thằng bé đỡ nóng hơn.
TRỒNG RAU, NẤU ĂN TRÊN XE BUÝT SUỐT MÙA DỊCH
Tại bãi xe buýt ĐH Quốc gia (Thủ Đức, TP.HCM) rất dễ để bắt gặp những hoàn cảnh như anh Quý.
Từ tháng 6, khi các chuyến xe buýt thành phố dừng hoạt động vì ảnh hưởng Covid-19, anh Quý cùng nhiều đồng nghiệp không còn chi phí nên đã quyết định trả phòng trọ, khăn gói dọn ra xe cư trú.
"Mình tủi lắm chứ! Vì ăn uống, tắm rửa, chén bát… tất cả đều trên xe. Nguời lớn sao cũng được nhưng con nít thì bất tiện vô cùng. Được cái con hiểu chuyện, chưa bao giờ đòi hỏi ăn ngon, mặc đẹp nên mình quen dần…" - anh Quý nói.
Cha con anh Quý đã sống trên xe buýt suốt 4 tháng dịch Covid-19.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chính quyền hạn chế đi lại, cả tài xế và tiếp viên đều phải trông chờ vào sự giúp đỡ của các đoàn từ thiện. Thế nhưng, vì không đủ lương thực cho hơn 50 người nên các tài xế đã quyết định đào đất, trống rau cải thiện bữa ăn.
"Lúc đầu chẳng ai nghĩ trong bến xe có người nên bị bỏ sót. Chính quyền hỗ trợ thêm cho đi chợ 2 lần/tuần vẫn không thể mua thức ăn nhiều ngày cho 50 người. Anh và mấy đứa sau mới mua luôn bịch hạt giống, đất trước xe cứ xới lên mà trồng. Hôm nào không có thì cứ ăn mì tôm. Suốt 4 tháng như thế…"
Tiếp viên, tài xế tự trồng rau để cải thiện bữa ăn.
Ban ngày nắng biến chiếc xe thành cái lò nung, ban đêm thì muỗi bu kín,... Suốt tháng đầu tiên, đêm nào cha con anh Quý cũng trăn trọc không thôi. Con liên tục hỏi ngày được trở về nhà. Nhưng đứng trước câu hỏi của con trai, anh Quý chưa bao giờ trả lời.
5h chiều, Thạch Chăm Pha (30 tuổi) cùng nhiều đồng nghiệp đã về tới bến. Từ ngày thành phố ra thông báo "bình thường mới", hơn 1 nửa nhóm tiếp viên đã về quê nhà, nửa còn lại để có tiền trang trải chi phí thì chấp nhận đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng. Mỗi ngày như thế họ được ông chủ trả cho 300.000 đồng.
"Bây giờ công trình còn ít nên để đảm bảo ai cũng có tiền anh em sẽ chia ca để mọi người cùng đi làm…" - anh Dương (tài xế) giải thích.
Thạch Chăm Pha mắc bệnh tim, từ bé đã sống nhờ máy và thuốc uống liên tục mỗi ngày. "Đến tháng dịch thuốc tự nhiên hết. Lúc đó, anh Quý phải đi xin chính quyền, kịp chở mình đến Chợ Rẫy chứ chẳng biết thế nào nữa. Tiền bạc thì anh em trong bến cho, phần còn lại mượn thêm chủ xe, nhưng chẳng biết bao giờ mới trải lại được" - Pha nói.
Xe buýt thành nơi ngủ nghỉ, ăn uống, sinh hoạt của hơn 50 tài xế, tiếp viên.
MONG ĐỢI TỚI NGÀY MỌI THỨ BÌNH THƯỜNG
Giữa tháng 10, Triều (28 tuổi) ho kéo dài. Qua xét nghiệm Covid-19, anh và bạn ở cùng tên Thành đều cho kết quả dương tính với vi-rút. Khi đó, cả hai chàng thanh niên nhanh chóng rơi vào hoang mang.
Triều cho hay: "3 tháng nghỉ không có tiền, ở phòng chẳng biết ai sẽ chăm sóc. Gọi về nhà thì bố mẹ ở xa chỉ làm họ lo hơn nên cả hai quyết định về nhà, đóng cửa tự cách ly…"
Nhận được tin, chị Mai Thị Hồng và anh Trần Phú Quý quyết định sẽ đứng ra lo chi phí chăm sóc cho 2 bạn trẻ. "Chị còn phải tằn tiện mỗi tháng gửi tiền về quê cho mẹ già nữa! Thế nhưng ở chung với nhau, giờ người của mình bị dương tính chẳng lẽ mình bỏ mặc. Thế là chị quyết định hùn tiền nấu cơm để giúp đỡ cho nhiều anh em ở xã đoàn", chị Hồng nói.
Mọi người đùm bọc lẫn nhau để sớm vượt qua khó khăn.
Chị Hồng phụ trách nấu ăn trưa. Anh Quý phụ trách các buổi còn lại. May mắn, từ ngày các tổ chức thiện nguyện biết tới, mâm cơm cho anh chị em tiếp viên tại bến xe mới được cải thiện nhiều.
"Mình không có tiền, không bà con thân thích mà anh chị còn bỏ tiền túi, công sức ra giúp đỡ nên vui lắm chứ! Chỉ mong hết 15 ngày, xe được chạy lại, mình đi làm kiếm tiền trả lại cái ơn cho anh chị" - Thành cười.
Từ ngày 1/11, nhiều tuyến buýt tại TP.HCM được cho phép hoạt động trở lại, nhận tin đội ngũ tài xế đã tất bật sửa sang từ sớm. Thế nhưng, vì sinh viên chưa trở lại trường học, chỉ 30% tổng số lượng xe được phép xuất bến vẫn khiến nhiều người lo lắng.
"Hôm bữa đọc báo thấy có xe đi 10 chuyến mới bán được 20 vé, như thế còn tính ra đủ tiền ăn trưa cho cả tài xế! Chỉ mong mọi thứ sớm trở lại bình thường để tụi anh còn sớm quay trở lại cuộc sống…" - anh Quý nói.
Mọi người sửa sang xe để chuẩn bị cho ngày thành phố cho hoạt động trở lại.
4 tháng dịch Covid-19, anh Quý đã vay mượn chủ xe hơn 20 triệu đồng để chăm đứa con nhỏ. Số tiền đó bằng 3 tháng lương anh làm lụng vất vả.
Anh tính sẽ đi xe đến qua Tết, mỗi tháng trừ dần vào số nợ. Nhưng dịch Covid-19 kéo dài đến bao giờ, xe buýt khi nào được trở lại hoạt động bình thường thì anh cũng chẳng biết nữa…
"Cố bám trụ thành phố, còn không được nữa, đến khi nào đứt dây đàn thì khăn gói về quê thôi" - anh Quý nói.
"Mỗi tháng lương mình 7 triệu đồng, gồng gánh nuôi 2 con. Cố bám trụ thành phố, còn không được nữa, đến khi nào đứt dây đàn thì khăn gói về quê thôi" - anh Quý cười, đôi mắt đăm đăm nhìn về phía xa, nói.