2/3 kịch bản cho thấy ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể kiểm soát Trung Nguyên, nhưng để quyết định vận mệnh của tập đoàn này thì chưa chắc
Trước ngày phán quyết, có 2/3 số kịch bản cho thấy ông Vũ có khả năng giữ cổ phần kiểm soát Trung Nguyên, nhưng để quyết định toàn bộ hướng đi của tập đoàn này lại là một câu chuyện khác.
Vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập Đoàn Trung Nguyên và vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, người đang nắm giữ thương hiệu cà phê riêng King Coffee đã trở thành chủ đề "nóng" trên truyền thông trong suốt thời gian qua.
Những người theo dõi vụ ly hôn này đều đồng ý, mâu thuẫn không chỉ nằm ở phần tài sản nghìn tỷ mà quan trọng hơn là quyền sở hữu cổ phần Trung Nguyên, đồng nghĩa với quyền quyết định hướng đi, vận mệnh của tập đoàn này trong tương lai.
Ở thời điểm hiện tại, về cơ cấu và loại hình hoạt động, Trung Nguyên là Công ty cổ phần quản trị theo cách thức gia đình, chưa đại chúng. Mấu chốt nắm quyền kiểm soát hiện nay nằm ở tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), đơn vị sở hữu tới 70% cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên.
Nghĩa là ai nắm cổ phần nhiều hơn tại Trung Nguyên Investment sẽ là người chủ cuối cùng của Tập đoàn Trung Nguyên.
Nếu chiếu theo biểu đồ trên, cơ cấu sở hữu hiện nay tại Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm giữ 61,66% (trong đó 1,66% là thừa kế sau khi cha ông, ông Đặng Mơ qua đời), bà Thảo nắm 30%, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) có 6,68% và một cá nhân ẩn danh sở hữu 1,66%.
Ông Vũ đang là ông chủ của Trung Ngguyên, nắm toàn bộ quyền quyết định vận mệnh của tập đoàn này.
Tuy nhiên nếu phiên toà ngày 27/3 tới đây diễn ra, kết quả trên có thể không còn chính xác nữa bởi 2 trong 3 kịch bản dưới đây:
Toà phân chia cổ phần theo nguyện vọng ông Vũ
Theo đề xuất từ luật sư ông Vũ, tỷ lệ cổ phần tại Trung Nguyên của 2 người sẽ được chia dựa trên tỷ lệ 70-30.
Loại trừ số cổ phần 1,66% ông Vũ kế thừa từ bố, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90%.
Như vậy, sau ly hôn, ông Vũ sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần là tài sản riêng được thừa kế), và bà Thảo chỉ còn 27%, thấp hơn tỷ lệ sở hữu hiện tại. Có nghĩa ông Vũ vẫn là cổ đông lớn nhất, thừa phiếu (trên 65%) để quyết định mọi vấn đề của Trung Nguyên.
Toà phân chia cổ phần theo nguyện vọng bà Thảo
Đồng ý với đề xuất của chồng, chu cấp cho 4 người con 10 tỷ đồng/năm thay vì cổ phần như ban đầu, nhưng bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã không tán thành phương án chia cổ phần tại Trung Nguyên Investment.
Bà đưa ra phương án nắm giữ 51% cổ phần tại Trung Nguyên Investment, nghĩa là ông Vũ chỉ còn lại 39%.
Dù có cộng thêm cổ phần thừa kế tử bố, hay thậm chí khoản cổ phần của cả mẹ và cá nhân ẩn danh thì ông Vũ cũng mất quyền điều hành Trung Nguyên. Thay vào đó, bà Thảo sẽ nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment, qua đó chi phối Trung Nguyên Group và các công ty con khác.
Còn ông Vũ, dù không giữ quyền làm chủ nhưng vẫn có quyền phủ quyết các định hướng của bà Thảo.
Toà phân chia theo tỷ lệ 50-50
Một phương án khác thường được tòa lựa chọn là chia đôi theo tỷ lệ 50-50 khi hai bên không thỏa thuận được. Kịch bản này tưởng trung dung nhưng không hẳn rõ ràng với vận mệnh Trung Nguyên.
Cụ thể, theo tỷ lệ này, ông Vũ sẽ có 46,66% (1,66% thừa kế từ bố) và bà Thảo nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên Investment.
Ngay cả khi bà Thảo được sự ủng hộ của cổ đông ẩn danh (1,66%) thì bà cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment, còn ông Vũ và mẹ nắm 53,34% cổ phần.
Tuy nhiên, theo quy định tại luật Doanh nghiệp, với việc sở hữu trên 35% cổ phần, bà Thảo vẫn có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của Đại hội đồng cổ đông Trung Nguyên Investment.
Tương tự kịch bản số 2, sự khác biệt trong tầm nhìn và hướng đi của Trung Nguyên giữa ông Vũ và bà Thảo, nếu không ai nhường ai, sẽ đưa Trung Nguyên tiếp tục vào vòng "nội chiến".