16 giờ làm việc mỗi ngày của cô bé 12 tuổi hé lộ sự nghiệt ngã trong những lò gạch cũ ở "miền đất phật"
Tại những lò gạch, trẻ em làm việc từ sáng đến tối, 7 ngày một tuần, trong điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm. Thậm chí, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi cũng có thể trở thành trụ cột của gia đình nhằm đảm bảo có đủ tiền mua thức ăn.
Xem Maya Lama chơi với bạn bè, cô bé giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác, tươi cười, hồn nhiên và ngây thơ. Nhưng trước đó, cuộc sống của cô bé 12 tuổi này giống như địa ngục. Maya Lama buộc phải làm việc vất vả 16 giờ mỗi ngày trong nhà máy sản xuất tại thủ đô Kathmandu của Nepal, từ 4h sáng đến 8h tối liên tục không được nghỉ ngơi. Maya bị chính người chú của mình ép trở thành lao động chính trong nhà từ khi mới 10 tuổi.
Song, cô bé không phải người duy nhất phải chịu thảm cảnh này, mà có tới 1,2 triệu trẻ em đang lao động bất hợp pháp tại Nepal - nơi được mệnh danh là "miền đất phật" của thế giới. (Khảo sát lực lượng lao động Nepal 2017 - 2018 do Cục Thống kê Trung ương thực hiện phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế).

Nước mắt trẻ thơ nơi những lò gạch cũ
Khi quá trình đô thị hóa diễn ra trên khắp đất nước Nepal, số lượng trẻ em (từ 5-17 tuổi) làm việc trong những tình huống thường xuyên nguy hiểm đã tăng vọt. Chỉ riêng miền Nam Nepal, có tới 34.593 trẻ em đang sống trong lò gạch cùng gia đình.
Ước tính, cả nước có 750 lò gạch chính thức, với 211 lò bên trong Thung lũng Kathmandu và 539 lò rải rác ở những nơi khác. Khi mùa làm việc kết thúc, hầu hết trở về nhà để nghỉ ngơi. Nhà của những người lao động di cư này thường là những vùng nghèo và nông thôn Nepal và đôi khi là Ấn Độ.

Trẻ em lao động cùng cha mẹ trong những nhà máy gạch - Ảnh: Ballard Brief
Bạn có thể tưởng tượng được một đứa trẻ 6 tuổi phải khiêng những viên gạch nặng, làm việc suốt đêm trong môi trường xung quanh là bụi, hóa chất và ngọn lửa không?. Đối với hàng ngàn trẻ em trên khắp Nepal, đây chính là hiện thực của các em.
Sau trận động đất tàn phá năm 2015 và đại dịch COVID-19 năm 2020, việc đóng cửa trường học kết hợp với mất việc làm và thu nhập đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh tuyệt vọng. Để duy trì cuộc sống, nhiều người buộc phải vay tiền hoặc đưa cả các con tới làm việc tại những nhà máy gạch.
Tại đây, chúng làm việc từ sáng đến tối, 7 ngày một tuần, trong điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm. Thậm chí, một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi cũng có thể trở thành trụ cột của gia đình nhằm đảm bảo có đủ tiền mua thức ăn.
Được biết, các hình thức lao động bóc lột tồn tại ở Nepal trong nhiều thế kỷ. Bắt đầu từ những năm 1950, người di cư từ các vùng khác của đất nước di chuyển đến chiếm đất thuộc sở hữu của cộng đồng dân tộc Tharu. Tharu bị buộc phải trở thành người lao động nông nghiệp cho chủ nhà mới và nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều cô gái Tharu 5 tuổi bị bán làm nô lệ để trả các khoản nợ.

Khi Nepal chính thức cấm tình trạng nô lệ vào năm 2000, ước tính có khoảng 200.000 người lao động từ 37.000 hộ gia đình được giải phóng, theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Giáo dục, một tổ chức phi chính phủ. Nhưng lệnh cấm của chính phủ tập trung chủ yếu vào những người đàn ông làm việc trong các trang trại, còn các cô gái làm nô lệ bị bỏ qua. Hơn 500 cô gái, đặc biệt là tại huyện Kailai và Kanchanpur phía Tây Nepal, vẫn đang bị ép lao động.
VICE World News đã từng phát sóng một bộ phim tài liệu về hoàn cảnh khốn khổ của trẻ em làm việc tại các nhà máy gạch và Dự án chấm dứt lao động trẻ em của Sansar (Tổ chức từ thiện của Anh cung cấp giáo dục, nơi ở và phúc lợi cho những trẻ em gái và trẻ em trai thiệt thòi nhất ở Nepal). Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Our Sansar và nhà báo từng đoạt giải thưởng người Anh Sahar Zand .
Sau một năm điều tra bí mật, bộ phim tài liệu này vạch trần 6 nhà máy gạch ở Nam Nepal, hai trong số đó thuộc sở hữu của các chính trị gia địa phương cấp cao, sử dụng hàng trăm trẻ em, một số trẻ chỉ mới 5 tuổi. Đáng nói, khi làm việc và sống gần lò gạch, trẻ có nguy cơ cao bị thương như bị cắt và bầm tím cũng như các vấn đề về sức khỏe hô hấp do ô nhiễm không khí.
Hay nhiếp ảnh gia Jan Moeller Hansen đã ghi lại những hình ảnh lao động trẻ em tại các lò gạch ở thung lũng Kathmandu, Nepal, từ giữa năm 2013 đến năm 2016 khi ông sinh sống và làm việc tại đây.
Theo Jan, công nhân rất nghèo và thường phải vay vốn từ chủ lò gạch với lãi suất rất cao. Điều này khiến họ phải gánh những khoản nợ lớn và buộc phải làm việc tại các lò gạch trong nhiều năm mà không được trả lương.

Làm việc cực nhọc như người lớn nhưng trẻ em lại nhận lương rất thấp hoặc không có - Ảnh: Jan Moeller Hansen
Trong một nghiên cứu, công nhân xây gạch báo cáo rằng họ nhận được 1,3 rupee cho mỗi viên gạch (hơn một xu Đô la Mỹ một chút). Với mức lương tối thiểu ở Nepal vào khoảng 17.300 rupee mỗi tháng, công nhân xây gạch phải làm 450–500 viên gạch mỗi ngày mới đạt được mức lương tối thiểu.
"Một người lao động tại đây chỉ kiếm được vài đô la cho một ngày làm việc từ 12 đến 14 giờ. Đôi khi cả gia đình chỉ được trả một số tiền rất ít sau khi mùa làm việc kết thúc. Những đứa trẻ thậm chí còn không biết chúng kiếm được bao nhiêu vì chủ lò gạch chỉ thanh toán lương cho chủ gia đình", ông Jan nói.

Những đứa trẻ sống trong lò gạch còn được dạy cách nói dối về tuổi của mình. Chúng sẽ thường nói với người ngoài rằng đã trên 16 tuổi khi được hỏi, nhưng thực tế độ tuổi thật sự là rất thấp.
"Tôi chỉ thấy sự ngược đãi ở đây, khi mà họ làm việc chăm chỉ nhưng lại không được phép nghỉ ngơi và phải ăn uống rất khổ sở", nhiếp ảnh gia bình luận.
Rào cản giáo dục đối với trẻ em Nepal
Trên khắp Nepal, các lò gạch tuyển dụng hàng nghìn gia đình hằng năm cho công việc theo mùa là chế tác và vận chuyển gạch thông qua người trung gian. Qua những lời cám dỗ được làm việc cùng cha mẹ, lương cao, nhiều trẻ em sẵn sàng bỏ học để trở thành lực lượng lao động.
Những đứa trẻ này đôi khi được tuyển dụng độc lập nhưng thường được thuê không chính thức để làm việc với cha mẹ chúng. Trẻ em nhỏ 5-6 tuổi được giao làm việc đóng gạch trong khi những đứa trẻ lớn hơn thực hiện các nhiệm vụ như đào, dỡ hoặc chất gạch lên xe tải.

Theo thống kê, 20% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và 50% trẻ em trong độ tuổi trung học không được đi học. Còn trong số trẻ em di cư theo công nhân xây dựng, 89% không được đi học.
Đáng chú ý, cha mẹ của các em cũng không cố gắng ngăn cản, không nỗ lực khuyến khích các em đi học. Thậm chí, một số người còn có hành động ngăn cản việc học. Chính sự bỏ bê của cha mẹ dẫn đến kết quả học tập kém, với một số trẻ em bỏ học ngay cả khi chúng ở nhà. Nếu không được giáo dục tốt, hầu hết những đứa trẻ này có khả năng sẽ phải làm những công việc thu nhập thấp trong suốt quãng đời còn lại.
Các luật hiện hành tại Nepal bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em và hỗ trợ giáo dục cho trẻ em không được thực thi nghiêm ngặt.
Về mặt thủ tục, lao động trẻ em bị nghiêm cấm ở Nepal. Tuy nhiên, lao động trẻ em vẫn diễn ra rất phổ biến. Luật pháp ở Nepal định nghĩa "trẻ em" là bất kỳ người nào dưới 16 tuổi, nhưng luật lao động trẻ em chỉ áp dụng cho những người dưới 14 tuổi.

Trẻ em dưới 10 tuổi, thậm chí chỉ mới 5 tuổi ở Nepal cũng có thể trở thành lao động trụ cột của cả gia đình - Ảnh: Jan Moeller Hansen
Đạo luật Lao động Trẻ em năm 2000 quy định độ tuổi tối thiểu để làm việc là 14 tuổi và độ tuổi tối thiểu để làm công việc nguy hiểm là 16 tuổi. Đạo luật này cũng cấm bất kỳ công việc nào tương tự như chế độ nô lệ hoặc lao động cưỡng bức. Tuy nhiên, đạo luật này vẫn còn nhiều kẽ hở đối với cá nhân, chẳng hạn như cho phép trẻ em giúp cha mẹ làm gạch mà không cần đăng ký hợp pháp là người lao động. Với những kẽ hở này được thêm vào luật vốn đã không thể ngăn trẻ nhỏ tham gia lực lượng lao động. Từ đó, việc giữ trẻ em ở lại trường học trở thành vấn đề nan giải.
Giải thoát...
Maya là một trong những người may mắn. Cô bé được Tổ chức Nepal Goodweave Foundation - tổ chức phi chính phủ địa phương nỗ lực loại bỏ lao động trẻ em cứu thoát. Maya sống cùng rất nhiều trẻ em khác ở khu nhà của tổ chức này ở Kathmandu. Tại đây, các em được trò chuyện, vui chơi và tham dự các lớp học.

Vào năm 2021- 2022, Our Sansar đã điều tra những trường hợp đau lòng về các bé trai và bé gái chỉ mới 6 tuổi làm việc toàn thời gian tại các nhà máy gạch ở Rautahat (thuộc Tỉnh 2, một trong những huyện nghèo nhất Nepal). Nghiên cứu sơ bộ của tổ chức cho thấy có hơn 2.500 trẻ em đang làm việc tại các nhà máy gạch chỉ riêng ở Tỉnh 2.
Sau đó, Our Sansar đã thực hiện dự án Chấm dứt lao động trẻ em nhằm giải phóng các em khỏi công việc bất hợp pháp và cho các em tiếp cận giáo dục để có tương lai tươi sáng hơn.
Vào tháng 12/2022, tổ chức đã hoàn thành chương trình thí điểm cung cấp giáo dục và hỗ trợ gia đình cho 20 trẻ em từ các nhà máy gạch. Trong giờ làm việc của cha mẹ, các em sẽ tham gia các lớp học với đội ngũ tình nguyện viên tại một trường học địa phương, nơi các em được giới thiệu về giáo dục chính quy. Đổi lại, gia đình các em nhận được thực phẩm tương đương với giá trị mà các em kiếm được mỗi tháng khi phải khiêng gạch và làm việc nguy hiểm.
Trước đó, từ tháng 9/2022, các em đã được ghi danh vào trường học địa phương toàn thời gian để đảm bảo rằng các em là một phần của cộng đồng và không bị thiệt thòi.

Sự chung tay của cộng đồng sẽ là lối thoát giúp các em đến được tương lai tươi sáng hơn - Ảnh: Our Sansar
Một tổ chức khác tạo ra sự khác biệt đáng kể trong nhiều cộng đồng người Nepal - Street Child - Tổ chức từ thiện của Anh với tầm nhìn toàn cầu: Đảm bảo tất cả trẻ em được an toàn, được đến trường và học tập.
Kể từ khi xảy ra đại dịch toàn cầu năm 2020, Street Child đã cung cấp các dịch vụ và đồ dùng giáo dục cho hơn 2.900 trẻ em Nepal. Trong đó, hầu hết trẻ em được Street Child hướng tới là các bé gái không có cơ hội được học hành.
Hay chương trình Học tập tăng tốc do Street Child giới thiệu đã giúp 3.000 bé gái không được đến trường tái hòa nhập giáo dục. Trên quy mô rộng hơn, Street Child đã thành công trong việc tác động đến 10.306 trẻ em ở Nepal thông qua việc hỗ trợ tiếp cận trường học và hưởng giáo dục miễn phí.
Theo Ballard Brief, CNN, Our Sansar, ILO