15 năm kinh nghiệm "giáo dục tại gia" cho 2 con, bà mẹ Hà Nội bật mí cách phát triển một kỹ năng giúp trẻ thi IELTS 7.5 trở lên
Năm lớp 11, con trai lớn của chị Liên thi IELTS được 8.0 còn con trai thứ hai đạt band điểm IELTS 7.0 từ năm lớp 9.
Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sĩ giáo dục, hiện đang công tác tại một trường học ở Hà Nội. Chị cũng có kinh nghiệm hơn 15 năm "giáo dục tại gia" bán thời gian cho hai con.
Cả 2 con của chị Liên đều vừa học chương trình ở trường Việt Nam và vẫn học song song chương trình homeschool Acellus + text book Mỹ. Con trai lớn của chị hiện đã học xong lớp 11 ở một trường công ở Việt Nam và lấy bằng THPT Mỹ online. Em cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ.
Em được học bổng 17.500 USD/năm. Em cũng đã có kết quả của nhiều trường đại học ở Úc và Mỹ và giờ đã sang Úc học.
Năm lớp 11, con trai lớn của chị Liên thi IELTS được 8.0 còn con trai thứ hai đạt band điểm IELTS 7.0 từ năm lớp 9. Chị Liên cho biết, trong lần thi IELTS đạt 8.0, phần kỹ năng đọc con lớn của chị được 8,5. Đây là kết quả khiến chị rất vui mừng, so với các bạn học sinh Mỹ cùng độ tuổi thì năng lực đọc của con vượt trội và tương đương với sinh viên đại học.
"Một đứa trẻ lớp 2 mới có thể đọc được tiếng Việt vì khó khăn khi học đọc, mà sau 9 năm nỗ lực, trình độ đọc có thể cải thiện mức này. Bạn ấy vẫn rất lười đọc sách, nhưng chịu đọc tài liệu theo tài khoản, và kết quả đọc tiến bộ thế này là bố mẹ rất mừng", chị Liên chia sẻ.
Theo bà mẹ này, nếu hỏi đâu là kỹ năng nào được chú trọng nhất trong giáo dục Mỹ và giáo dục các nước phát triển nói chung, thì với chị chính là kỹ năng đọc và viết luận. Do đó, từ tiểu học, phần lớn nhiệm vụ mà các thầy cô giao ở nhà của trẻ tiểu học Mỹ và các nước phát triển thường là hoạt động đọc.
"Như con mình lên đến cấp 3 Mỹ, nhiệm vụ của mỗi môn học là 1 - 4 quyển sách dày cho mỗi môn. Các con sẽ phải học cách tìm kiếm tài liệu, đọc tài liệu, phân tích, đúc kết, tổng kết, trình bày thành dạng bài luận. Thế nên, nếu từ nhỏ mà chúng ta không tập trung phát triển kỹ năng đọc, thì các con rất khó theo học ở bậc Trung học phổ thông và bậc đại học ở Mỹ và các nước phát triển khác", chị nói.
Vậy chị Liên đã kèm đọc tiếng Anh cho con mình như thế nào?
1. Từ khi con còn nhỏ xíu trong bụng, việc của chị là cứ đọc sách ít nhất 30 phút mỗi ngày cho con, thường sẽ đọc trước giờ đi ngủ. Có hôm có thời gian, chị có thể đọc 3 lần 30 cho con nghe. Sách tiếng Việt, sách tiếng Anh, cứ có thời gian là đọc.
"Mình thường nhận được câu phàn nàn là: Con nhà em không chịu ngồi nghe em đọc sách. Hai con mình cũng rất là nghịch và ưa vận động, vốn dĩ chỉ thích nhảy nhót chứ cũng không thích ngồi im", chị nói.
Để khắc phục, giúp con ngồi yên nghe mẹ đọc sách, chị Liên có "bài" diễn kịch. Mới đầu chị kể chuyện bằng tranh, kể chuyện bằng gấu bông, bằng con rối tay với các tình tiết li kỳ hấp dẫn. Đế lúc hay nhất chị sẽ bảo là mẹ quên mất rồi, giờ phải ngồi đọc xong mình mới kể tiếp hay diễn tiếp được. Thế là hai con đang xem diễn kịch đến cao trào phải chịu khó ngồi nghe mẹ đọc 5 - 10 phút rồi mẹ mới diễn tiếp. Chị cứ "lừa" như vậy đến khi con ngồi nghe mẹ đọc được 30 phút thì thôi.
Chị chia sẻ, bản thân mình vất vả nhất là khi con 2 - 3 tuổi, con nghịch và không chịu ngồi nghe. Khi con chịu nghe thì chị không đọc 1 mạch truyện mà đọc đến đâu vừa trao đổi, giao lưu với con về câu chuyện. Chẳng hạn: Trong này có mấy nhân vật mẹ quên rồi, là ai thế nhỉ, chuyện gì xảy ra, chó sói trốn ở đâu, cô bé quàng khăn đỏ này có xinh không?...
Lớn dần, đến khi con đã quen đọc, tầm 4 tuổi thì tối nào cũng bắt mẹ đọc sách cho con.
2. Đến khi con 5 tuổi, chị bắt đầu cho con đọc các sách tiếng Anh gồm hình ảnh và chỉ có 2 từ 1 trang. Sau khi đọc sách 2 từ một trang tầm 6 tháng hơn 20 quyển thì chị chọn các sách tiếng Anh 1 trang là 1 câu ngắn từ 2 - 5 từ.
May mắn là chị được cho 1 bộ sách mẫu giáo có file nghe, dùng Acrobat 9 pro là có thể mở nghe. Nên chị cho con nghe rồi mình hỏi đáp với con các câu dễ bằng tiếng Anh, sau đó 3 - 4 tháng thì cho các con trả lời các câu hỏi khó sau sách.
3. Đến khi con vào lớp 1, chị Liên có bộ Reader grade, bộ sách đọc dài theo đúng grade của con với phần đọc hiểu rất hay. Khi con đọc theo bộ này trình độ đọc hiểu của con tăng dần.
Khi con học hết lớp 1 thì chị không còn đọc sách cho con nghe nữa mà có 30 phút trước khi đi ngủ để cả nhà cùng đọc sách, mỗi người chọn 1 quyển sách mình thích rồi ngồi đọc, đọc buồn ngủ là ngủ luôn. Đây là khung giờ bắt buộc đọc sách chữ của gia đình. Còn lại trong ngày con thích sách nào thì tùy con đọc, truyện tranh chỉ coi là giải trí không được coi là nhiệm vụ đọc hàng ngày.
4. Để con phát triển thêm kỹ năng đọc thì chị Liên chọn thêm bộ đọc hiểu Reading comprehension từ grad 1-6, có rất nhiều dạng bài đọc hiểu khác nhau. Luyện xong 6 quyển, con đi thi IELTS có thể đạt điểm kỹ năng đọc từ 7,5 - 8 trở lên.
5. Ngoài ra chị còn cho con đọc thêm Rakids, mỗi tuần 1 - 5 quyển sách. Lên cấp 2 và 3, trình độ cao con đọc Achieve 3000 của Mac Graw Hill.
6. Tuy nhiên chị Liên lưu ý, khi đọc sách xong thì con nên làm báo cáo sách bằng cách vẽ sơ đồ tư duy hoặc viết tóm tắt sách đã đọc rồi thuyết trình lại hoặc quay clip tóm tắt sách. Điều này giúp con nhớ nội dung câu chuyện hơn và cũng đồng thời để luyện kỹ năng nói.